Thứ 4, 22/01/2025, 07:31[GMT+7]

Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Thứ 6, 15/12/2023 | 17:48:05
17,052 lượt xem
Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986), tên khai sinh là Hoàng Văn Xiêm, quê xã Tây An, nay thuộc thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), là người có công lao lớn và có ảnh hưởng lớn trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Ông chính là người cầm lá cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ).

Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Hoàng Văn Thái là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐNDVN, từng tham gia xây dựng kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn của QĐNDVN từ khi thành lập (năm 1944) đến khi ông qua đời vào giữa năm 1986. Ông cũng từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đại biểu Quốc hội khóa VII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, IV, V và từng được tôn vinh là vị tướng tài năng, đức độ, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Thuở nhỏ, Hoàng Văn Xiêm là cậu bé thông minh, ham học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp bằng tiểu học Pháp Việt loại ưu vào năm 13 tuổi đã phải bỏ học đi làm thuê rồi làm thợ cắt tóc. Năm 18 tuổi, đi làm phu thợ mỏ ở mỏ than Hồng Gai (Quảng Ninh) và mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Vì tham gia các hoạt động bãi công nên bị đuổi việc và trở về quê vào năm 1936. Mấy năm ở quê, với sự hướng dẫn hoạt động của một cán bộ cộng sản, Hoàng Văn Xiêm đã hăng hái vận động các thanh niên trong làng thành lập Đoàn Thanh niên Dân chủ, tổ chức các hội ở địa phương như: hội hiếu, hội tương tế, hội đá bóng, hội nhạc âm, hội đọc báo... Từ hoạt động của mỗi hội, ông cùng các bạn bí mật rải truyền đơn, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu bắt lính, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Do những hoạt động tích cực của mình, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1938.

Tháng 4/1938, chính phủ Mặt trận bình dân (Pháp) đổ. Chính quyền thực dân Pháp đàn áp phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Hoàng Văn Xiêm phải rút vào hoạt động bí mật. Đến tháng 9/1940, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giải về phủ Kiến Xương giam giữ. Lợi dụng việc bảo lãnh tại ngoại chờ ngày xét xử, ông được tổ chức bố trí bí mật thoát ly khỏi địa phương, rút về hoạt động ở vùng Hiệp Hòa, Lạng Giang (Bắc Giang). Tại đây, Hoàng Văn Xiêm được bố trí tham dự lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày rồi được cử lên Bắc Sơn (Lạng Sơn) để chỉ huy một tiểu đội du kích Bắc Sơn. Tháng 9/1941, ông được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu, Trung Quốc và được phân công làm trưởng đoàn học viên Việt Nam tại trường này với bí danh Quốc Bình. Cuối năm 1943, ông đã trực tiếp gặp nhà cách mạng Hồ Chí Minh, bấy giờ mới vừa được Tưởng Giới Thạch trả lại tự do. Cuối tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam. Sau đó một tháng, Hoàng Văn Xiêm cũng về nước với bí danh mới là Hoàng Văn Thái.

Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, với 34 đội viên, trong đó có Hoàng Văn Thái. Ông được phân công phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Tại buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ ngày 22/12/1944, ông là người cầm lá cờ mà sau này trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam mới. Trong trận đánh đầu tiên của đội VNTTGPQ tiêu diệt đồn Nà Ngần, ông là người cắm cờ sau chiến thắng. Tháng 4/1945, hội nghị quân sự Bắc Kỳ quyết định sáp nhập VNTTGPQ, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thành Việt Nam giải phóng quân (VNGPQ), đồng thời cho thành lập Trường Quân chính kháng Nhật. Hoàng Văn Thái được phân công làm hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Để chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, ngày 13/8/1945, Hoàng Văn Thái chỉ huy một số đơn vị giải phóng quân hỗ trợ Việt Minh giành chính quyền tại tỉnh lỵ Tuyên Quang, sau đó tiến về Hà Nội tham gia công tác giữ gìn an ninh cho buổi lễ Độc lập ngày 2/9/1945.

Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng. Với chỉ thị này, trên thực tế, Hoàng Văn Thái đã trở thành vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐNDVN khi chỉ với 30 tuổi, tuy đến ngày 2/3/1946, chức vụ Tổng Tham mưu trưởng của ông mới chính thức được Quốc hội phê chuẩn.

Ngày 20/1/1948, Hoàng Văn Thái được phong hàm Thiếu tướng, trở thành một trong số những vị tướng đầu tiên của QĐNDVN. Với cương vị là Tổng Tham mưu trưởng, Hoàng Văn Thái đã trực tiếp làm Tham mưu trưởng toàn bộ các chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi ông nhận nhiệm vụ làm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ thì Thiếu tướng Văn Tiến Dũng thay ông giữ chức Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN và ông làm Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Sau khi tiếp quản miền Bắc, Hoàng Văn Thái là một trong những người quan trọng nhất quyết định công tác tái tổ chức quân đội chính quy. Ngày 10/4/1958, ông được bổ nhiệm kiêm chức Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn. Ngày 31/8/1959, ông được thăng quân hàm Trung tướng. Năm 1960, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III và kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao đầu tiên của Chính phủ. Năm 1961, ông được cử đi học ở Học viện quân sự cấp cao Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tháng 3/1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng mở đầu chiến lược chiến tranh cục bộ với sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Bộ Tổng Tư lệnh QĐNDVN quyết định cử một trong những cán bộ cao cấp nhất để nắm giữ địa bàn sát cận giới tuyến là Quân khu V. Tháng 8/1966, Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V. Năm 1967, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh quyết định cử ông vào Nam giữ chức Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy miền, kiêm Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam với bí danh Mười Khang. Trong thời kỳ này, Hoàng Văn Thái là Tư lệnh các chiến dịch: Lộc Ninh (27/10 - 10/12/1967), Tết Mậu Thân (30 - 31/1/1968), Tây Ninh (17/8 - 28/9/1968), xuân hè 1972, là người chỉ huy chính và trực tiếp tại chiến trường miền Nam trong toàn bộ thời gian quân đội Mỹ tham chiến.

Sau khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, tháng 1/1974, Hoàng Văn Thái được điều động ra Bắc nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Về thực tế, ông đã đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng thay cho Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường. Tháng 4 cùng năm, ông được thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 1976, được giao kiêm nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Năm 1980, Hoàng Văn Thái được phong hàm Đại tướng, được phân công công tác chỉ đạo tổng kết chiến tranh, chỉ đạo công tác nhà trường quân đội và công tác tổ chức cán bộ. Giai đoạn này ông đã tập trung nghiên cứu và hoàn thành nhiều tác phẩm, tài liệu có giá trị về quá trình xây dựng và phát triển của QĐNDVN.

Vào 5 giờ 7 phút sáng ngày 2/7/1986, Đại tướng Hoàng Văn Thái đột ngột qua đời sau một cơn đau tim đột ngột tại Quân y viện 108, để lại lòng tiếc thương vô hạn với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Với những cống hiến của mình, Hoàng Văn Thái được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tướng lĩnh đương thời đánh giá cao. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về tướng Hoàng Văn Thái: “Ông là vị tướng trận mạc, sống nhân hậu, tình nghĩa được Quân đội ta và nhân dân ta mến phục”. 

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Đại tướng Hoàng Văn Thái là vị tướng trận mạc đã trải qua thực tiễn hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Hoàng Văn Thái đã trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc; là người tổ chức, chỉ huy đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu - cơ quan chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng đáng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: “Đại tướng Hoàng Văn Thái là một người cán bộ, lãnh đạo ưu tú của Đảng ta, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đức độ và tài năng”.

Cho đến nay, hầu khắp các thành phố lớn ở Việt Nam đã có những đường phố mang tên Hoàng Văn Thái. Tại huyện Tiền Hải, quê hương ông đã có Trường THPT Hoàng Văn Thái, tại thửa đất nơi ông sinh ra đã được xây dựng Khu tưởng niệm Đại tướng Hoàng Văn Thái với diện tích 2.055,4m2. Tuy quy mô xây dựng các hạng mục của công trình này còn khá khiêm tốn nhưng cũng đã thể hiện được sự tôn vinh và lòng tự hào của người dân Thái Bình với một người con ưu tú của quê hương.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)