Thứ 3, 29/04/2025, 15:26[GMT+7]

Vẹn nguyên ký ức một thời

Thứ 3, 29/04/2025 | 10:00:46
466 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn hiện hữu trong tâm trí các cựu chiến binh xã Thăng Long (Đông Hưng). Đó là kỷ niệm về những trận đánh ác liệt, về tình đồng đội gắn bó keo sơn và cả những hy sinh, mất mát để làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Dù mái đầu đã bạc nhưng những người lính năm xưa vẫn giữ trọn trong tim niềm tự hào thiêng liêng về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Liêm giới thiệu với các cháu về những phần thưởng cao quý của mình.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Liêm, thôn An Liêm lại cùng các CCB tụ họp, ôn lại kỷ niệm xưa, bùi ngùi thương nhớ, tri ân những đồng đội đã anh dũng hy sinh để đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do. Bố ông mất sớm, là con trai duy nhất trong gia đình nhưng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông giấu mẹ viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau một thời gian tích cực huấn luyện, ông được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 201B, Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Tháng 7/1972, ông cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam. Trận đánh đầu tiên của ông và đơn vị là thị xã Phước Long. 

Do hỏa lực của địch mạnh, trận chiến diễn ra rất ác liệt, có lúc rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đã có đồng đội hy sinh, ông Liêm nhanh trí, quyết đoán đưa ra mệnh lệnh biến nguy thành cơ hội phản đòn, giành thắng lợi hoàn toàn. Ông bồi hồi nhớ lại: Mũi tấn công do tôi chỉ huy có 3 xe tăng thì 1 xe hết đạn, 1 xe bị kẹt pháo, xe còn lại chỉ còn 3 quả đạn, tôi đã gọi xin chi viện song thấy đây là điều kiện tốt, nếu đợi lực lượng tiếp viện sẽ lỡ mất thời cơ, vì thế sau khi động viên đồng đội, tôi đã hạ lệnh: “Còn người, còn xe, một xe cũng tấn công”. 

Chiếc xe tăng của ta hùng dũng tiến vào trung tâm thị xã Phước Long, dù bị địch bao vây, trên nóc xe lại có một tên địch đang muốn ném lựu đạn vào trong để tiêu diệt quân ta, tôi động viên anh em bình tĩnh, sẵn sàng súng và lựu đạn, thấy phía trước có ngã tư tôi liền lệnh cho xe tiếp tục tiến, chờ địch chủ quan tôi lệnh cho xe quay đầu đột ngột hất văng tên địch trên nóc xe xuống đất, đồng đội bên trong bắn ra làm địch sợ chạy tán loạn. Khi được tăng cường lực lượng, quân ta triển khai tấn công mạnh mẽ, đến ngày 6/1/1975 thị xã Phước Long hoàn toàn được giải phóng. Trên hành trình tiến về Sài Gòn, mỗi chiến sĩ ngã xuống lại tiếp thêm cho ông Liêm và đồng đội ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vì thế ngay cả khi bị thương ở tay, ở đầu, máu chảy nhiều ông vẫn nén đau ở lại chỉ huy đồng đội chiến đấu, góp phần đánh thắng địch trên các mặt trận Lâm Đồng, Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, sân bay Biên Hòa... 

Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, CCB Nguyễn Xuân Liêm vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều huân chương các loại. 

Cựu chiến binh Phạm Huỳnh (người bên trái) ôn lại ký ức về những ngày trong quân ngũ.

* Khi nhắc về một thời khói lửa, những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, CCB Phạm Huỳnh (thôn Cộng Hòa), nguyên Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5 không khỏi rưng rưng. Những trận đánh, vùng đất và kỷ niệm thời lính với không ít chiến công song cũng nhiều đau thương là những ký ức không thể nào quên. 

Bên chén trà nóng, người lính già tâm sự: Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tôi rất hãnh diện, tròn 18 tuổi tôi lên đường nhập ngũ, đem tất cả sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng. Tôi đã tham gia 14 trận chiến, trong đó có một số trận cam go, ác liệt, sâu sắc nhất. Sân bay Khâm Đức (Quảng Nam) có vị trí quân sự quan trọng, trận này có 17 chiến sĩ đặc công chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 80 tên địch nhưng khi rút quân thì bị địch phục kích 16 người hy sinh. Trong trận đánh căn cứ quân sự và chi khu quận lỵ Đăk Pét, sau hơn 4 giờ chiến đấu ác liệt, đến 11h ngày 16/5/1974 toàn bộ quân địch ở Đăk Pét đều bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Chiến thắng chi khu quận lỵ Đăk Pét đã giải phóng 3.000 dân trong 8 xã, 10 ấp chiến lược khỏi ách kìm kẹp của địch, khai thông tuyến đường chiến lược Đông Trường Sơn để ta đẩy mạnh vận chuyển phục vụ chiến đấu và chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Sau đó chúng tôi tiếp tục lĩnh trách nhiệm tấn công vào các vùng trọng yếu của địch rồi chốt giữ, giúp bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tiến vào giải phóng tỉnh Quảng Ngãi. Trong một lần bị địch phục kích, tôi và 2 chiến sĩ bị thương nặng, được đưa về tuyến sau điều trị. Vết thương chưa lành hẳn tôi đã xin trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu với nhiều trận đánh lớn, có tính quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh... Chiến tranh rất ác liệt. Chiến sĩ ta hy sinh nhiều nhưng không ai chùn bước, vẫn “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Với tinh thần chiến đấu hăng hái, ngoan cường, từng hướng, ngả đường đều thấy các cánh quân của ta, người xe liên tục tiến vào dinh Độc Lập. Thời điểm đó, nghe tin chiến thắng, cả đơn vị mừng vui khó tả. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh em chiến sĩ ta hò reo, ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. 

Ở xã Thăng Long, ngoài ông Liêm và ông Huỳnh còn hơn 40 người từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trên chiến trường, họ chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công góp phần để non sông vang khúc khải hoàn. Trở về cuộc sống đời thường, những người lính cựu không bao giờ quên đồng đội đã ngã xuống. Họ luôn sống trong những ký ức cao đẹp về một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước, tiếp tục giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp sức xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác Hồ hằng mong.

Các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh của xã Thăng Long ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng của quân và dân ta.

Hiếu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày