Thứ 6, 19/04/2024, 00:21[GMT+7]

Giải quyết đình công giúp doanh nghiệp FDI nâng cao hiệu quả hoạt động

Thứ 2, 17/08/2015 | 08:53:20
2,969 lượt xem
Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, từ năm 2011 đến nay, 100% các cuộc đình công trong các KCN đều xảy ra ở các doanh nhiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để khắc phục tình trạng trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời, nhanh chóng, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giờ tập thể dục giữa giờ tại chỗ của Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Maxport (Cụm công nghiệp Đông Xuân, Đông Hưng). Ảnh: Thu Thủy

 

Đình công, lãn công là một trong những vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp FDI nào cũng lo ngại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất, sự bất ổn trong quản lý nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Từ năm 2011 tới nay, tại các KCN trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 cuộc đình công, tập trung tại các doanh nghiệp FDI. Gần đây nhất, tháng 5/2014 là cuộc đình công của 250 công nhân tại Công ty TNHH Nhựa Cotec (KCN Phúc Khánh). Nguyên nhân chính là do người lao động đề nghị chủ sử dụng lao động điều chỉnh tăng tiền ăn ca, xăng xe và tiền chuyên cần; đây là vấn đề thỏa thuận giữa hai bên, pháp luật không quy định. Tuy nhiên, sau khi giải quyết đình công, Công ty cũng đã xem xét và điều chỉnh một số nội dung theo đề nghị của người lao động và trở lại sản xuất bình thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công trong các KCN thời gian qua nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ mối quan hệ lao động, lợi ích kinh tế giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, một số tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp FDI chưa pháp huy hết hiệu quả hoạt động.

 

Để giải quyết tình trạng đình công trong các KCN, những năm qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện nghiêm Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND, ngày 18/8/2011 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp giải quyết các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật tại các KCN tỉnh Thái Bình. Ban Quản lý các KCN tỉnh là cơ quan đầu mối, khi có đình công xảy ra đã chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố; triển khai công tác bảo đảm trật  tự, an ninh; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động tại doanh nghiệp; nắm bắt những kiến nghị của người lao động… Ban Quản lý các KCN tỉnh còn trực tiếp chủ trì đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; lấy ý kiến của các cơ quan phối hợp, thống nhất hướng xử lý mâu thuẫn theo quy định của pháp luật. Nhờ vậy, các cuộc đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua được giải quyết kịp thời và tương đối thỏa đáng, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, qua đó giúp doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, người lao động ổn định việc làm.

 

Hiện tại có 37 dự án FDI đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh với vốn đầu tư đăng ký 6.679,82 tỷ đồng (chiếm 25% số dự án và 41% vốn đầu tư), tạo việc làm cho 29.790 lao động với thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp FDI góp phần không nhỏ làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển giao kỹ năng quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, tạo nhiều việc làm cho cả lao động trực tiếp và gián tiếp. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.575,03 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014, đạt gần 55% tổng giá trị sản xuất trong các KCN; kim ngạch xuất khẩu đạt 124,66 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 120,96 tỷ đồng. Để có kết quả trên có sự góp phần không nhỏ từ công tác phối hợp giải quyết đình công không đúng quy định của pháp luật tại các KCN trong những năm qua. Theo ông Trần Huy Quân, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh: Để ngăn ngừa việc đình công không đúng quy định của pháp luật và xử lý hiệu quả khi sự việc xảy ra các sở, ngành chức năng cần tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật cho người lao động và chủ sử dụng lao động; chú trọng giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật; tích cực phát triển tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI.

 

Trần Tuấn

  • Từ khóa