Thứ 6, 09/08/2024, 05:20[GMT+7]

Vũ Quý: Ðiểm sáng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ 3, 22/03/2016 | 09:47:46
2,124 lượt xem
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 11%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) chiếm tỷ trọng trên 41% tổng giá trị sản xuất, Vũ Quý trở thành điểm sáng về phát triển CN - TTCN trên địa bàn huyện Kiến Xương.

Sản phẩm thảm len sản xuất tại Vũ Quý có mặt trên thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

 

Vũ Quý nằm giữa thành phố Thái Bình và trung tâm huyện Kiến Xương nên thuận lợi trong giao lưu hàng hóa. Hạ tầng giao thông tốt với quốc lộ 39B và tỉnh lộ 458 chạy qua. Nghề truyền thống rèn sắt và dệt thảm len lâu đời là điều kiện thuận lợi để địa phương quy hoạch, phát triển CN - TTCN, nâng cao giá trị kinh tế và đời sống nhân dân. Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2009, sau khi được tỉnh và huyện phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp Vũ Quý diện tích 4,5ha, lĩnh vực công nghiệp của địa phương bắt đầu phát triển mạnh. Cùng với cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh và huyện, xã cũng có những hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp. Chỉ sau gần 1 năm, Cụm công nghiệp Vũ Quý đã được lấp đầy, hiện có 4 doanh nghiệp lớn đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động, gồm: Công ty TNHH Hưng Long, Công ty Sản xuất bao bì Phúc Kiến, Công ty BUSADCO và Công ty Chế biến nông sản Thủy Dương. Để giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm đào tạo nghề cho người dân, từ đó cung cấp nhân lực có tay nghề tốt; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường an toàn, ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động. Xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát về môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Cụm công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt và lao động của cán bộ, công nhân, người lao động. Nhờ đó, công nhân yên tâm làm việc, tạo ra sự ổn định giúp các doanh nghiệp phát triển.

 

Vũ Quý vốn có nghề truyền thống dệt thảm len và nghề rèn. Đã có thời gian các nghề này bị mai một nhưng nhờ sự tuyên truyền, động viên kết hợp với một số cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương cùng sự năng động của người dân, các nghề truyền thống đang phát triển tốt. Cũng giống như 12 hộ làm nghề rèn trong thôn, ông Đào Đức Tuân ở thôn 4 cho biết: Để duy trì nghề, người thợ phải luôn đổi mới mẫu mã, đa dạng mặt hàng, nâng cao chất lượng và đưa máy móc vào để tăng năng suất lao động. Nghề rèn hiện đang giải quyết việc làm cho 40 lao động với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Đối với nghề dệt thảm len, hiện nay đang có chiều hướng phát triển. Xã có một cơ sở chuyên cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động. Bà Lại Thị Mầm, chủ cơ sở sản xuất thảm len Trịnh Mầm chia sẻ: Chúng tôi đang duy trì hơn 300 khung dệt đặt tại các gia đình trong toàn xã. Sản phẩm chủ yếu là thảm trải nền nhà, thảm trải sập, ghế. Mỗi năm, cơ sở xuất ra thị trường khoảng hơn 6.000 bộ hàng, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng. Người lao động có thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Cùng với khôi phục nghề truyền thống, thời gian qua, Vũ Quý còn khuyến khích nhân dân du nhập nghề mới về địa phương. Các nghề như may gia công cho các doanh nghiệp may mặc, nghề mộc, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm… đã góp phần giải quyết việc làm cho 500 lao động, đưa giá trị sản xuất CN - TTCN của xã năm 2015 đạt gần 75 tỷ đồng, chiếm 41,3% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế.

 

Phát triển mạnh CN - TTCN đã làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân Vũ Quý. Đến nay, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,1%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,84%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/năm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang nỗ lực phấn đấu để sớm được công nhận là thị trấn Vũ Quý của huyện Kiến Xương.

 

Khắc Duẩn

  • Từ khóa