Thứ 3, 24/12/2024, 01:53[GMT+7]

Góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Thứ 4, 20/06/2018 | 08:09:28
3,686 lượt xem
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết, thực hiện hiệu quả trên các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư).

Xác định sự phát triển của công nghiệp ngày càng tác động tích cực tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tiêu chí số 4 về điện và tiêu chí số 7 về chợ trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. 

Theo đó, đến nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí điện nông thôn và 144/263 xã có chợ đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, việc duy trì nghề truyền thống và mở rộng nghề mới ở các vùng nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 245 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, giá trị sản xuất chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các cơ sở sản xuất thủ công tuy có quy mô nhỏ, thậm chí chỉ là sản xuất của các hộ gia đình song đã thu hút một số lượng khá lớn lao động nông thôn vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp. Tổng số lao động trong khu vực làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay thu hút khoảng 150.000 người tham gia với thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. 

Ngoài ra, Sở Công Thương còn chú trọng quy hoạch 50 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích trên 2.578ha, trong đó có 294 dự án đã đầu tư ở 38 CCN tạo việc làm cho trên 31.500 người. Trong các CCN có nhiều CCN phục vụ cho làng nghề, điển hình như CCN Thái Phương, CCN Minh Tân, CCN Phúc Khánh của huyện Hưng Hà, CCN Đông La, Nguyên Xá của huyện Đông Hưng, CCN Đập Neo, huyện Quỳnh Phụ...

Điểm nhấn trong những năm qua là nhiều mặt hàng của ngành Công Thương  đã đáp ứng được nhu cầu thị trường, trong đó nhiều doanh nghiệp đã phân phối một số mặt hàng phục vụ chủ lực cho nông nghiệp. Điển hình như ngành công nghiệp sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân, Công ty TNHH Lam Sơn, Công ty TNHH Cường Liên. 

Đặc biệt,  năm 2011, dự án Nhà máy sản xuất Amon Nitrat được đầu tư với số vốn 5.800 tỷ đồng tại CCN Thái Thọ (Thái Thụy) không chỉ là một trong những dự án lớn nhất tại tỉnh, đóng góp giá trị lớn trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất phân bón của cả nước. 

Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm cũng có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển công nghiệp của tỉnh, làm tăng giá trị hàng hóa và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường từ đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động ở nông thôn. 

Qua khảo sát cho thấy, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 chủng loại sản phẩm có quy mô tương đối cao trong lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm như xay xát gạo, ngô; thịt đông lạnh, thủy sản đông lạnh; nước mắm, rau, củ, quả, bia, nước khoáng... Một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Liên Hạnh...

Cùng với đó, Sở Công Thương còn thực hiện hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn. Tính từ năm 2008 đến nay, Sở đã thực hiện hỗ trợ 411 chương trình, dự án khuyến công địa phương với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng, 220 chương trình dự án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 15.683 triệu đồng. Sự hỗ trợ đó đã góp phần động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Các làng nghề trong tỉnh tạo việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và đáp ứng yêu cầu tiêu chí điện ở các địa phương. Thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, UBND các cấp trong công tác quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là hệ thống chợ trên địa bàn. Tiếp tục huy động nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng chợ nông thôn, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bố trí quỹ đất để xây dựng chợ. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục thực hiện xã hội hóa thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các CCN, củng cố nghề truyền thống, khuyến khích du nhập nghề mới.

Thu Thủy