Thứ 7, 03/08/2024, 13:20[GMT+7]

Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình tạo đà cho ngành Công nghiệp bứt phá

Thứ 5, 24/09/2015 | 09:01:46
1,638 lượt xem
Để bảo đảm nguồn khí cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài Khu công nghiệp Tiền Hải, năm 2013, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đầu tư xây dựng Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 - 106. Đến nay, Dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, ngành Công nghiệp của tỉnh nói riêng.

Dự án khí thấp áp đã cung cấp dòng khí đầu tiên vào bờ từ ngày 6/8/2015.

Dự án mang tầm quốc gia

Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102 - 106 giai đoạn I gồm hai dự án thành phần là Dự án đường ống thu gom khí mỏ Hàm Rồng - Thái Bình và Dự án phân phối khí thấp áp và trạm nén khí với nguồn vốn đầu tư 152 triệu USD đã hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ. Hệ thống được thiết kế trở thành đường ống chính của khu vực Bắc Bộ với mục tiêu vận chuyển khí từ mỏ Hàm Rồng, mỏ Thái Bình về bờ trong giai đoạn đầu và kết nối, vận chuyển khí từ các mỏ khác trong tương lai và vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu nhằm cung cấp khí cho thị trường. Đây là dự án đầu tiên thu gom khí từ mỏ ngoài khơi vịnh Bắc Bộ và cung cấp nguồn khí đầu vào của khu vực miền Bắc, giúp các doanh nghiệp sử dụng khí mỏ tại Khu công nghiệp Tiền Hải có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại đã có 9 máy nén và 14 đầu nạp được lắp đặt với gần 50 xe bồn phục vụ khí nén vận chuyển đi các tỉnh. Năm 2015, Dự án sẽ cung cấp khoảng 30 triệu m3 khí, năm 2016 tăng lên khoảng 60 triệu m3 khí, đồng thời mở rộng đến thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh... Dự kiến, khi hai dự án này đi vào hoạt động ổn định, đạt 100% công suất sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước 52 tỷ đồng/năm.

Diện mạo mới cho ngành Công nghiệp

Ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó Giám đốc Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp miền Bắc cho biết: Ngày 6/8/2015, dòng khí đầu tiên ở Tiền Hải vào bờ và đã cung cấp cho 12 khách hàng trong Khu công nghiệp Tiền Hải sử dụng. Một số khách hàng có tiềm năng sử dụng sản lượng khí lớn như Nhà máy Viglacera khoảng 5.400.000m3/năm, Công ty Sứ Đông Lâm 1.200.000m3/năm, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Sứ Hảo Cảnh 7.000.000m3/năm, Công ty TNHH Pha lê Việt Tiệp 5.000.000m3/năm... Điều ý nghĩa nhất là sau khi Dự án đi vào vận hành, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã đầu tư thêm dây chuyền mới, tạo ra diện mạo mới cho ngành Công nghiệp của tỉnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. So với nhiên liệu truyền thống như FO, LPG mà các doanh nghiệp sử dụng, khí thấp áp sẽ giảm chi phí từ 10 - 15%. Mặt khác, đặc điểm của nhiên liệu này là không có tạp chất, cung cấp nguồn nhiên liệu sạch thay thế cho các nhiên liệu gây ô nhiễm, chất lượng sản phẩm được nâng cao, chi phí bảo dưỡng thiết bị giảm. Với những ưu điểm đó, chắc chắn sẽ tạo sự kích cầu trong thu hút các nhà đầu tư về Tiền Hải. Đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp ở tỉnh ngoài về khảo sát và có nguyện vọng đầu tư vào Khu công nghiệp Tiền Hải để giảm chi phí khi dùng khí nén.

Ông Vũ Văn Toan, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Tiền Hải

 

Hiện nay, Khu công nghiệp Tiền Hải có 41 dự án đầu tư, trong đó 37 dự án đã đi vào hoạt động. Trước đây có 30 dự án đã sử dụng công nghệ khí hóa than và có 15 lò khí hóa với công suất 378 triệu m3, tương đương với 47 triệu m3 khí. Dự án khí thấp áp hoàn thành đã tác động rất lớn tới sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện, trong đó tác động lớn nhất là sản lượng của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể do nguồn nhiên liệu dồi dào kéo theo lực lượng lao động tham gia cũng đông hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp mạnh dạn cải tiến mẫu mã sản phẩm và thu hút nhiều dự án đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp. Tính đến tháng 8/2015, trên địa bàn huyện có 20 dự án mở rộng và đầu tư mới. Hiện tại có 20 doanh nghiệp đăng ký sử dụng khí tự nhiên, 16 doanh nghiệp đã ký hợp đồng với sản lượng đăng ký khoảng 60 triệu m3 khí/năm.

Ông Nguyễn Duy Trúc, Giám đốc Nhà máy Viglacera

Hiện nay, bình quân mỗi ngày Nhà máy dùng 13.600m3 khí, dự kiến tháng 11 tới sau khi khánh thành dây chuyền số 2 sẽ dùng thêm khoảng 19.000m3 khí/ngày. Trước đây, Nhà máy dùng than hóa khí, tiêu thụ khoảng 30 tấn than/tháng, tương đương với 95 triệu đồng/tháng. So với nhiên liệu cũ Nhà máy sử dụng, nguồn khí tự nhiên có nhiều ưu điểm vượt trội, ít nhất là giảm các chi phí do không phải bảo dưỡng các thiết bị, tăng tuổi thọ của máy móc, bảo đảm môi trường sạch sẽ, người lao động có môi trường làm việc tốt, không bị độc hại; đó là cơ sở để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ngoài ra còn có tác động trực tiếp đến sản phẩm, giảm được một số lỗi bề mặt do muội than gây ra, sản phẩm đẹp hơn. Do đó, ngay sau khi Dự án khí thấp áp hoàn thành, Công ty đã nhanh chóng chuyển đổi để đưa khí vào sử dụng.

Thu Thủy

  • Từ khóa