Thứ 5, 25/04/2024, 08:18[GMT+7]

Tự Tân chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Thứ 2, 17/08/2015 | 09:12:52
738 lượt xem
Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tự Tân (Vũ Thư) còn 3% giảm 0,66% so với năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng. Có được kết quả trên, là nhờ công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm coi trọng.

Cơ sở may Linh Trang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Quang Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tự Tân cho biết: Toàn xã hiện có 3.676 người trong độ tuổi lao động, chiếm 55,6% dân số. Xác định công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, căn cứ nhu cầu thực tế, UBND xã đã triển khai kế hoạch tới các thôn, xóm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ các ngành nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã và huyện; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tăng cường thông tin tuyển sinh, đào tạo, liên kết mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, qua đó góp phần giải quyết lực lượng lao động tại chỗ của địa phương. Trong 5 năm (2010 - 2015), địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở gần 10 lớp dạy các nghề chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, may mặc, điện dân dụng… Sau khi được học nghề, người lao động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, từ đó tạo việc làm cho bản thân và nhiều lao động khác.

Đến thăm cơ sở may Linh Trang ở thôn Phù Sa chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hăng say của các công nhân. Tuy mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng cơ sở đã thu hút 70 công nhân với mức lương bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đoàn Thị Hợi, chủ cơ sở cho biết: “Bên cạnh việc tăng thu nhập cho người lao động, chúng tôi mong muốn giải quyết số lượng lao động nhàn rỗi của địa phương do không có điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp vì điều kiện gia đình để giúp họ ổn định cuộc sống”.

 

Ngoài ra, để giúp người lao động có việc làm ổn định, xã còn tạo mọi điều kiện về các thủ tục vay vốn phát triển sản xuất. Trong 2 năm (2014 - 2015), thông qua Hội Nông dân, hàng chục hộ được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay trên 1 tỷ đồng phát triển chăn nuôi, mua sắm máy móc, sửa chữa cơ khí…, qua đó giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người lao động. Đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách, hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn để phát triển kinh tế và hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên. Cùng với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, Tự Tân còn luôn quan tâm đến công tác xuất khẩu lao động. Hàng năm, thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, xã nắm nhu cầu tuyển dụng người lao động đi làm việc tại các nước nên đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động và giới thiệu thị trường lao động. Đến nay, toàn xã có 83 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia...

 

Thời gian tới, để tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Tự Tân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; chủ động kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn xã.

 

Nguyễn Cường

  • Từ khóa