Thứ 4, 24/07/2024, 22:27[GMT+7]

Ðông Hưng- giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ 4, 02/12/2015 | 10:09:22
695 lượt xem
Những năm qua, huyện Đông Hưng đã tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2015 của huyện ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2010. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều phát triển theo hướng đa ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 32.000 lao động, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện 5 năm qua ước đạt 8,91%/năm.

Dây chuyền xay xát gạo của Công ty Hưng Cúc. Ảnh: Ngọc Linh

 

Ông Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết: Những năm qua, Đông Hưng đã có những giải pháp tích cực, tổ chức thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, huyện đã tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo vận dụng cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo bước đi vững chắc cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ đó xác định rõ vị trí, lợi thế định hướng lập quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch đô thị, khu trung tâm thương mại đến việc cải cách thủ tục hành chính trong xét duyệt, thẩm định dự án đầu tư. Huyện đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy và các đồng chí có nhiều kinh nghiệm kết hợp với các địa phương và doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Do vậy đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư và tổ chức sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, huyện đã đề nghị tỉnh điều chỉnh, bổ sung 2 cụm công nghiệp Đô Lương và Phú Châu nâng tổng số lên 11 cụm công nghiệp với diện tích trên 403ha, tăng 93ha so với năm 2010. Đến nay, tổng số dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp là 79 dự án, tăng 17 dự án so với năm 2010, giải quyết việc làm cho trên 17.500 lao động tập trung.

 

Nét nổi bật trong những năm qua là một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có dây chuyền công nghệ tương đối hiện đại đến đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh làm đa dạng hóa các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện như Công ty May Maxport, Công ty PS Vina, Công ty May Vijone... Việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được quan tâm. Từ năm 2010 đến năm 2015, toàn huyện đã phát triển thêm 25 doanh nghiệp mới. Công tác đào tạo nghề luôn được chú trọng, mỗi năm đã đào tạo hàng nghìn lao động, giúp cho người lao động phát huy tay nghề ngay khi tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, những năm qua, Đông Hưng đã tuyên truyền, vận động người dân duy trì nghề truyền thống, du nhập nghề mới. Tới nay toàn huyện đã có 27 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tăng 5 làng nghề so với năm 2010. Một số làng nghề, xã nghề có sự tăng tốc, bứt phá nhanh như Nguyên Xá, Đông La, Đông Vinh...

 

Bên cạnh sự phát triển trên, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Đông Hưng những năm qua vẫn còn một số hạn chế như giá trị sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, một số nghề truyền thống bị mai một, giá trị thấp, thị trường không ổn định; doanh nghiệp đầu tư vào huyện phần lớn là làm gia công nên lợi nhuận chưa cao; việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường tại làng nghề, cụm công nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp năng lực yếu, thiếu vốn, chậm tiến độ trong đầu tư xây dựng.

 

Theo ông Vịnh, để những năm tới lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, trước mắt, Đông Hưng tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, trong đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng từng dự án cụ thể. Động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, sớm đi vào hoạt động, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới dây chuyền công nghệ và quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó, huyện sẽ hoàn thiện, điều chỉnh bổ sung các cụm công nghiệp kết hợp với xúc tiến, kêu gọi đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm huy động tối đa cho phát triển công nghiệp. Ngoài ra, sẽ tăng cường phát triển nghề và làng nghề theo hướng mở rộng quy mô kết hợp với du nhập và phát triển nghề mới, đồng thời bố trí ngân sách để hỗ trợ công tác đào tạo nghề.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa