Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay
Sau gần 1 thế kỷ tính từ năm 1929 trôi qua, bến phà Tân Đệ giờ đã được thay bằng cây cầu Tân Đệ, những người tham gia, chứng kiến sự kiện Đảng kỳ được treo trên đường dây điện thoại giữa sông Hồng năm ấy, giờ đều đã thành người thiên cổ. Tuy nhiên, trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Vũ Thư giai đoạn 1929 - 1975” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia (Hà Nội) xuất bản năm 2005 ghi lại khá chi tiết sự kiện này. Theo đó, ngày 31/7/1929, một số đảng viên ở Hội Khê (Thư Trì) đã bí mật treo cờ búa liềm mang dòng chữ “Đảng Cộng sản Đông Dương vạn tuế” trên 1 cây cao ở đầu thị xã Thái Bình (khu vực đường Lê Lợi, thành phố Thái Bình ngày nay), đây là sự kiện đánh dấu cờ Đảng lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Bình. Thời điểm đó, Tân Đệ là trung tâm huyện lỵ của huyện Thư Trì. Bến phà Tân Đệ là nơi thường xuyên đông đúc người qua lại. Chi bộ đảng Bình An (xã Hòa Bình) được giao nhiệm vụ treo cờ tại bến phà Tân Đệ. Chi bộ cử 4 đồng chí đảng viên chuẩn bị. Đến ngày mùng 6, rạng sáng ngày 7/11/1929, các đồng chí đảng viên táo bạo, tìm mọi cách treo bằng được lá cờ đỏ có hình búa liềm trên đường dây điện thoại ở đoạn giữa sông Hồng. Sau khi treo cờ, các đảng viên rải truyền đơn “Đông Dương cộng sản Đảng vạn tuế, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, ủng hộ Lênin và nước Nga Xô Viết”.
Sáng sớm ngày 7/11, bọn quan lại phong kiến ở huyện lỵ Thư Trì bàng hoàng trước lá cờ Đảng đỏ rực tung bay trong gió, ở vị trí mà chúng không thể nào ngờ tới. Quần chúng dừng lại xem rất đông. Trước tình hình đó, bọn quan lại huyện Thư Trì và Mỹ Lộc (Nam Định) đều đốc thúc binh lính ra canh gác hai bên bến phà và tìm cách hạ lá cờ xuống nhưng không thể làm nổi. Loay hoay không thể hạ cờ Đảng xuống, đến trưa ngày hôm sau, bọn chúng đành cho phà chở lính ra giữa sông bắn nát lá cờ. Như vậy, suốt một ngày rưỡi, nhân dân hai đầu bến phà kéo ra xem cờ đông như hội, nhiều người đi lại qua phà, đi thuyền bè ngược xuôi sông Hồng đều được xem cờ. Tin treo cờ đỏ hình búa liềm ở bến phà Tân Đệ lan rộng trong hai tỉnh Thái Bình, Nam Định và nhiều nơi trong nước. Vài ngày sau, bọn mật thám kéo về Bình An (xã Hòa Bình) điều tra vì chúng tình nghi việc treo cờ ở bến phà Tân Đệ là do cộng sản ở Bình An làm. Chúng đưa lính về bắt đi 30 người, giải về Sở Cẩm để tra hỏi. Không ai khai báo và không tìm được chứng cứ nên chúng giam giữ 7 ngày rồi phải tha. Sự hiện diện lá cờ đỏ búa liềm ở phà Tân Đệ làm nức lòng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng, mặt khác làm cho kẻ thù hoang mang, lục đục đổ lỗi cho nhau và dự báo phong trào cách mạng ở Thái Bình rất sôi nổi, mạnh mẽ. Nói về ý nghĩa sự kiện lá cờ Đảng xuất hiện, ngay sau đó đã có vần thơ (khuyết danh) ca ngợi:
Bến Tân Đệ vừng đông vừa trải
Trên đường dây điện thoại quá giang
Đảng kỳ một lá hiên ngang
In hình đáy nước, ánh loang bầu trời.
