Chủ nhật, 30/06/2024, 23:30[GMT+7]

Ngành Công nghiệp Phát huy vai trò thời hội nhập

Thứ 7, 01/01/2011 | 10:19:55
2,599 lượt xem
Phát huy vai trò là ngành kinh tế động lực trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH của Thái Bình hiện nay, thời gian qua ngành công nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, duy trì đà tăng trưởng ở mức cao và ổn định.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 5 năm (giai đoạn 2006- 2010) đạt khoảng 34.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,2%/ năm. Trong đó năm 2010, giá trị sản xuất CN- TTCN toàn tỉnh ước đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 26,94% so với năm 2009. Sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp là nhân tố quan trọng góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.

 

Nếu chỉ nhìn vào những con số thuần tuý nói trên chúng ta không thể thấy hết sự nỗ lực vượt bậc của ngành công nghiệp, mà phải đặt trong bối cảnh mấy năm qua tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp theo hướng trái chiều gây không ít khó khăn, bất thuận cho các ngành, trong đó ngành công nghiệp cũng không phải là ngoại lệ.

 

Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn phải chịu tác động mạnh của cuộc suy thoái kinh tế, lạm phát leo thang, thiếu điện và nguồn khí mỏ, sự phản ứng của người dân tại một số công trường xây dựng và khu công nghiệp... Mặc dù vậy, năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn không ngừng được mở rộng. Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng trung bình 5 năm (2006- 2010) lần lượt là 23,8% và 94%/ năm.

 

Bước đầu Thái Bình đã hình thành được một số ngành và sản phẩm công nghiệp chủ lực, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Điển hình như ngành công nghiệp chế biến NSTP và đồ uống, giá trị sản xuất năm 2010 ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,68% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Hay như ngành công nghiệp dệt may và da giầy, năm 2010 ước đạt giá trị gần 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,1%...

 

Mạng lưới các khu- cụm công nghiệp tiếp tục được quy hoạch mở rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng của các doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 7 KCN được Chính phủ công nhận với tổng diện tích khoảng 1.200ha. Trong đó 6 KCN với diện tích 1.000ha và 19 CCN với tổng diện tích 711ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Cùng với chủ trương tập trung đầu tư nâng cấp về hạ tầng các khu - cụm CN, thời gian qua ngành Công Thương đã tham mưu giúp UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, nhất là những ưu đãi về san lấp mặt bằng, đào tạo lao động, tiền thuê đất, xúc tiến thương mại...

 

Nhờ vậy số lượng các dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh những năm qua tăng lên không ngừng. Trong 5 năm (2006- 2010), toàn tỉnh đã thu hút mới trên 200 dự án với tổng mức vốn đăng ký đạt trên 50.000 tỷ đồng, đưa tổng số các dự án sản xuất công nghiệp được chấp thuận đầu tư vào tỉnh lên 391 dự án với số vốn gần 55.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có gần 300 dự án hoàn thành và đi vào sản xuất với số vốn triển khai đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Riêng tại các khu- cụm CN đã thu hút 301 dự án đầu tư với số vốn xấp xỉ 12.600 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 67,5%, trong đó một số khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy toàn bộ diện tích như KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Tiền Hải, KCN Phúc Khánh...

 

Đến thời điểm này đã có 237 dự án chính thức đi vào sản xuất với tổng số vốn thực hiện khoảng 6.100 tỷ đồng, đóng góp khoảng 45% giá trị sản xuất CN và 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 

Một điều đáng mừng trong quá trình phát triển công nghiệp ở Thái Bình thời gian qua là bên cạnh các dự án quy mô vừa và nhỏ, gần đây đã thu hút được một số dự án có quy mô khá lớn. Điển hình nhất là dự án Trung tâm điện lực Thái Bình xây dựng tại xã Mỹ Lộc (Thái Thuỵ) trên diện tích 254ha với số vốn 2,1 tỷ USD (tương đương khoảng 45.000 tỷ VN đồng). Dự án bao gồm 2 nhà máy nhiệt điện có tổng công suất thiết kế 1.800MW, gần tương đương công suất của Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.

 

Dự kiến khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 10 tỷ KWh điện và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra còn phải kể đến dự án Nhà thép đặc biệt Shengli xây dựng tại KCN Cầu Nghìn (thị trấn An Bài - Quỳnh Phụ) có số vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 53 triệu USD, mỗi năm dây chuyền này luyện khoảng 600.000 tấn phôi thép và cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 tấn thép cán thành phẩm các loại...

 

Tốc độ thu hút các dự án đầu tư mới để lấp đầy các khu - cụm CN cũng được rút ngắn đáng kể so với trước. Tiêu biểu là KCN Gia Lễ rộng 85ha, chỉ chưa đầy 2 năm xây dựng, đến nay KCN Gia Lễ đã thu hút 7 dự án đăng ký đầu tư với mức vốn cam kết 875 tỷ đồng, bảo đảm lấp đầy trên 90% diện tích đất dành cho công nghiệp. Trong đó có 3 dự án đã đi vào sản xuất, bước đầu tạo việc làm cho khoảng 3.600 lao động. Dự kiến năm 2010, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc KCN Gia Lễ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 331 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 6 tỷ đồng...

 

Sự phát triển nhanh và toàn diện của ngành công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế chung của tỉnh. Năm 2010, ngành công nghiệp và xây dựng đóng góp khoảng 25,13% tổng sản phẩm GDP toàn tỉnh. Đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp xuống còn 33%, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng lên 32,98% và tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động (chưa kể khu vực nghề và làng nghề).

 

Vũ Mạnh

  • Từ khóa