Thứ 5, 22/05/2025, 04:44[GMT+7]

Cụm công nghiệp, làng nghề ở Kiến Xương phát triển ổn định

Thứ 2, 26/10/2015 | 10:01:26
1,401 lượt xem
Theo đánh giá của Phòng Công Thương huyện, những năm qua, hoạt động của các cụm công nghiệp, làng nghề phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Công ty May Việt Thái (Cụm công nghiệp Thanh Tân) tạo việc làm cho gần 1.400 lao động.

 

Ông Bùi Văn Nhu, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết: Dấu ấn trong phát triển công nghiệp của Kiến Xương những năm qua là đã quy hoạch và thu hút được nhiều dự án đầu tư vào cụm công nghiệp. Hiện tại, toàn huyện có 3 cụm công nghiệp, thu hút 10 dự án đầu tư, trong đó Cụm công nghiệp Vũ Quý có tỷ lệ lấp đầy 100% với 4 dự án đầu tư của Công ty TNHH Thủy Dương, Công ty Busadco, Công ty TNHH Phúc Kiến và Công ty Hưng Long. Các doanh nghiệp này đều hoạt động ổn định, thu hút 364 lao động với thu nhập bình quân từ 3,3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Cụm công nghiệp Vũ Ninh thu hút được 2 dự án, trong đó Công ty May Sơn Hà không chỉ kinh doanh ổn định, hiệu quả mà còn tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư các công trình phụ trợ cho ngành may, tạo việc làm cho 1.200 lao động với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với Cụm công nghiệp Thanh Tân, từ khi được điều chỉnh từ điểm công nghiệp, thương mại, dịch vụ Thanh Tân thành cụm công nghiệp đã tạo ra bước phát triển đột phá, hiện đã có 4 dự án đầu tư là cơ sở sản xuất bao manh, hai dự án của Công ty May Việt Thái và Công ty In Thủy Chung. Những dự án trên đều hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng; trong đó, Công ty May Việt Thái đầu tư từ năm 2012 với dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước Đông Âu và Trung Quốc, đem lại doanh thu cao, tạo việc làm cho gần 1.400 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sự phát triển trên đã đưa giá trị sản xuất trong các cụm công nghiệp luôn chiếm từ 25 - 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện.    

 

Điểm nhấn nổi bật thứ hai trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Kiến Xương là duy trì nhiều nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thu hút 24.500 lao động làm nghề với thu nhập bình quân từ 1,8 - 2,4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, nghề chạm bạc tập trung ở các xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang, thu hút khoảng 3.000 lao động với thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng; nghề mây tre đan ở các xã Vũ Ninh, Thượng Hiền, Vũ Tây; nghề móc sợi, chế biến cói các xã ở Bình Định, Hòa Bình, Quang Lịch; nghề mộc, làm giấy tiền tập trung ở các xã Vũ Ninh, Quang Trung... Đặc biệt, trong 5 năm qua, các địa phương đã du nhập thêm nghề may công nghiệp, phát triển sâu rộng trong toàn huyện với 51 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho 5.650 lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Kết quả trên đã góp phần đưa giá trị sản xuất của làng nghề chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện.

 

9 tháng năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Kiến Xương ước đạt 1.584,5 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là đầu tư vào các làng nghề để bảo đảm nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra sản phẩm.

 

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự gia tăng so với 5 năm trước. Nếu như năm 2011 toàn huyện mới có 176 doanh nghiệp thì tới nay đã có 259 doanh nghiệp, trong đó 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, hoạt động theo các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng vẫn cố gắng giữ vững sản xuất và các mặt hoạt động, tìm giải pháp và hướng đi thích hợp để tiếp tục mở rộng quy mô, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

(Ông Bùi Văn Nhu, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện)

 

Thu Thủy

  • Từ khóa