Thứ 2, 22/07/2024, 18:22[GMT+7]

Hỗ trợ người dân “cái cần” để “câu cá”

Thứ 4, 28/12/2016 | 08:46:04
488 lượt xem
Ðược giao nhiệm vụ tổ chức dạy nghề cho người dân bằng nguồn vốn khuyến công, từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tổ chức thành công rất nhiều lớp đào tạo nghề may cho các địa phương, trong đó ấn tượng nhất là tại xã Hoa Lư (Ðông Hưng) đã có 47/50 học viên tốt nghiệp và đã tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Ðó cũng là lớp học đánh dấu bước thành công ngay trong năm đầu tiên của Trung tâm thực hiện đào tạo lớp may công nghiệ

Lớp học nghề may tổ chức tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải).

 

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Ðể tiếp tục đáp ứng nhu cầu đào nghề may cho các địa phương, năm 2016, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp dạy nghề may công nghiệp ở các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư, Thái Thụy với tổng số 350 học viên, trong đó 3 lớp được tổ chức từ vốn khuyến công địa phương, 7 lớp bằng vốn khuyến công quốc gia. Theo ông Hải, để tổ chức được lớp dạy nghề may hiện nay rất khó bởi các doanh nghiệp không mặn mà trong công tác phối hợp đào tạo nghề. Hơn nữa những lao động ở các xã có doanh nghiệp hầu hết đã có việc làm nên Trung tâm phải tìm những xã không có doanh nghiệp hoặc xa doanh nghiệp mới có lao động để mở lớp. Ðiều khó hơn là có một số đơn vị trước đây tổ chức dạy nghề không đúng theo quy định nhà nước gây ảnh hưởng tới uy tín của công tác đào tạo nghề, người học cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương mất niềm tin vào lớp học nghề. Ðiển hình gần đây nhất là ở xã Ðông Hoàng (Tiền Hải), khi Trung tâm xuống đặt vấn đề mở lớp, địa phương không ai tin đó là việc đào tạo thật, chỉ tới khi lớp tổ chức học bài bản và có hiệu quả chính quyền nơi đây mới tin và đề nghị mở thêm lớp học thứ hai cho người dân. Hơn nữa, công tác tuyên truyền vận động cho người học rất hạn chế, rất nhiều người muốn học nghề nhưng lại không nắm được thông tin. Do vậy, công tác chiêu sinh cũng gặp không ít khó khăn, cán bộ của Trung tâm phải xuống các địa phương rất nhiều lần để tuyên truyền, thậm chí phải đem thông tin, đưa giấy mời xuống tận nhà các học viên. Ðặc biệt, thường những xã vùng sâu vùng xa mới có nhu cầu mở lớp nên Trung tâm cũng phải ưu tiên mở lớp ở các địa phương đó, do đó  việc đi lại hết sức khó khăn.

Ông Hải cũng cho rằng, để việc đào tạo nghề thành công nhất định phải có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu và sự nhiệt huyết của người được giao nhiệm vụ thực hiện. Nhất là cán bộ của Trung tâm phải xác định phải xuống các địa phương rất nhiều lần mới tổ chức được lớp học, trong khi chi phí cho lớp học không nhiều. Trung tâm phải thuê giáo viên tay nghề cao dạy với chi phí thấp nên việc lựa chọn giáo viên tâm huyết với nghề về giảng cũng không đơn giản. Ngoài ra, để chủ động trong việc mở lớp, Trung tâm phải hợp đồng thuê máy ngay từ đầu năm để chuyển tới lớp học. Việc mở lớp học còn phải tính toán về thời gian, tránh mùa vụ và thường chỉ mở khi ra tết hoặc thời điểm các cháu học sinh thi xong tốt nghiệp. Trung tâm còn đề ra quy chế, nội quy lớp học rất nghiêm. Lớp học phải cử cán bộ chấm công theo dõi trực tiếp ở lớp, hàng tuần họp lớp đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng tuần tới. Ngoài ra, nội dung học phải thực hiện rất bài bản, có kiểm tra khi học hết các phần, ôn thi và tổ chức thi để cấp giấy chứng nhận. Tuy vậy nhưng trong dạy nghề vẫn không tránh khỏi rủi ro. Ðơn cử như đợt mở lớp ở xã Thái Sơn (Thái Thụy) vừa qua, sau khi mở lớp được 1 tháng Trung tâm phải dừng lại do số học viên theo học không đủ theo điều kiện quy định. Như vậy, mặc dù toàn bộ chi phí lớp học không được quyết toán nhưng Trung tâm vẫn phải trả tiền từ thầy dạy đến thuê máy móc thiết bị...

Ðến nay đã có những học viên học xong lớp đào tạo của Trung tâm đã trở thành ông chủ doanh nghiệp may, có người trở thành thầy dạy may song điều vui mừng nhất đối với cán bộ của Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp là có tới 50 - 70% số học viên học xong tìm được việc làm và được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Sau khi tốt nghiệp, học viên có thể mở được cửa hàng bởi ai cũng có thể tự may được một bộ quần áo hoàn chỉnh.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa