Thứ 2, 29/07/2024, 03:26[GMT+7]

Tiền Hải tìm hướng phát triển công nghiệp

Thứ 2, 05/12/2016 | 09:07:14
1,319 lượt xem
Năm 2016, các doanh nghiệp ở Tiền Hải hoạt động tương đối ổn định về thị trường, nguồn nguyên liệu, sức tiêu thụ hàng hóa. Mặc dù bão số 1 làm nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại khá nặng nề song các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục, tìm mọi biện pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp thời các đơn hàng. Kết quả đó không chỉ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện mà còn mở ra triển vọng mới trong việc thu hút mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế -

Xí nghiệp Phân phối khí thấp áp miền Bắc đáp ứng nhu cầu của gần 20 doanh nghiệp dùng khí trên địa bàn huyện Tiền Hải.

 

Ông Vũ Văn Toan, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiền Hải cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII,  ngay từ đầu năm ngành Công Thương huyện đã xác định phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chú trọng phát triển nghề và làng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Mở rộng khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư. Phát triển thương mại, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp và khu du lịch sinh thái cồn Vành. Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phương châm “khó đâu gỡ đó, vướng đâu tháo đó’’. Nhờ sự nỗ lực quyết tâm của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành, sau một năm ngành Công nghiệp của huyện tiếp tục khởi sắc tăng 21,03% so với cùng kỳ năm 2015. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đều có sự tăng trưởng khá, hoạt động ổn định. Toàn huyện hiện có 296 doanh nghiệp, trong đó có 78 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và trên 400 hộ sản xuất quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực gạch ốp lát, sứ vệ sinh, sứ mỹ nghệ, sứ dân dụng, thủy tinh cao cấp, nước khoáng… Đến nay, hàng loạt các sản phẩm tiêu biểu như gạch granite của Viglacera, ceramic Long Hầu, gạch men Mikado, Cirenco, sứ Hảo Cảnh, sứ Đông Lâm, thủy tinh phale, nước khoáng Vital được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước chiếm trên 40% sản lượng của ngành.... Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 1 song vẫn nhanh chóng khắc phục sự cố, đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, thiết bị máy móc, dây chuyền đưa vào sản xuất kịp tiến độ, đạt doanh thu cao như Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh ước đạt 287 tỷ đồng, Nhà máy Gạch Mikado 380 tỷ đồng...

 

 

Sản phẩm sứ mỹ nghệ của Công ty Cổ phần Gạch men sứ Long Hầu.

 

Năm 2016 cũng là năm Tiền Hải đã có nhiều khởi sắc trong thu hút đầu tư. Tính đến tháng 11/2016, toàn huyện đã có 17 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó 11 dự án đầu tư mới, 6 dự án điều chỉnh mục đích, quy mô đầu tư với tổng vốn đầu tư là 1.755 tỷ đồng. Đã có 6 dự án khởi công xây dựng có quy mô lớn như Tổng công ty Viglacera đã khởi công xây dựng giai đoạn 1 Khu công nghiệp Tiền Hải và khánh thành dự án đầu tư mở rộng sản xuất gạch ốp lát granite cao cấp giai đoạn 2 - Nhà máy Viglacera Thái Bình, nhà máy kéo sợi công suất 17.800 tấn/năm của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân, nhà máy sợi OE của Công ty Cổ phần Dệt may An Nam, dây chuyền 5 của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh, Công ty Cổ phần Nicotex Đông Thái.

 

Cũng theo ông Toan, ngành Công nghiệp Tiền Hải sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển bứt phá trong thời gian tới bởi huyện có nhiều lợi thế, trong đó thuận lợi nhất là hệ thống khí đốt phục vụ ổn định cho sản xuất công nghiệp với sản lượng 200 triệu m3/năm sẽ là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư về địa bàn. Hơn nữa, việc quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Tiền Hải đã được chấp thuận từ 251ha lên 466ha hiện đang được nhà kinh doanh hạ tầng đầu tư xây dựng. Cùng với đó còn có các dự án của các tập đoàn kinh tế lớn đang tích cực triển khai như dự án khai thác than nâu đang được thăm dò khai thác, khu kinh tế ven biển đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống giao thông đang được quan tâm đầu tư xây dựng...

 

 

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Gạch ốp lát Thái Bình.

 

Để khai thác có hiệu quả các thuận lợi trên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện, ngoài cơ chế, chính sách được UBND tỉnh ban hành, huyện Tiền Hải đã tích cực tham gia quy hoạch mở rộng khu, cụm công nghiệp, xây dựng kế hoạch sử dụng đất, tư vấn địa điểm đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thường xuyên mở các lớp đào tạo lao động, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư khi đến Tiền Hải. Trong công tác quy hoạch, ngoài việc mở rộng Khu công nghiệp Tiền Hải, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch một số cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, Tiền Hải còn đề nghị các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình và phương hướng sử dụng đất, quy hoạch đất đai cụ thể cho phát triển nghề và làng nghề. Hỗ trợ các làng nghề giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Dự kiến mỗi năm Tiền Hải sẽ đào tạo mới 1.000 lao động trở lên bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn kinh phí để đáp ứng nhu cầu lao động của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa