Chủ nhật, 04/08/2024, 07:20[GMT+7]

Vũ Huy Đông - hành trình vươn ra biển lớn

Thứ 5, 13/10/2016 | 09:12:17
1,648 lượt xem
Tài năng, tâm huyết trong kinh doanh, sự gắn bó không mệt mỏi hàng chục năm trên các lĩnh vực thu mua, xuất nhập khẩu hàng hóa đã đưa ông trở thành ông chủ lớn của một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh trong lĩnh vực dệt sợi, kinh doanh bất động sản.

Công ty Cổ phần Damsan có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Trong suốt quá trình công tác, từ khi còn là cán bộ nhà nước tới khi mở công ty riêng, ông Vũ Huy Ðông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tài năng, tâm huyết trong kinh doanh, sự gắn bó không mệt mỏi hàng chục năm trên các lĩnh vực thu mua, xuất nhập khẩu hàng hóa đã đưa ông trở thành ông chủ lớn của một doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh trong lĩnh vực dệt sợi, kinh doanh bất động sản.

Khởi nghiệp, ông Ðông là cán bộ vật tư của ngành ngoại thương chuyên thu mua vật tư về ngành dệt và ngành may phục vụ cho các làng nghề, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp trong toàn tỉnh. Ðây là lĩnh vực đòi hỏi cán bộ ngành vật tư phải năng nổ trên mọi vùng miền để thu mua, phục vụ cho sản xuất. Do là thời kỳ bao cấp nên việc mua bán gặp rất nhiều khó khăn, ông Ðông phải thực hiện nhiều biện pháp về kinh nghiệm để xin, mua vật tư. Làm được việc đó là cả một quá trình dài, gian khổ, ông phải tìm ra chỗ thừa, chỗ không dùng đến để xin được nhượng lại hoặc họ trả lại nhà nước để xin nhà nước cấp lại. Trong quá trình ấy, gần như tất cả các xã, hợp tác xã sản xuất thủ công làng nghề ông đều có mặt. Có giai đoạn có tới 4.000 - 5.000 công nhân làm ra hàng hóa không bán được như khi khủng hoảng về thảm đay, thảm len... ông lại tìm mọi cách để chuyển hàng cho các tỉnh khác để tiêu thụ lượng tồn kho trong sản xuất cho người dân. Nếu thời kỳ đó không làm quyết liệt thì không hoàn thành nhiệm vụ nhưng để hoàn thành được nhiệm vụ thì là cả một quá trình cam go, thử thách.

Công ty Cổ phần Damsan giải quyết việc làm cho 650 lao động.

Ðến năm 1989, ông Ðông chuyển sang làm phó cửa hàng trưởng kinh doanh tổng hợp của Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Thái Bình. Ông lại bắt đầu lăn lộn với thương trường bởi thời kỳ này nhà nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, sản xuất, kinh doanh bung ra lại thiếu vật tư trầm trọng. Ông bươn trải vào thị trường miền Nam, miền Trung… để lo cho đủ vật tư phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cao cấp về cho tỉnh như mỳ chính, ti vi, xe máy, phụ tùng ô tô, tủ lạnh... Thời đó chỉ duy nhất cửa hàng kinh doanh tổng hợp do ông đảm nhiệm có đủ lượng hàng hóa để phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh một cách tốt nhất.

Tới năm 2002, ông Ðông được đề bạt lên chức cửa hàng trưởng, sau khi cổ phần hóa và lập ra công ty mẹ công ty con ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại vật tư Thái Bình. Tiếp tục lăn lộn trên thương trường, bản thân như con thoi đưa, ngày ngày qua đi công việc cứ tiếp tục phát triển. Ông bảo: Nguyên cớ có nhà máy sợi Damsan là do năm 1989 mặc dù làm phó cửa hàng trưởng cửa hàng kinh doanh tổng hợp nhưng tôi đã lập ra một công ty TNHH ở ngoài để kinh doanh về ngành hàng dệt may. Nhưng việc thu mua sợi phục vụ cho nhà nước và phục vụ cho chính công ty của mình cũng hết sức khó khăn nên đến năm 2003 bắt đầu thành lập nhà máy sợi Ðông Phong, đến năm 2006 với xu thế mở rộng tôi quyết định thành lập Công ty Cổ phần Damsan, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Ðến năm 2009, do nhu cầu phát triển của Công ty quá lớn tôi quyết định bàn giao lại Công ty Cổ phần Thương mại vật tư Thái Bình cho nhà nước để điều hành công ty của mình.

Trong chiếc nôi ra đời Damsan gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ không biết đầu tư máy móc, thiết bị ra sao, mua bán ở đâu, kỹ thuật sản xuất thế nào… Mất hai năm đầu ông Ðông coi như đi học việc, tới năm 2008 mới bắt đầu ổn định sản xuất đại trà. Trải qua hơn 10 năm phát triển từ một doanh nghiệp nhỏ bé, đơn điệu đến nay Damsan đã trở thành công ty có tầm vóc lớn nhất tỉnh. Ðể đạt được thành quả này bản thân ông Ðông là một trong những người lăn lộn, học hỏi, kiên trì, kiên định về định hướng và vận dụng thực hiện các chủ trương, chính sách ưu việt của Nhà nước đối với doanh nghiệp và tận dụng mọi khả năng của doanh nghiệp cũng như sự phù hợp của nền kinh tế thị trường. Cùng với đó, ý tưởng của ông Ðông là phải cạnh tranh trên thị trường của 7 tỷ người chứ không chỉ dừng ở cạnh tranh với thị trường 80 triệu người trong nước nên ông quyết định xuất khẩu. Sau khi xuất khẩu, thành công nhất là Damsan đã có được thị trường các nước Ðức, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc. Ðến nay, Damsan có 3 nhà máy sợi, 1 nhà máy khăn và có một ban quản lý dự án chuyên đầu tư về lĩnh vực bất động sản, nhà ở xã hội.

Từ 100 tỷ đồng năm 2007, năm 2015, doanh thu của Damsan đã đạt 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 5 triệu USD, năm 2015 đạt 60 triệu USD. Ðặc biệt, Damsan còn trở thành công ty đại chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016. Damsan cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiên phong bước vào xây dựng nhà ở xã hội với sản phẩm đầu tay là tòa nhà 56 phố Trần Hưng Ðạo (thành phố Thái Bình) với 262 căn hộ. Hiện Công ty đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cao 15 tầng tại phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) với quy mô 286 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành trước tết Nguyên đán năm 2017.

Với những thành tích trên, ông Ðông đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý: bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, cúp vàng văn hóa doanh nhân tiêu biểu, cúp Thánh Gióng. 

Thu Thủy

 

  • Từ khóa