Thứ 6, 02/08/2024, 13:28[GMT+7]

May Đông Thắng - Cánh chim đầu đàn trong phát triển kinh tế tập thể

Thứ 2, 31/10/2016 | 08:58:49
805 lượt xem
Khởi đầu từ HTX tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, đến nay, Xí nghiệp may Đông Thắng đã trở thành đơn vị kinh tế tập thể duy nhất của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì và phát triển hiệu quả sau bao biến cố thăng trầm của lịch sử và các giai đoạn đổi mới của Luật Hợp tác xã.

Trải qua các thời kỳ từ bao cấp đến cơ chế thị trường, ông Trần Thế Thao, Giám đốc Xí nghiệp may Đông Thắng đã tạo việc làm cho hàng trăm công nhân.

Dấu mốc thời tem phiếu

Thành lập năm 1962 với tên gọi Hợp tác xã may mặc Đông Phong có 20 xã viên chuyên làm gia công cho Công ty Thương nghiệp của tỉnh. Thời đó Thái Bình có khoảng 10 HTX may nhưng hoạt động đều giống như các tổ sản xuất, ảm đạm, làm ăn manh mún nhỏ lẻ, chủ yếu tạo việc làm cho xã viên. Hoạt động dưới thời bao cấp nên hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu, tất cả hoạt động, nguồn nguyên liệu đầu vào tới đầu ra sản phẩm đều phụ thuộc hoàn toàn nhà nước. Đến năm 1973, sau khi đi bộ đội trở về do sức yếu, ông Trần Thế Thao được điều động làm chủ nhiệm HTX thay người đứng đầu đơn vị về nghỉ hưu. Đúng lúc đó Nhà nước có cơ chế mở cửa giao lưu kinh tế với nước ngoài, nhất là với Liên Xô nên công nghiệp phát triển mạnh. Vốn sẵn có "máu" kinh doanh, chỉ với hai bàn tay trắng ông Thao lập tức tuyển 300 lao động mở ra nhiều mặt hàng như thêu xuất sang Liên Xô, thảm đay, thảm len xuất sang Đức, thảm mây, thảm cói xuất khẩu... Lúc này HTX vừa làm gia công cho một số đơn vị trong tỉnh vừa được nhà nước cấp nguyên liệu vừa mua nguyên liệu về làm. Để làm được, trước tiên ông Thao trực tiếp đi đào từng gánh đất về, huy động hàng trăm người đóng gạch xây xưởng. Tới khi thiếu nguyên liệu gỗ, cả tỉnh không ai dám lấy thì ông đã đích thân đi tới giáp Lào chuyển hàng trăm khối gỗ tốt về làm khung máy; ra Hải Phòng đấu giá cầu sắt bị máy bay Mỹ đánh sập cắt, hàn thành kèo chở về gá vào làm nhà xưởng. Cả 5.000m2 bãi tha ma và nền chợ trống nhanh chóng trở thành nhà xưởng có quy mô rộng nhất vùng. Vì thế đơn vị đã được suy tôn danh hiệu "nhanh như Đông Phong" và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Theo ông Thao, thời điểm đó rất nhiều HTX thành công song các đơn vị đều có nền tảng vững mạnh chỉ riêng Đông Phong xuất phát điểm thấp, tài sản duy nhất là 20 xã viên. Năm 1975 chủ trương của tỉnh muốn phát triển quy mô HTX to hơn nữa nên lĩnh vực may của Đông Phong bị tách ra gộp vào với HTX may Đông Xuân của xã Vũ Quý, thêu và thảm sáp nhập vào HTX thảm len Toàn Thắng lấy tên là Hợp tác xã Đông Thắng. Đơn vị đã nhanh chóng tuyển thêm lao động lên tổng số 500 người, tăng tốc sản xuất, đưa sản lượng chiếm tới 1/2 số lượng của tỉnh.

Xí nghiệp may Đông Thắng luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với người lao động.

Bước ngoặt từ hướng đi đúng

Năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ, ngành thảm len gần như đóng băng, không có thị trường tiêu thụ, Đông Thắng lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều HTX tan rã do không có vốn làm ăn, trông chờ ỷ nại vào nhà nước. Nhưng ông Thao xác định đây là thời điểm đời sống người dân bắt đầu đi lên, ăn và mặc là hai nhu cầu thiết yếu, xu hướng chuyển từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp nên quyết định bỏ nghề thảm và đi sâu vào nghề may. Cơ cấu lại lao động, ngành hàng, thuê giáo viên của May 10 về đào tạo cho lao động, liên kết với các đơn vị khác để may gia công, tạo việc làm cho xã viên. Cũng từ đó, Đông Thắng thoát khỏi hoàn toàn cơ chế xin - cho, tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù có mặt bằng, lao động, kinh nghiệm quản lý song Đông Thắng xác định còn thiếu thị trường, vốn, công nghệ nên đã mạnh dạn tìm đến các đối tác nước ngoài để thỏa mãn các điều kiện trên. Được sự tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, Đông Thắng đã được chuyển đổi thành xí nghiệp hoạt động theo mô hình HTX để thuận lợi trong việc ký kết với nước ngoài. Vì thế không lâu sau Đông Thắng đã ký được hợp đồng 20 năm với khách hàng của Đài Loan về may mặc. Với mô hình này, HTX chỉ việc quản lý công nhân, xây nhà xưởng, đối tác đầu tư máy móc, nguyên liệu, thị trường. Từ đó đến nay trung bình Xí nghiệp xuất từ 400.000 - 500.000 sản phẩm/năm, doanh thu đạt từ 13 - 15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 200 công nhân tại chỗ và khoảng gần 1.000 lao động vệ tinh với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Thao, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời đã tạo cú hích giúp HTX phát triển bởi cơ chế hoạt động thông thoáng, không bị gò bó, rõ ràng hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền hạn của lãnh đạo được mở rộng. Hoạt động dưới mô hình HTX song Đông Thắng giống như một doanh nghiệp lớn, lo từ tổ chức sản xuất ra đến thị trường và trả lương cho thành viên. Điều quan trọng nhất là Đông Thắng luôn lấy lợi ích của thành viên là mục tiêu cho hoạt động và phát triển, chi trả thu nhập ổn định hàng tháng, lo chế độ trước mắt và lâu dài cho thành viên. Việc chi trả lợi nhuận, giải quyết lợi ích cho tất cả các thành viên cũng được bảo đảm, kể cả những thành viên không góp vốn vẫn được hưởng theo quy chuẩn làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Đặc biệt, Đông Thắng không bao giờ chậm lương người lao động, thực hiện tốt các chế độ chăm lo cho người lao động.

Với cách làm trên, Đông Thắng đã chứng tỏ được việc đi trước xu thế thời đại, chiến lược đúng đắn, phù hợp với hướng phát triển của kinh tế tập thể. Ông Thao khẳng định: Muốn phát triển kinh tế tập thể hiệu quả, trước hết phải thực hiện đúng cơ chế, chính sách, cán bộ phải công tâm, liêm khiết, có năng lực, nói được và làm được và điều quan trọng nhất là phải nghĩ cho các thành viên, không tham ô, lạm dụng mới phát triển đúng hướng.

Thu Thủy

  • Từ khóa