Thứ 2, 23/12/2024, 21:31[GMT+7]

Đông Hưng: Công nghiệp bứt phá

Thứ 4, 11/04/2018 | 09:23:35
1,342 lượt xem
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đông Hưng, từ năm 2017 đến nay công nghiệp của huyện có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với những năm gần đây với giá trị sản xuất năm 2017 đạt 2.958 tỷ đồng, tăng 15,27% so với năm 2016. Quý I/2018, giá trị sản xuất ước đạt 834,1 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Xưởng sản xuất của Công ty TNHH cơ khí Minh Danh.

Dấu ấn tăng trưởng rõ nét nhất đó là sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt, giá trị sản xuất của hai doanh nghiệp chuyên về gia công kết cấu thép là Công ty TNHH Cơ khí Minh Danh và Công ty TNHH Thép Hoàng Đào gia tăng đột biến. Tính riêng quý I/2018, doanh thu của Công ty TNHH Cơ khí Minh Danh tăng 300% so với cùng kỳ năm 2017, tương đương với 240 tỷ đồng. Theo đánh giá của hai doanh nghiệp này, do nhu cầu đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất trên địa bàn cả nước tăng nhanh nên doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng lớn, có giá trị cao nên đã đưa doanh thu của doanh nghiệp vượt lên ngoạn mục. 

Ngoài ra, lĩnh vực may công nghiệp là thế mạnh của huyện cũng có một loạt nhà máy đi vào hoạt động, mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cao công suất lao động. Điển hình như tại cụm công nghiệp (CCN) Đô Lương, nhà máy may Đô Lương đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với 2 xưởng sơ mi và veston tạo việc làm cho 600 công nhân; nhà máy may Đông Thọ mở rộng từ 1 nhà xưởng lên 2 nhà xưởng, tăng từ 450 công nhân lên 700 công nhân; Công ty TNHH Nam Anh Việt Nam tại CCN Đông Phong cũng bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 6/2017, hiện nay đang tiếp tục tuyển thêm công nhân, nâng cao công suất lao động; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tùng Lập cũng phát triển từ chỗ chỉ chuyên may màn tuyn với 60 lao động đến nay đã nâng cấp nhà xưởng, sản xuất thêm nhiều mặt hàng, tạo việc làm cho 300 lao động.

Nhà máy may Đô Lương đã đi vào hoạt động ổn định.

Toàn huyện Đông Hưng hiện có 320 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động. Mặc dù chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ song hoạt động rất ổn định, chỉ có hai 2 doanh nghiệp dừng hoạt động. Trong đó lĩnh vực may mặc phát triển nhanh và mạnh nhất với hầu hết các xã đều có nghề may phát triển. Toàn huyện hiện có 36 doanh nghiệp may có 100 lao động trở lên, trong đó 14 doanh nghiệp lớn có các hợp đồng đã ký đến hết năm 2018. Điển hình như may Đại Đồng, tuy số lao động giảm 60 người song doanh thu năm 2017 vẫn tăng 20 tỷ đồng so với năm 2016 và có nhiều hợp đồng với khách hàng Hàn Quốc và châu Âu kéo dài tới hết năm 2018.

Ngoài ra, hoạt động trong các CCN ở Đông Hưng cũng có nhiều khởi sắc. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7 CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 294,25ha, trong đó đất quy hoạch công nghiệp để cho thuê 221,545ha, đất đã cho thuê 72,6ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân chung đạt 32,77%.  Đến nay đã có 106 dự án vào đầu tư và đăng ký đầu tư, trong đó 83 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, 9 dự án đang xây dựng, 14 dự án đăng ký đầu tư, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hết 3 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp trong CCN ước đạt 1.398  tỷ đồng, tăng 122,7% so với cùng kỳ, trong đó từ sản xuất đạt 386,7 tỷ đồng, tăng 30,8% so với cùng kỳ, kinh doanh dịch vụ đạt 1.011,4 tỷ đồng, tăng 204,4%. 

Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp, giá trị sản xuất, kinh doanh trong CCN có tốc độ tăng trưởng cao là do một số dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ để đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, việc triển khai thành lập và quy hoạch phân khu CCN ở các địa phương cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Các CCN Xuân Động, Đông Các, Nguyên Xá, Đô Lương, Đông La đã thu hút nhiều nhà đầu tư và bước đầu đã thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng về huyện.

Các doanh nghiệp góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, Đông Hưng sẽ rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn nhằm mục đích chấn chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp và chống thất thu ngân sách; tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ đào tạo nghề, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư; đồng thời, động viên các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Thu Thủy