Thứ 4, 25/12/2024, 09:13[GMT+7]

Tăng năng suất nhờ công nghệ 4.0

Thứ 2, 19/08/2019 | 09:26:24
2,609 lượt xem
Là một trong những công ty sử dụng nhiều lao động, Công ty Cổ phần C.F toàn cầu Thái Bình (cụm công nghiệp Đông La, huyện Đông Hưng) đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp từ công nghệ 4.0 nhằm hạn chế tác động của chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Với hệ thống máy cắt tự động, một người có thể quản lý nhiều máy một lúc.

Việc tăng lương tối thiểu vùng và áp dụng quy định đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương, phụ cấp từ năm 2018 đang tạo ra sức ép lớn về chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có Công ty Cổ phần C.F toàn cầu Thái Bình. Để tối ưu hóa nguồn lực giải quyết thách thức trên Công ty đã và đang tìm đến giải pháp công nghệ 4.0. 

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty Cổ phần C.F toàn cầu Thái Bình tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Tùng Lộc. Ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2016), Công ty luôn chú trọng phát triển công nghệ tự động hóa, hướng tới việc tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống cán bộ, công nhân. Hiện tại, Công ty chủ yếu sản xuất hàng may sẵn xuất sang thị trường các nước châu Âu, Nhật. Để bắt kịp với công nghệ 4.0, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc tự động hiện đại với khoảng 30 máy, chi phí trên 40 tỷ đồng, vì vậy năng suất cũng như chất lượng sản phẩm đều được nâng cao. Trong đó, hệ thống máy cắt và máy trải tự động giảm được 70% lao động chân tay, máy lập trình, máy hút bông tự động giảm được 50% lao động chân tay. 

Chị Nguyễn Thị Chinh, công nhân Công ty cho biết: Bình thường chỉ mỗi tổ cắt cũng phải có vài chục người làm việc nhưng từ khi Công ty đầu tư hệ thống máy cắt vải tự động cả tổ cắt chỉ có 6 người vì hầu hết các công đoạn đều do máy móc làm, công nhân chủ yếu thao tác với phần mềm đã lập trình sẵn trên máy tính và kiểm tra, giám sát xem trong quá trình vận hành máy móc có gặp trục trặc, lỗi hay không để kịp thời xử lý. Có máy móc hỗ trợ người lao động rất nhàn, vải cắt có độ chính xác rất cao. Nhờ vào những ứng dụng mới và đồng bộ hóa các thiết bị nên sản lượng tăng gấp 2 lần nhưng số lượng lao động vận hành tại các xưởng từ đầu năm đến nay chỉ tăng thêm 100 người, qua đó tiết giảm không ít chi phí lao động và các chi phí khác liên quan.

Hiện tại, Công ty đang tạo việc làm cho 600 công nhân với mức thu nhập 6 - 12 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn về ký kết đơn hàng mới thì Công ty Cổ phần C.F toàn cầu Thái Bình vẫn duy trì hợp đồng ổn định với các khách hàng truyền thống. 

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty: Để giữ được các đối tác quan trọng bên cạnh việc đầu tư máy móc tự động hiện đại, Công ty luôn chú trọng đến việc tạo môi trường làm việc tốt cho công nhân, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, luôn bảo đảm đúng tiến độ giao hàng, chăm lo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu không hề rẻ song sự tham gia của máy móc tự động vào sản xuất không chỉ giúp Công ty dễ dàng giải quyết được bài toán về chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động mà còn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác vì đã có một số doanh nghiệp đã đến tham quan nhà xưởng, có ý hợp tác với những đơn hàng giá trị cao. Hiện một năm Công ty sản xuất khoảng 84 triệu sản phẩm xuất sang châu Âu và Nhật.  

Thành công của Công ty Cổ phần C.F toàn cầu Thái Bình trong việc đổi mới công nghệ sản xuất là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.


Thu Hiền

  • Từ khóa