Thứ 3, 23/07/2024, 11:36[GMT+7]

Phát triển ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Thứ 5, 07/04/2011 | 08:23:45
4,364 lượt xem
Thái Bình là tỉnh có khá nhiều thế mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí sản xuất máy móc nông cụ phục vụ nông nghiệp và chế biến. Điều này càng trở nên quan trọng khi tỉnh ta được Chính phủ chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Đầu tư phát triển ngành cơ khí chính là tiền đề để cơ giới hoá nông nghiệp tiến đến sản xuất hàng hoá lớn, tập trung.

Ảnh: Bảo Linh

Thời kỳ bao cấp, ngành cơ khí của tỉnh khá phát triển, nhất là những mặt hàng cơ khí nông nghiệp và cơ khí dân dụng như: Chế tạo xe cải tiến, xe đạp, máy nông cụ, máy động lực nhỏ, máy kéo nhỏ, quạt điện, máy bơm nước…Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường ngành cơ khí gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù đòi hỏi lượng vốn đầu tư ban đầu khá lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp, thu hồi vốn lâu nên đã không thu hút, khuyến khích được các nhà đầu tư mở rộng sản xuất. Thêm vào đó lại thiếu các chính sách đủ mạnh để hỗ trợ và bảo vệ thị trường trong nước nên đã để hàng cơ khí Trung Quốc tràn vào, lấn át thị trường.

 

Thị phần mặt hàng cơ khí do tỉnh sản xuất vì thế cũng bị thu hẹp đáng kể, kể cả một số sản phẩm trước đây từng là thế mạnh. Hầu hết các nhà máy cơ khí trên địa bàn tỉnh thời kỳ này đều thiếu các dây chuyền, thiết bị chủ lực để thực hiện những khâu trọng yếu đòi hỏi độ chính xác cao và gia công những chi tiết lớn trong các thiết bị toàn bộ và thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm. Toàn ngành vẫn thiếu những nhà máy có trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại, chủ lực để làm trung tâm, đầu tàu cho việc chuyên môn hoá, hợp tác hoá trong và ngoài nước, mà đây lại là yêu cầu quan trọng trong việc tổ chức sản xuất của ngành cơ khí.

 

Trên địa bàn tỉnh cũng có một số nhà máy, xí nghiệp cơ khí được đánh giá là lớn nhưng thực chất vẫn chỉ là những đơn vị đầu tư thiết bị và công nghệ của các nước Đông Âu, Liên Xô cũ, Trung Quốc và một phần của Việt Namon> sản xuất. Ngoài ra có một vài cơ sở đã nhập dây chuyền thiết bị công nghệ của Đài Loan, Nhật Bản nhưng hầu hết đã qua sử dụng.

  

Phải từ năm 2001 trở lại đây, ngành cơ khí của tỉnh mới có những bước phát triển tương đối nhanh và toàn diện. Toàn ngành hiện có khoảng 100 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư đạt trên 3.800 tỷ đồng, sử dụng khoảng 8.500 lao động. Ngành cơ khí ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh cả về giá trị sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường từ cơ khí đóng tàu, đến lắp ráp ô tô, sản xuất máy nông cụ.

 

Các doanh nghiệp đang sản xuất và cung ứng cho thị trường khoảng 50 danh mục sản phẩm. Bước đầu chế tạo được một số thiết bị cho dây chuyền sản xuất của một số ngành công nghiệp như sản xuất sứ vệ sinh, gạch ốp lát…và các sản phẩm phục vụ tiêu dùng như quạt điện, máy bơm nước, thiết bị chăm sóc cây cảnh. Bên cạnh các doanh nghiệp cơ khí tập trung, tại hầu khắp các xã, thị trấn trong toàn tỉnh còn có các làng nghề và cơ sở sản xuất cơ khí thủ công. Sản phẩm thủ công tuy không có kỹ thuật chế tạo hiện đại nhưng lại rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại như quốc, xẻng, dao, liềm và nhiều đồ gia dụng khác. Ước tính các làng nghề cơ khí đang tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động, phần lớn là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

   

Mặc dù có những bước phát triển nhất định nhưng nhìn chung ngành cơ khí vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, quy mô nhỏ bé, thiết bị và công nghệ lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó nhu cầu về các sản phẩm cơ khí, nhất là nhóm sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng, tiềm năng về thị trường là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các máy nông cụ như máy gặt, máy cày, máy bừa, máy bơm nước, máy gieo hạt, máy nghiền…Vì vậy, ngành cơ khí cần được khuyến khích phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

 

Chủ động liên doanh, liên kết để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắt xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần. Coi trọng, ưu tiên đầu tư phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn quy mô vừa và nhỏ. Huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cơ khí, nhất là thành phần kinh tế tư nhân. Chú trọng chế tạo máy nông cụ phục vụ nông nghiệp; hình thành hệ thống dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị; thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp để từng bước cơ khí hoá trong nông nghiệp. Tập trung các cơ sở sản xuất cơ khí lớn vào khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, chuyển dần cơ khí gia công thô ra khỏi nội thành, nội thị, quan tâm xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường.

   

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển ngành cơ khí, nhất là chính sách về giải phóng mặt bằng, thuê đất, đào tạo lao động, vay vốn tín dụng…Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư và doanh nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản xuất.

 

 Mạnh Cường

 

 

  • Từ khóa