Thứ 4, 31/07/2024, 15:24[GMT+7]

Đông Thắng luôn chiến thắng

Thứ 6, 05/02/2016 | 08:55:09
670 lượt xem
Thành lập cách đây 54 năm, Xí nghiệp Đông Thắng ở thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đã vượt qua khó khăn, trụ vững và phát triển. Không chỉ thành công trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trực tiếp cho khách hàng nước ngoài, Xí nghiệp còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định. Có được kết quả đó là do Đông Thắng đã tạo cho mình lối đi riêng.

Xí nghiệp Đông Thắng tạo việc làm cho hơn 200 lao động tại xưởng.

"Nhanh như Ðông Thắng"

Cầm trên tay bảng thành tích của Xí nghiệp, ông Trần Thế Thao, Giám đốc Xí nghiệp Ðông Thắng cho biết: Nói tới thành tích của Ðông Thắng thì không kể hết bởi có rất nhiều ban, ngành từ trung ương tới địa phương đã tặng thưởng cho Xí nghiệp. Ði lên từ mô hình hợp tác xã trong thời điểm nền kinh tế trong nước có nhiều khó khăn nhưng Ðông Thắng đã nắm bắt được cơ hội, phát huy kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Vì thế, trong khi nhiều mô hình hợp tác xã sụp đổ thì Ðông Thắng lại vững tay chèo lái con thuyền vươn ra biển lớn. Ngay từ khi thành lập, Xí nghiệp đã may gia công quần áo cho thương nghiệp và làm gia công hàng xuất khẩu cho ngành ngoại thương như thảm đay, len thêu, mây cói để xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ. Tuy nhiên, sau một thời gian, chủ trương của đối tác nước ngoài không hợp tác với hợp tác xã nên Ðông Thắng đã được UBND tỉnh nâng cấp thành xí nghiệp tập thể để tạo thuận lợi cho công tác giao dịch và tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Thời kỳ đó, Ðông Thắng đã đánh dấu mốc son trong lịch sử, trở thành một trong ba ngọn cờ phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp với danh hiệu "nhanh như Ðông Thắng" bởi không chỉ tạo việc làm, giúp nhiều người dân có nghề, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh làm hàng xuất khẩu.

Hệ thống dây chuyền thiết bị của Ðông Thắng được đầu tư hiện đại từ hàng chục năm nay.

Và lối đi riêng

Khó khăn nhất của Ðông Thắng đó là khi Liên Xô sụp đổ, đồng nghĩa với việc Xí nghiệp bị mất thị trường truyền thống. Ông Thao cùng với cán bộ Xí nghiệp đã linh hoạt chuyển sang làm hàng nội địa, khó khăn chồng chất khó khăn, thậm chí vài năm trời mòn mỏi làm việc không lương nhưng ông và các đồng nghiệp vẫn kiên trì đi khắp các nơi để tìm thị trường với quyết tâm "Có công mài sắt có ngày lên kim". Ông Thao suy nghĩ, phải vực lại nghề may theo xu hướng phát triển của thời đại, tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi phải có vốn, kinh nghiệm quản lý, máy móc, khoa học công nghệ. Các yếu tố đó nhanh chóng trở thành hiện thực sau khi Ðông Thắng tìm được khách hàng Ðài Loan và liên kết ký hợp đồng kéo dài tới 20 năm. Với mô hình này, Xí nghiệp không phải lo về thị trường, nguyên liệu, nguồn vốn đầu tư mà chỉ phải lo về mặt bằng, quản lý lao động. Do vậy mà cách đây hàng chục năm, Ðông Thắng đã được đối tác nước ngoài đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, hệ thống thiết bị máy móc tương đối hiện đại. Ngoài ra, Ðông Thắng còn liên kết với hơn 40 doanh nghiệp, đơn vị khác ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Ðịnh, Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Hải Phòng... để chuyển hàng cho nhau nên lúc nào cũng ổn định về nguồn hàng cũng như việc làm cho người lao động. Ðó chính là đặc thù của Xí nghiệp trên con đường xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm kiếm thị trường và liên kết đầu tư. Ðông Thắng đã chứng tỏ được tầm nhìn xa, chiến lược đúng đắn, phù hợp với xu hướng hiện nay mà nhiều doanh nghiệp đang học hỏi.

Ở tuổi 73 nhưng ông Trần Thế Thao, Giám đốc Xí nghiệp Ðông Thắng vẫn luôn miệt mài với công việc.

Kinh nghiệm, hiệu quả

Ông Trần Thế Thao cho biết thêm: Ðể tồn tại được với khách hàng nước ngoài không phải chuyện đơn giản, Xí nghiệp đầu tư nhiều vào công tác đào tạo người lao động một cách bài bản, khoa học, trong đó, đa số công nhân vào làm đều đã có tay nghề. Ðông Thắng đã thuê giáo viên của Tổng công ty May 10 về dạy nên tay nghề của đội ngũ công nhân đều đạt chuẩn, chỉ vài tiếng đồng hồ anh chị em có thể nắm bắt ngay được hình may mẫu. Ðến nay, Xí nghiệp có thể may được tất cả các mặt hàng, sản phẩm đa dạng từ đồ bầu, trẻ em tới quần áo tang lễ, chăn ga gối đệm... phục vụ yêu cầu của khách hàng. Với quan điểm của ông Thao là làm doanh nghiệp tiết kiệm quá cũng không được, ngược lại, thoáng quá cũng không xong nên cần phải biết cân đối thu, chi sao cho hài hòa. Vì thế, Xí nghiệp đã cấu trúc lại bộ máy quản lý, sắp xếp lại lao động để giảm bớt chi phí gián tiếp, chi phí tiền lương, tái cấu trúc thị trường để phát triển thị trường mới, sản phẩm mới. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nguyên nhiên vật liệu, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Kết quả, những năm qua, doanh thu gia công và đời sống công nhân Xí nghiệp không ngừng tăng cao. Năm 2015, doanh thu của Xí nghiệp đạt 14.500 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 4,5 triệu đồng/tháng, tăng 15% so với năm 2014. Ðiều đáng mừng là Xí nghiệp hoàn toàn chủ động về nguồn vốn, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động.

Thủy Thanh

  • Từ khóa