Thứ 7, 27/07/2024, 18:58[GMT+7]

Bước ngoặt Vitexco

Thứ 6, 14/10/2016 | 08:49:02
937 lượt xem
Hiện tại 80% khách hàng của Vitexco là hàng FOB với rất nhiều thương hiệu lớn như Colombia, Soliver và 20% làm gia công với đa dạng các sản phẩm như quần áo jacket, quần trượt tuyết, hàng leo núi, câu cá. Thị trường xuất khẩu chính của Vitexco là Mỹ chiếm 50%, 30% châu Âu, còn lại là Canada, Hàn Quốc và thị trường khác.

Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái (Vitexco) có hai nhà máy với 4 xưởng may thu hút gần 3.000 lao động với thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng. Công ty có bộ phận thiết kế chuyên nghiệp, bộ phận đặt hàng trẻ trung năng động, bộ phận may mẫu luôn đáp ứng khách hàng trong thời gian sớm nhất với các sản phẩm xuất sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Úc với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Columbia, C & A, Hallit... Kết quả đó là bước chuyển mình ngoạn mục từ khi Việt Thái chuyển từ mô hình nhà nước sang công ty cổ phần.

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Xuất phát từ mô hình doanh nghiệp nhà nước với gần 100 lao động từ năm 1997 tới năm 2005 Vitexco bắt đầu chuyển sang cổ phần hóa với 835 lao động. Ban đầu, Công ty gặp rất nhiều khó khăn, nửa cũ nửa mới xen lẫn nguồn vốn nhà nước hoạt động không hiệu quả song với sự quyết tâm của toàn Công ty, sau 8 năm, Vitexco đã cổ phần hóa được 100%. Từ đây, Vitexco bắt đầu tăng tốc, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, phát triển khách hàng và đầu tư xây dựng nhà xưởng. Năm 2012, Vitexco đầu tư về xã Thanh Tân (Kiến Xương) mỗi năm xây dựng một nhà xưởng và đến nay 3/4 nhà xưởng đã đi vào hoạt động. Tất cả các con số đều không ngừng tăng trưởng vượt bậc từ đây: số lao động ngày càng cao, duy trì đà tăng trưởng 30%/năm. Năm 2016, Vitexco dự kiến doanh thu đạt 30 triệu USD.

Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái phấn đấu đến năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động.

Hiện tại 80% khách hàng của Vitexco là hàng FOB với rất nhiều thương hiệu lớn như Colombia, Soliver và 20% làm gia công với đa dạng các sản phẩm như quần áo jacket, quần trượt tuyết, hàng leo núi, câu cá. Thị trường xuất khẩu chính của Vitexco là Mỹ chiếm 50%, 30% châu Âu, còn lại là Canada, Hàn Quốc và thị trường khác. Ðịnh hướng tiếp theo của Công ty sẽ tiếp tục phát triển nhiều nhà máy về các vùng nông thôn, tạo thu nhập cho người dân đồng thời vẫn tập trung lao động chất lượng cao phát triển trên trụ sở chính ở thành phố. Theo ông Bách, để phát triển bền vững hơn, ngoài mặt hàng xuất khẩu, Vitexco còn tập trung vào thị trường nội địa thực hiện theo chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng bình thường phục vụ cho người Việt. Dự tính năm 2017, Công ty tiếp tục xây thêm nhà xưởng thứ tư ở Thanh Tân và đầu tư xây dựng nhà máy mới ở xã Thái Dương (Thái Thụy) với quy mô 3 nhà xưởng thu hút 2.000 lao động.

Bước ngoặt lớn nữa trong thời gian qua ở Vitexco là đã chuyển được phần lớn làm từ gia công lên FOB. Làm theo hình thức này phải mất rất nhiều thời gian bởi tất cả các bộ phận phải làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài nên đòi hỏi trình độ của cán bộ phải giỏi trong giao tiếp và ngoại ngữ. Do đó, ngay khi cổ phần hóa, Công ty thuê chuyên gia về đào tạo theo định kỳ hàng năm để nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên. Tập trung phát triển vào nguồn nhân lực, quan tâm số một tới con người và đào tạo từ cấp cao tới cấp cơ sở. Ðặc biệt hơn, từ năm 2015 tới nay, Vitexco không chỉ làm theo hai hình thức là gia công và hàng FOB mà còn tiến tới may hàng OEM (tự khai thác nguyên vật liệu) và tới năm 2020 phát triển theo hướng ODM (các công đoạn do công ty thực hiện không phụ thuộc vào khách hàng, từ thiết kế, may và maketing đều do công ty và đưa tới tận tay khách hàng). Ðây là hình thức cao nhất của ngành may mà ở Việt Nam rất ít đơn vị làm được.

Ðể phát triển được như vậy, Vitexco đã biết tận dụng nhiều lợi thế để đi lên. Do làm hàng xuất khẩu nên Công ty được vay lãi suất USD ưu đãi, hơn nữa Vitexco có hệ thống quản lý tương đối tốt, chiến lược khách hàng mạnh và hình thức khách hàng cao hơn những công ty khác. Ðiển hình như trong hệ thống quản lý, Vitexco áp dụng hệ thống Lean hiện đại nhất hiện nay để loại bỏ lãng phí trong quản lý từ việc giảm chi phí về điện nước, di chuyển đi lại, chờ đợi, sắp xếp các bộ phận, kiểm soát hàng tồn kho trong dây chuyền sản xuất... Trong chiến lược khách hàng, Vitexco cũng khác với các đơn vị khác đó là biến tất cả thành cuộc chơi nhưng công ty là người chủ động toàn diện, khách hàng chỉ đặt hàng theo mùa nên phải đi từ khách hàng trực tiếp đến xuất vào các đại lý và làm gia công nên lúc nào thị trường cũng ổn định và lúc nào cũng có đơn hàng.

Ðến nay, Vitexco không chỉ được Ðảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý mà còn đạt nhiều chứng chỉ quan trọng như Iso 9001, Iso 14.001, OH SAS 18001 & SA 8000 inmanagement.

 Thu Thủy

  • Từ khóa