Thứ 3, 23/07/2024, 22:33[GMT+7]

Ngành Xây dựng Thái Bình: 60 năm trưởng thành và phát triển

Thứ 5, 25/04/2019 | 08:44:09
1,837 lượt xem
Chặng đường 60 năm qua tuy có những bước thăng trầm khác nhau, nhưng thời kỳ nào ngành Xây dựng Thái Bình cũng có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng.

Một góc thành phố Thái Bình.

Năm 1959, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình đã ký quyết định thành lập Ty Kiến trúc Thái Bình (nay là Sở Xây dựng Thái Bình) một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật trọng yếu của tỉnh, là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về kiến trúc, xây dựng bao gồm công tác quy hoạch, kế hoạch, kiến trúc, xây dựng, thẩm định thiết kế dự toán các công trình xây dựng thuộc tỉnh quản lý, thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng, giúp UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách về xây dựng cơ bản, trực tiếp quản lý cán bộ các đơn vị trực thuộc, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định phân cấp của UBND tỉnh. 

Chặng đường 60 năm qua tuy có những bước thăng trầm khác nhau, nhưng thời kỳ nào ngành Xây dựng Thái Bình cũng có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng.

Những ngày đầu thành lập trụ sở Ty Kiến trúc Thái Bình chỉ có một căn nhà 5 gian cấp 4, lực lượng lao động toàn ngành có 97 người, một Chi bộ Đảng với 10 đảng viên, biên chế Văn phòng Ty có 12 người, một số cán bộ có trình độ trung cấp, không có kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng; thiết bị của ngành Xây dựng còn thô sơ với xe cải tiến, cần cẩu thiếu nhi và pa lăng xích, còn lại các dụng cụ thủ công; sản phẩm vật liệu xây dựng chỉ có vôi, gạch, ngói ở một số lò đốt thủ công. Nhiệm vụ chính trong thời gian này là xây dựng và cải tạo lại các công trình của tỉnh sau hòa bình năm 1954 như: trường học, trạm xá, bệnh viện và các công trình phục vụ công nghiệp, nông nghiệp ở quy mô nhỏ, trụ sở các cơ quan nhà nước; quy hoạch và xây dựng thị xã, các thị trấn, huyện, góp phần thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Mặc dù vậy, nhưng với tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm công trình do ngành Xây dựng đảm nhận đã được đưa vào sử dụng, điển hình là: trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh, Khách sạn cầu Bo, Bệnh viện gốc Mít, Nhà máy xay, Trường Đảng tỉnh, Tháp nước thị xã... Năm 1964 - 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, những công trình trọng điểm vẫn được mọc lên như Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc, cụm công trình 5 tầng Đại học Y khoa, Bệnh viện Việt Nam - Bungary, Nhà máy đường, rượu, giấy Hưng Nhân, Nhà máy dâu tằm tơ Việt Hùng, hàng loạt hệ thống trang trại chăn nuôi, kho thóc giống ở các huyện, trụ sở ủy ban hành chính cấp huyện, thị xã được tu bổ sửa chữa nâng cấp. Ngành Xây dựng đã phối hợp các ngành thực hiện quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội của tỉnh.

Từ năm 1965 đến năm 1975 là giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tổ chức bộ máy Văn phòng Ty được sắp xếp lại đủ các phòng, ban nghiệp vụ và cán bộ lãnh đạo Ty. Toàn ngành đã phát triển 10 xí nghiệp sản xuất vôi, gạch, ngói, bê tông được bố trí đều trên toàn tỉnh, từ 1 công ty xây lắp đến năm 1973 phát triển thành 3 công ty xây lắp với hàng nghìn cán bộ công nhân trực tiếp xây dựng trong tỉnh, ngoài ra còn tham gia xây dựng các công trình quốc gia như Nhiệt điện Phả Lại. Công ty tư vấn thiết kế được thành lập, trong đó có nhiều kỹ sư, kiến trúc sư đã tư vấn thiết kế kiến trúc được nhiều công trình lớn của tỉnh. Hàng trăm cán bộ công nhân tái ngũ, nhập ngũ đi chiến đấu tại các chiến trường, nhiều xí nghiệp được giao nhiệm vụ trực chiến đánh máy bay của Mỹ như gạch Tiền Phong, ngói Quang Trung, gạch Thái Thủy, Nhà máy nước thị xã... Nhiều cán bộ công nhân đã anh dũng hy sinh. Tuy chiến tranh ác liệt nhưng ngành Xây dựng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1969, ngành Xây dựng đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch, sắp xếp lại các huyện, từ 14 huyện, thị xã thành 8 huyện; trong đó sáp nhập huyện Thụy Anh với huyện Thái Ninh thành huyện Thái Thụy, huyện Vũ Tiên với huyện Thư Trì thành huyện Vũ Thư, huyện Đông Quan và huyện Tiên Hưng thành huyện Đông Hưng, huyện Quỳnh Côi và huyện Phụ Dực thành huyện Quỳnh Phụ, đồng thời lựa chọn địa điểm trụ sở UBND huyện, các thị trấn, thị tứ xây dựng quy hoạch của huyện trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 1975, hòa bình lập lại, công tác xây dựng của tỉnh có bước phát triển mới vừa khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Toàn ngành đã có tới 14 xí nghiệp sản xuất gạch, ngói, vôi, bê tông, xi măng, xí nghiệp gỗ, nhà máy nước 2 lần được mở rộng nâng công suất, bảo đảm chất lượng phục vụ nhân dân thị xã Thái Bình. Tại các huyện có 5 nhà máy nước được xây dựng phục vụ nhân dân trong thị trấn và các xã lân cận. Toàn ngành có 3 công ty xây lắp và 1 đội xây dựng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Công ty tư vấn khảo sát thiết kế được đầu tư công nghệ bảo đảm khảo sát thiết kế được các công trình lớn của tỉnh, công ty cung ứng vật liệu được thành lập và trang bị phương tiện vận tải thủy bộ bảo đảm cung ứng đầy đủ vật liệu đến tận công trình. Trường công nhân xây dựng được thành lập thường xuyên đào tạo và dạy nghề cho công nhân bảo đảm chất lượng xây dựng. Tổng số cán bộ công nhân viên chức toàn ngành thời kỳ này trên 2.000 người, trong đó có gần 1.000 là bộ đội chuyển ngành từ các chiến trường về. Hàng trăm kỹ sư, kiến trúc sư được công tác tại Văn phòng Ty và các xí nghiệp đơn vị trực thuộc, hàng trăm công trình có quy mô lớn của tỉnh được xây dựng từ bàn tay, khối óc của cán bộ công nhân ngành Xây dựng của tỉnh mà điển hình là công trình nhà 7 tầng chế biến thức ăn gia súc, khách sạn giao tế, cụm công trình điều dưỡng du lịch Đồng Châu, các nhà máy đay, nhà máy đông lạnh xuất khẩu, hệ thống các trạm bơm, trại chăn nuôi và hàng loạt công trình giáo dục y tế, văn hóa... Ngoài ra còn cung cấp hàng trăm cán bộ kỹ thuật công nhân có tay nghề cao phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện sông Đà...

Thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, 100% doanh nghiệp của ngành đã thực hiện cổ phần hóa, Sở Xây dựng tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về xây dựng. Sở đã thành lập Trung tâm Quy hoạch xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, củng cố bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý công trình xây dựng, thành lập Ban Quản lý nhà ở sinh viên thành phố Thái Bình. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng nhiều cơ chế, chính sách về quản lý xây dựng, tập trung vào nhiệm vụ quy hoạch xây dựng ở cấp tỉnh, cấp huyện, nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án, công tác thanh tra giám sát được chỉ đạo tích cực mọi hoạt động của ngành đi vào nền nếp. Đã có hàng vạn công trình được thẩm định, thanh tra giám sát giảm được thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Trung bình mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách từ 10 - 12% giá trị dự toán xây dựng. Sở đã phối hợp với UBND thành phố Thái Bình tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng quy hoạch thành phố Thái Bình đạt tiêu chuẩn đô thị loại III được trung ương công nhận vào năm 2004 và được công nhận đô thị loại II vào năm 2012. Hiện nay đang tích cực hoàn thiện đưa quy hoạch thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I năm 2020. Hàng loạt quy hoạch thị trấn đã được phê duyệt như thị trấn An Bài, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Châu Giang, Thái Ninh, Nam Trung... Quy hoạch nâng cấp đô thị Diêm Điền, Tiền Hải trở thành đô thị loại IV, đến nay thị trấn Diêm Điền và vùng phụ cận đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. 

Cùng với quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, các điểm công nghiệp, làng nghề được phê duyệt quy hoạch. Đến nay, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp, hàng chục điểm công nghiệp làng nghề đã và đang xây dựng đi vào hoạt động thu hút hàng trăm dự án, sử dụng hàng vạn lao động đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Cùng với xây dựng các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn được quy hoạch theo hướng hiện đại cả về quy mô và cơ sở hạ tầng. Đến nay, toàn tỉnh có 13 khu đô thị, nhiều khu đô thị đã hoàn thành xây dựng.

Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới được Sở Xây dựng chỉ đạo tích cực từ việc hướng dẫn lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đối với các xã, công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, 100% xã có quy hoạch chung nông thôn mới, quy hoạch sản xuất và khu trung tâm xã. Công tác quy hoạch và phát triển vật liệu xây dựng được chỉ đạo mở rộng phát triển về quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng công suất và chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp sản xuất gạch ngói, 14 doanh nghiệp sản xuất gạch men, sứ vệ sinh, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Đặc biệt sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều công trình sản phẩm đạt chất lượng vàng và xuất khẩu như gạch ốp lát, sứ vệ sinh cao cấp, các mặt hàng sứ dân dụng được thị trường tín nhiệm điển hình như gạch ốp lát, sứ dân dụng của Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Sứ Hảo Cảnh.

Sản xuất gạch tuynel tại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Đống Năm.

Có thể nói, thời kỳ nào ngành Xây dựng cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng đánh giá cao và đạt được nhiều thành tích. Toàn ngành đã có nhiều đơn vị được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng II, hạng III, cờ thi đua xuất sắc của Bộ Xây dựng và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2003, sở Xây dựng được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng III, năm 2009 được tặng Huân chương Lao động hạng II, năm 2014 được tặng Huân chương Lao động hạng I. Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của tập thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động ngành Xây dựng, là một trong những ngành thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong 60 năm qua.

Hoàng Văn Thành
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng)