Thứ 3, 23/07/2024, 18:29[GMT+7]

Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu vượt khó để tăng trưởng

Thứ 4, 18/12/2019 | 08:50:56
2,201 lượt xem
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và chi phí đầu tư tăng cao bất khả kháng, ngành gốm, sứ của cả nước đối mặt với rất nhiều khó khăn, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (khu công nghiệp Tiền Hải) vẫn biết cách vượt qua và duy trì sự tăng trưởng đáng ghi nhận.

Sản phẩm sứ gia dụng của Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu đã thâm nhập tốt thị trường Brasil.

Chồng chất khó khăn
Năm 2019 được coi là năm thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng gốm, sứ, bao gồm cả sứ vệ sinh và sứ dân dụng. Trở ngại lớn nhất chính là hàng gốm sứ giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Ông Bùi Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu cho biết: Không ít doanh nghiệp gốm sứ trong nước lao đao vì sản phẩm sứ của Trung Quốc xâm nhập thị trường nước ta có giá rẻ ở mức thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp Việt. Thực tế này khiến cho thị trường bị đảo lộn, thị phần tiêu thụ bị thu hẹp dẫn tới tình trạng hàng tồn kho, doanh thu sụt giảm, không ít doanh nghiệp trong nước phải cắt giảm sản lượng sản xuất. Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu cũng nằm trong bối cảnh chung đó.

Đã gặp khó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gốm sứ còn phải đối diện thêm khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao một cách bất khả kháng. Giá nguyên liệu sản xuất như khí đốt, điện đều tăng. Chỉ tính riêng 11 tháng năm 2019, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu đã chi phí hơn 40 tỷ đồng tiền khí đốt, gần 12 tỷ đồng tiền điện, tăng khoảng hơn 10% so với năm 2018 với cùng sản lượng sản xuất. Chi phí sản xuất tăng kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng là nguyên nhân dẫn tới giảm sức cạnh tranh về giá với sản phẩm gốm sứ của Trung Quốc.

Chưa hết, dịch vụ bán hàng của các doanh nghiệp gốm, sứ trong nước hiện nay đang bộc lộ điểm yếu rất đáng lo ngại. Người dân khó tiếp cận được với sản phẩm gốm, sứ trong nước với giá tốt nhất do gánh thêm chi phí qua nhiều cầu trung gian từ nhà máy sản xuất tới tay người tiêu dùng. Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất đã nỗ lực giảm giá thành, chấp nhận lợi nhuận thấp để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ, song các thương nhân phân phối, bán hàng qua nhiều cấp trung gian vẫn là đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn cả.

Bước đi đúng hướng
Nhìn rõ thách thức và những hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu đã tập trung cải tổ quy trình quản lý, điều hành sản xuất và đổi mới dịch vụ bán hàng. Nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa, Công ty đã “mạnh tay” đầu tư thay đổi công nghệ, trang bị nhiều máy móc tự động hóa. Trong đó, tiêu điểm là Công ty đã đầu tư mới hệ thống lò nung tiên tiến tối ưu hóa khí đốt; hệ thống thu hồi, gom nhiệt dư thừa từ lò nung để sử dụng cho hoạt động sấy sản phẩm phôi và hệ thống máy biến tần phục vụ các động cơ điện hoạt động ổn định, an toàn, giảm từ 5 - 7% lượng tiêu thụ điện. Công ty tổ chức khảo sát, đánh giá lại mức tiêu thụ điện trong các khâu sản xuất, xây dựng định mức tiêu chuẩn từ đó giao khoán cho các bộ phận, phân xưởng thực hiện và có chính sách khen thưởng cho những tập thể, cá nhân có ý thức tốt trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với những thay đổi trong khâu sản xuất đó, ngoài tiết giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, môi trường làm việc của cán bộ, công nhân được cải thiện rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Hiếu, công nhân phân xưởng lò nung chia sẻ: Từ khi Công ty đầu tư hệ thống lò nung công nghệ mới và áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng đã giảm áp lực, cường độ lao động của công nhân và không khí trong khu vực sản xuất bảo đảm thoáng mát, sạch sẽ và an toàn đối với sức khỏe, cho nên ai cũng phấn khởi, yên tâm làm việc lâu dài tại Công ty.

Trước thách thức cạnh tranh trên thị trường, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu đã tổ chức đánh giá, phân tích toàn diện thực trạng và định hướng phát triển, từ đó tập trung tìm ra mũi đột phá vượt qua khó khăn. Công ty đã chuyển đổi một phần từ sản xuất hàng sứ vệ sinh, sứ gia dụng phân khúc tầm trung sang sản xuất hàng cao cấp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Sự thay đổi đó đã giúp cho Công ty duy trì được thị trường nội địa và đưa được sản phẩm vào thị trường các nước: Brasil, Hàn Quốc, Myanmar và một số nước EU. Ông Bùi Văn Sơn cho biết thêm: Nhằm đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng trong nước, Công ty có chính sách quy định về giá, mục tiêu của chúng tôi hướng đến là người tiêu dùng sẽ tiếp cận được sản phẩm với giá thấp nhất mà Công ty muốn dành cho họ.

Cán đích ngoạn mục
Với giải pháp đúng đắn và triển khai kịp thời, Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu đã vượt qua được cuộc khủng hoảng thị trường, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập cho gần 600 lao động. Tổng sản lượng của Công ty năm 2019 đạt hơn 28,3 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 223,657 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra 105% và duy trì mức tăng trưởng 17% so với năm 2018; nộp ngân sách nhà nước gần 9,6 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2018. Ông Nguyễn Quốc Phòng, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Từ việc tiết giảm chi phí sản xuất đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, Công ty có điều kiện thuận lợi để chăm lo đời sống người lao động. Niềm vui lớn nhất là thu nhập bình quân của công nhân năm 2019 đạt 9 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2018.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa