Thứ 2, 23/12/2024, 10:38[GMT+7]

Các doanh nghiệp, cơ sở may mặc ở Thái Thụy Trăn trở với nỗi lo thiếu vốn và lao động

Thứ 2, 11/04/2011 | 09:49:47
2,675 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả nguyên liệu đầu vào, tiền công tăng nên các doanh nghiệp, cơ sở may mặc ở Thái Thụy đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; nhất là tình trạng thiếu vốn, thiếu nhân công.

3 năm trở lại đây, nghề may mặc ở Thái Thụy phát triển khá mạnh, tăng trưởng đột biến về số lượng, quy mô sản xuất. Nếu như năm 2009, toàn huyện mới có 9 doanh nghiệp và một số cơ sở may mặc nhỏ lẻ thu hút vài trăm lao động tham gia thì  đến năm 2010 tăng lên 45 doanh nghiệp và cơ sở may, tạo việc làm cho khoảng 2,5 ngàn lao động với mức lương bình quân từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ lĩnh vực này đạt trên 20 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2009.

 

Sở dĩ, nghề may mặc ở Thái Thụy phát triển mạnh là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại các đô thị, nhiều doanh nghiệp chuyển về đầu tư tại các vùng nông thôn để tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Huyện cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, phối hợp đào tạo nguồn lao động .... giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Nhưng do đầu tư quá nhanh, phát triển ồ ạt, nhu cầu sử dụng nguồn lao động ngày càng cao trong khi trong khi lực lượng đào tạo tại địa phương không đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất, dẫn đến tình trạng cạnh tranh về nguồn lao động.

 

Hơn thế, một số cơ sở quy mô nhỏ gia công hàng cho các doanh nghiệp may mặc phải qua nhiều khâu trung gian nên hiệu quả sản xuất không cao, thu nhập của công nhân thấp khiến họ bỏ đi làm việc khác. Ý thức tổ chức kỷ luật của lao động may ở nông thôn chưa cao, vẫn giữ thói quen làm việc tuỳ tiện, có việc riêng là nghỉ. Thậm chí đến mùa vụ, hàng trăm người đồng loạt nghỉ việc cùng một lúc về nhà cấy, gặt khiến doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, bị chậm tiến độ các đơn hàng.

 

Để hiểu rõ thực trạng tình hình, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH may xuất khẩu Trường An Phát ( Thụy Phong), một doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện chuyên sản xuất hàng dệt kim xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ, Canadaon>. Tháng 8/2009, nhà máy may chính thức đi vào hoạt động với quy mô 7 chuyền, 200 máy may công nghiệp, nhu cầu cần 300 công nhân. Mặc dù liên tục tổ chức các đợt tuyển dụng nhưng năm 2010 mới có 80 công nhân vào làm việc, mỗi tháng chỉ sản xuất được từ 80 đến 90 ngàn sản phẩm.

 

Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: “ Hiện nay, chúng tôi không lo thiếu đơn hàng mà chỉ lo thiếu lao động. Nhu cầu thực tế của bạn hàng mỗi tháng cần 1 triệu sản phẩm nhưng cố gắng lắm đơn vị cũng chỉ sản xuất được 200 ngàn sản phẩm. Để giải quyết khó khăn về lao động, từ đầu năm đến nay, Công ty đã tăng lương cho công nhân bình quân đạt 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng nhưng cũng chỉ thu hút được 200 lao động.So với yêu cầu thực tế vẫn thiếu 100 người nữa, chưa kể 4 chuyền mới đang đầu tư xây dựng, chuẩn bị đi vào sản xuất".

 

Rời Trường An Phát đến Công ty CP Thường Nhiên  (Thụy Hà) tình hình cũng chẳng khá hơn, dưới nhà xưởng đặt 150 máy may công nghiệp nhưng chỉ có vài chục công nhân làm việc. Giám đốc công ty Trần Viết Thường giải thích: “ Hôm nay là Thanh minh, công nhân xin nghỉ nhiều nên xưởng mới vắng như vậy, ngày thường đông nhất có khoảng 120 người làm việc. Hiện nay, doanh nghiệp đã nhận được các đơn đặt hàng trực tiếp từ Đài Loan, Hàn Quốc nên nhu cầu lao động cần rất lớn, nếu vẫn thiếu lao động không biết sẽ phải giải quyết thế nào”.

 

Không chỉ thiếu nhân công, các doanh nghiệp may mặc ở Thái Thụy còn đối mặt với nỗi lo thiếu vốn bởi: giá cả các mặt hàng nguyên liệu đầu vào đều tăng, nguồn vốn vay hạn chế, lãi suất ngân hàng  quá cao nhưng hầu hết các đơn hàng đều được ký từ trước nên đơn giá không thể thay đổi.

 

Thực tế, từ đầu năm đến nay nhiều cơ sở may quy mô nhỏ không có vốn đã ngừng hoạt động. Số còn lại hầu hết chỉ duy trì sản xuất bảo đảm trả đủ lương công nhân hầu như không có lãi. Cùng với đó, thiếu điện phục vụ sản xuất cũng là vấn đề nan giải khiến nhiều chủ doanh nghiệp trăn trở bởi hầu hết các xưởng may đều nằm xen lẫn trong khu dân cư, khu vực sẽ bị tiết giảm điện trong những tháng tới. Lường đón trước tình hình khó khăn, hiện tại một số đơn vị đã chuẩn bị  máy phát điện để chủ động cho sản xuất. Tuy nhiên, mọi chi phí đã tăng, khó khăn bội phần, giờ thêm tiền đầu tư cho việc phát điện, không biết doanh nghiệp sẽ phải xoay sở thế nào.

 

Ông Nguyễn Ngọc Bồng, Giám đốc Công ty may Đại An (Thụy Thanh) chia sẻ: " Là doanh nghiệp chuyên may quần áo đồng phục cho học sinh, từ tháng 4, tháng 5 chúng tôi đã nhận các đơn hàng và tập trung sản xuất vào những tháng hè; nhưng nếu không có điện sản xuất chắc chắn nhiều đơn hàng sẽ bị chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến doanh thu, uy tín của doanh nghiệp".

 

Những khó khăn của các doanh nghiệp, cơ sở may ở Thái Thụy cũng là khó khăn chung của những doanh nghiệp may mặc về đầu tư tại vùng nông thôn hiện nay. Vì vậy, để tháo gỡ, trước hết chính doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, cải tiến máy móc, thiết bị  công nghệ, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm cuộc sống ổn định cho công nhân. Tích cực kiếm các đối tác, thị trường tiêu thụ, tập trung sản xuất mặt hàng công nghệ cao, tính cạnh tranh lớn, giảm tối đa chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. 

 

Tỉnh, huyện cần rà soát lại hoạt động may mặc ở các vùng nông thôn, giúp các cơ sở tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, nguồn điện sản xuất. Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn, tạo cho họ ý thức, tác phong lao động công nghiệp, bỏ thói quen làm việc tuỳ tiện; giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với nghề, bảo đảm cuộc sống ngay tại quê hương.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa