Thứ 4, 07/05/2025, 12:32[GMT+7]

Damsan: Không ngừng vươn cao

Thứ 2, 23/01/2017 | 10:08:02
1,284 lượt xem
Ra đời từ năm 2006, dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vũ Huy Ðông, đến nay, Công ty Cổ phần Damsan đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong lĩnh vực dệt sợi, kinh doanh bất động sản, nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Để có được thương hiệu Damsan như hôm nay, ngay từ ngày đầu thành lập Công ty đã có định hướng đầu tư và phát triển theo hướng hiện đại. Năm 2006, bắt tay vào xây dựng nhà máy Damsan I tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh (thành phố Thái Bình), Damsan đã đầu tư 121 tỷ đồng xây dựng nhà máy công suất 2.880 tấn sợi OE/năm từ các thiết bị được nhập từ Đức và Thụy Sĩ. Năm 2010, Công ty tiếp tục xây dựng nhà máy Damsan II với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, có công suất 3.600 tấn sợi OE/năm và 720 tấn khăn/năm tại khu công nghiệp Gia Lễ. Đây là hai nhà máy có hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm sợi, khăn đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường nước ngoài, đưa doanh thu của Damsan tăng trưởng 20%/năm. Việc sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của hai nhà máy đã làm tiền đề cho Damsan đề ra chiến lược phát triển cho chặng đường tiếp theo. Ông Vũ Huy Đông cũng như các thành viên Hội đồng quản trị cho rằng phải không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án mới để trở thành công ty lớn mạnh trong phạm vi quốc gia với ngành nghề chính là sản xuất sợi cotton, các loại sợi phục vụ thị trường trong và ngoài nước và xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Vì vậy, song song với dệt sợi là chiến lược xây dựng nhà ở xã hội được Damsan thực hiện, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiên phong trong lĩnh vực này. Năm 2013, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh cũng như các sở, ngành, Công ty chính thức khởi công đầu tư tòa nhà ở xã hội 18 tầng tại số 56 phố Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình với quy mô 262 căn hộ, trị giá 134 tỷ đồng, đánh dấu phong cách sống chung cư hiện đại đầu tiên của tỉnh.

 

 

Công ty Cổ phần Damsan tạo việc làm cho gần 600 lao động với thu nhập ổn định.

 

Mặc dù chịu nhiều biến động của giá cả thị trường, sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn song năm 2015 Damsan đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 100,7 tỷ đồng lên 160,7 tỷ đồng với mục tiêu đầu tư vào xây dựng nhà máy sợi Eiffel tại khu công nghiệp Gia Lễ với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, nâng tổng công suất sản xuất sợi lên 16.560 tấn sợi/năm. Cùng với đó, Damsan tiếp tục xây dựng dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở tổ 39 - 40 phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) cao 15 tầng, đáp ứng nhà ở cho gần 300 hộ với số vốn khoảng 130 tỷ đồng. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BT, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa quý I/2017.

 

Bước vào năm 2016, Damsan gặp không ít khó khăn do giá hàng hóa của thế giới giảm nên lợi nhuận trong kinh doanh đạt không cao. Tuy nhiên, từ quý II giá các mặt hàng có xu hướng tăng nên kết quả kinh doanh đã đạt như kỳ vọng. Điều đáng mừng nhất là sức tiêu thụ hàng hóa của năm 2016 tích cực hơn năm 2015 nên lợi nhuận hàng hóa đều chuyển biến theo đà tăng trưởng dương. Vì thế, năm 2016 cũng được đánh giá là năm Damsan thành công trên mọi phương diện, gặt hái được nhiều thắng lợi trong muôn vàn khó khăn: doanh thu dự kiến đạt trên 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 50 triệu USD, lợi nhuận đạt khoảng 35 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 

 

Dự án khu đô thị Phú Xuân - Damsan sẽ khởi công xây dựng vào quý I/2017.

 

Trên đà thành công, năm 2017 với khí thế và quyết tâm mới, Damsan tiếp tục khẳng định vị thế, nội lực phát triển của mình. Ngoài việc khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có của 3 nhà máy sợi, Damsan tiếp tục đầu tư dự án khu đô thị Phú Xuân với quy mô 248 lô liền kề, 76 lô biệt thự và 2 tòa nhà ở xã hội cao 20 tầng kết cấu đồng bộ, thiết kế đẹp, hiện đại. Dự kiến dự án chính thức thi công vào quý I/2017. Cùng với đó, Công ty sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng một cụm công nghiệp theo hướng hiện đại với diện tích 70ha tại huyện Tiền Hải. Với dự án này, Damsan vừa có quỹ đất để tiếp tục đầu tư các nhà máy sợi và dệt vừa thu hút một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào cụm công nghiệp. Dự án còn tạo việc làm thường xuyên cho 5.000 - 7.000 lao động và tạo ra khối lượng hàng hóa cũng như doanh thu của cụm công nghiệp khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Đây là một trong những ý tưởng hết sức mới mẻ và phù hợp với việc đưa công nghiệp phát triển về các vùng nông thôn theo chủ trương của tỉnh.

 

Để thực hiện thành công các dự án trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vũ Huy Ðông khẳng định: Damsan sẽ tiếp tục vận dụng các cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh đối với doanh nghiệp. Tận dụng, khai thác nguồn vốn trên thị trường chứng khoán và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của ngân hàng để tiếp tục đầu tư phát triển.

 

Thanh Thủy

 

  • Từ khóa