Thứ 4, 08/05/2024, 18:50[GMT+7]

Trung tâm Dịch vụ khu công nghiệp nhiều khó khăn trong quản lý hạ tầng và xử lý nước thải

Thứ 5, 27/08/2015 | 08:36:20
1,845 lượt xem
Hiện nay, công tác quản lý hạ tầng và xử lý nước thải tại các khu công nghiệp (KCN) có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của Trung tâm Dịch vụ KCN (Ban Quản lý các KCN tỉnh) đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do mức thu phí sử dụng hạ tầng, xử lý nước thải công nghiệp trong các KCN có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ở tỉnh ta còn thấp.

Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình.

 

Theo ông Nguyễn Viết Chiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ KCN: Hiện nay, có 56/57 doanh nghiệp đã ký hợp đồng sử dụng hạ tầng trong các KCN có vốn đầu tư ngân sách nhà nước. Từ năm 2006 đến tháng 6/2015, Trung tâm đã thu 16,12 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng (tính theo đơn giá thu phí 2.500 đồng/m2/năm, được UBND tỉnh quy định từ năm 2006). Trung bình một năm, Trung tâm chi từ 1,8 - 2 tỷ đồng thực hiện công việc như duy trì vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước, bảo vệ an ninh, bảo dưỡng, duy tu các công trình hạ tầng KCN… Đặc biệt, các công trình hạ tầng trong các KCN đã khai thác, sử dụng trên 10 năm, một số hạng mục đã xuống cấp và hư hỏng. Nếu giữ nguyên mức thu phí hạ tầng trong các KCN như hiện nay, sẽ khó bảo đảm hiệu quả công tác quản lý hạ tầng các KCN trong đó có việc duy tu, bảo dưỡng các công trình đã hư hỏng, xuống cấp.

 

Hiện nay, hai trạm xử lý nước thải tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ có công suất thiết kế 5.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện hai trạm xử lý nước thải này mới chỉ đạt 40% công suất thiết kế, trong khi vẫn phải duy trì lực lượng công nhân làm việc, thời gian hoạt động, chi phí điện nước...  Hiện tại, việc đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong các KCN có vốn đầu tư nhà nước là chưa triệt để. Vẫn còn một số doanh nghiệp ở hai KCN Nguyễn Đức Cảnh và Gia Lễ chưa đấu nối và ký hợp đồng đấu nối, mặc dù được các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở. Hầu hết các doanh nghiệp hiện không xử lý nước thải sơ bộ đạt tiêu chuẩn C trước khi đấu nối vào Trạm. Để bảo đảm nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn cột A (theo QCVN 40:2011/BTMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp), Trung tâm phải tăng cường lượng hóa chất, tăng ca chạy máy nén…, vì vậy chi phí xử lý nước thải cũng tăng lên. Theo báo cáo của Trung tâm, hàng năm, chi phí vận hành Trạm xử lý nước thải KCN Nguyễn Đức Cảnh chi vượt số thu, năm 2012 là 173 triệu đồng, năm 2013 là 110 triệu đồng, năm 2014 là 569 triệu đồng; Trạm xử lý nước thải KCN Gia Lễ, năm 2014 vượt thu 246 triệu đồng.

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức họp nghe Ban Quản lý các KCN tỉnh báo cáo thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong quản lý hạ tầng và vận hành xử lý nước thải trong các KCN có vốn đầu tư ngân sách nhà nước, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Dịch vụ KCN sớm xây dựng kế hoạch tăng mức phí thu hạ tầng, nước thải báo cáo UBND tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong năm 2015. Theo ông Chiến: Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ KCN đang xây dựng phương án tăng mức thu phí hạ tầng và xử lý nước thải để trình UBND tỉnh. Theo đó, đơn giá thu phí mới sẽ ở mức mà các doanh nghiệp chấp nhận được cũng như bảo đảm hiệu quả công tác quản lý hạ tầng và xử lý nước thải trong các KCN có vốn đầu tư nhà nước.

 

  • Vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng vào 4 KCN từ năm 2002 - 2015 là gần 285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại 6 KCN toàn tỉnh
  • Tổng diện tích hơn 486ha, chiếm 49,5% tổng diện tích quy hoạch các KCN
  • Thu hút 111 dự án, chiếm 76,5% tổng dự án vào các KCN toàn tỉnh

 

Trần Tuấn

  • Từ khóa