Bến phà Tân Đệ xưa. Ảnh tư liệu
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, địch đưa ca nô, tàu chiến dọc ven sông Hồng bắn phá, cướp bóc các làng xóm ven sông, trong đó có Tân Đệ. Những người lái đò ở bến phà Tân Đệ cùng với các bến đò khác thành lập Hội Vạn đò, thay nhau chở bộ đội, du kích của ta qua sông. Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lập giai đoạn 1930 - 2015” có ghi: Ngày 1/5/1949, để kỷ niệm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đội du kích của xã Tân Lập đã treo lá cờ Tổ quốc trên cột điện ở bến phà Tân Đệ. Đường điện qua sông đã bị du kích ta cắt phá, giữa 2 cột điện ở hai bờ sông chỉ còn sợi dây cáp lớn. Các đồng chí Thiệp, Duyệt, Giá trèo lên đỉnh cột điện, dùng 2 vòng sắt lồng vào dây cáp buộc cờ vào, nhờ luồng gió đẩy cờ ra giữa sông Hồng. Lính Pháp bên Nam Định phải sử dụng ca nô ra sông, mất nhiều tiếng đồng hồ mới bắn tan được lá cờ. Mấy ngày sau, đội du kích Tân Lập lại chèo đò sang cột điện bên kia sông, cắt dây cáp, thu về hàng tạ dây cáp nộp cho công binh tỉnh, được đổi về 1 khẩu súng, 50 quả mìn, 100 quả lựu đạn phục vụ kháng chiến tại xã.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bến phà Tân Đệ đã góp phần vận chuyển hàng vạn thanh niên Thái Bình lên đường tòng quân cứu nước, hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm ra mặt trận. Vì nền độc lập dân tộc, hàng vạn con em Thái Bình đã vĩnh viễn không trở lại bến phà Tân Đệ để về với gia đình. Giặc Mỹ sử dụng máy bay, ca nô oanh tạc, bắn phá ngày đêm bến phà Tân Đệ nhằm cắt đứt giao thương, liên lạc giữa Thái Bình, Nam Định.
Ông Trần Đình Tố, sinh năm 1946, thôn Tân Đệ, xã Tân Lập, một trong những bậc cao tuổi của thôn hiện còn minh mẫn chia sẻ: Nhà tôi xưa kia ở cạnh bến phà Tân Đệ, bố mẹ tôi bán hàng nước ở đây. Năm 1964 - 1965, tôi là thành viên Đội dân quân trực chiến bảo vệ bến phà. Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là ngày 14/7/1972, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá vào khu vực bến phà và làng Tân Đệ khiến anh rể tôi thiệt mạng, bố tôi bị 1 mảnh đạn vào tay, nhiều hộ chết 2 - 3 người trong trận này như gia đình cụ Phú, cụ Bổng, cụ Mười, cụ Cát…; nhà cụ Bổng bị giặc ném bom phá nát ngôi nhà. Những đợt Mỹ bắn phá ác liệt, các đoàn xe quân sự thường phải đi đêm, ca nô, thuyền được giấu ở bãi sông, có tín hiệu an toàn mới ra bến; khi phải dừng hoạt động của phà, dân ta bí mật sử dụng đò ngang, đò dọc để chở người dân, bộ đội qua sông.
Ông Trần Trọng Vượng, Bí thư Chi bộ thôn Tân Đệ cho biết: Giai đoạn sau chiến tranh, đất nước bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế và tiến hành sự nghiệp đổi mới, bến phà Tân Đệ thực sự có vai trò quan trọng trong việc thông thương phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu dân sinh của tỉnh Thái Bình, Nam Định. Bến phà luôn nhộn nhịp với những chuyến phà đông đúc, sôi nổi. Bến phà Tân Đệ xưa là nơi buôn bán, mưu sinh của hầu hết người dân làng Tân Đệ. Từ tháng 2/2002, cây cầu Tân Đệ được xây dựng thay thế cho bến phà và được đưa vào sử dụng đã giúp Thái Bình phá thế “ốc đảo”, kết nối với các địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Với sự quan tâm của huyện, thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu, dự kiến sẽ đầu tư xây dựng, khôi phục lại bến phà, bến đò Tân Đệ tại đúng vị trí bến phà Tân Đệ xưa, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ công trình mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương vừa phục vụ dự án phát triển tour du lịch đường sông, kết nối các tuyến sông Hồng, sông Trà Lý bao quanh huyện.
Gần 100 năm đã qua đi nhưng hình ảnh lá cờ Đảng hiên ngang tung bay trong gió cùng truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân ta ở bến phà Tân Đệ xưa vẫn được nhân dân ghi nhớ và lưu truyền.
Cầu Tân Đệ nối liền Thái Bình - Nam Định được xây dựng gần khu vực bến phà Tân Đệ xưa.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình