Thứ 6, 19/04/2024, 22:19[GMT+7]

Thái Thụy Khai thác lợi thế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Thứ 3, 02/06/2015 | 08:22:21
874 lượt xem
Những năm qua, Thái Thụy đã tập trung khai thác lợi thế ven biển, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực.

 

Với bờ biển trải dài hơn 25km, 3 cửa sông lớn đã tạo cho Thái Thụy một vùng bãi bồi rộng lớn, giàu tiềm năng thủy sản. Đây là lợi thế lớn, cũng là thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Thái Thụy đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển, nhất là lĩnh vực khai thác, chế biến và vận tải biển. Đến nay, toàn huyện có 458 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp đóng tàu, vận tải biển, 30 tàu vận tải quốc tế. Từ đầu năm tới nay, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển có nhiều khởi sắc, nguyên nhân chính là do giá xăng dầu giảm nên chi phí giảm dẫn tới lợi nhuận tăng. Mặt khác, sản lượng vận tải biển cũng tăng do cả chiều đi và chiều về đều có hàng nên đã đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa của các chủ tàu. Điển hình như Công ty Cổ phần Dũng Thành Trung đã đưa vào khai thác đôi tàu vỏ thép công suất 810CV/tàu. Đối với các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục duy trì sửa chữa thường xuyên cho hàng trăm tàu vỏ gỗ và vỏ sắt phục vụ bà con ngư dân vươn khơi bám biển. Trong đó nổi bật là Công ty Đóng tàu Đại Dương vừa duy trì là đơn vị sửa chữa tàu lớn nhất tỉnh, vừa chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67 của Chính phủ.

 

Trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, Thái Thụy có 4 làng nghề duy trì tốt đà phát triển, đem lại thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng là làng Vĩnh Trà, Tân Sơn (thị trấn Diêm Điền), làng Vạn Xuân (xã Thụy Xuân) và làng Quang Lang (xã Thụy Hải). Đặc biệt, Nhà máy Chế biến bột cá Thụy Hải với 4 dây chuyền có công suất 450 tấn cá nguyên liệu/ngày, hàng năm thu mua 60 - 70% lượng cá tạp của bà con ngư dân trong tỉnh và một phần ở các tỉnh ven biển miền Bắc, miền Trung với giá cao, ổn định, tạo việc làm cho 250 lao động. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản đã kết hợp sản xuất đa dạng các mặt hàng như nước mắm, thủy hải sản đông lạnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đem lại doanh thu cao, điển hình như Công ty TNHH Minh Phú, Doanh nghiệp Phương Nam, Công ty Cổ phần Dũng Thành Trung...

 

Gần đây, Thái Thụy đã thu hút một số dự án lớn như Nhà máy sản xuất Amon Nitrat là dự án có công suất thiết kế 200.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 18,64ha thuộc địa phận xã Thái Thọ đã được đưa vào vận hành thương mại từ đầu năm 2015. Trong 3 tháng đầu năm nay, Nhà máy đã sản xuất được 5.100 tấn sản phẩm Nitrat, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu Amon Nitrat, khắc phục tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu với giá biến động liên tục như trước đây.

 

 

Sửa chữa tàu biển ở Công ty Đóng tàu Đại Dương.

 

Trong những năm gần đây, lĩnh vực dệt may phát triển mạnh ở các vùng nông thôn trong huyện, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân. Toàn huyện hiện có 16 doanh nghiệp cùng hàng chục cơ sở may tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Lĩnh vực dệt may không chỉ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang công nghiệp mà còn  xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đến nay, nhiều công ty đã đầu tư thành công và có sự tăng trưởng ổn định như Công ty TNHH Quý Khang (xã Thụy Dân), Công ty TNHH May Gia Nguyễn (xã Thụy Phúc), Công ty TNHH May xuất khẩu Vinap, Công ty Cổ phần May xuất nhập khẩu Tân Phong - Shinwoo...

 

Bên cạnh đó, nghề mây tre đan, móc sợi tiếp tục phát triển mạnh ở Thái Thụy, trong đó Doanh nghiệp Mây tre đan Thanh Bình tạo việc làm cho 10.000 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Nghề mộc, cơ khí cũng phát triển mạnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đem lại thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, tập trung chủ yếu ở các xã Thụy Quỳnh, Thụy Văn, Thụy Dân, Thụy Thanh.

 

Những kết quả trên đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quý I/2015 của Thái Thụy đạt 474,3 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu hàng hóa; thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, chủ động nắm bắt, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, làng nghề về mặt bằng, vốn, nguồn lao động. Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2015 đạt 3.105,5 tỷ đồng.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa