Thứ 3, 30/04/2024, 15:33[GMT+7]

Gắn kết hai vùng quê danh tướng

Thứ 4, 03/04/2024 | 10:07:16
6,498 lượt xem
Xã Phượng Lâu (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - hai vùng đất ven sông màu mỡ, nơi cư dân sinh sống lâu đời, văn hóa nông nghiệp hình thành sớm....; cách đây ngàn năm lịch sử từng là chiến tuyến mà Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương giương cao ngọn cờ cùng Hai Bà Trưng khởi nghĩa.Trải qua dâu bể thời gian, sự đồng điệu - nhất quán trong văn hóa, lịch sử đã trở thành “điểm tựa” quan trọng, gắn kết bền chặt giữa hai vùng quê, chung sức gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc, tạo động lực, sức mạnh đưa quê hương ngày càng phát triển.

Đền Bát Nàn, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì thờ nữ tướng Vũ Thị Thục Nương.

Miền quê vị danh tướng

Truyền thuyết kể rằng vào thời Hùng Vương dựng nước, đất Thượng Lầu (nay là xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) - nơi có dòng Lô Giang quanh năm xanh mát đã sinh cho dân tộc một vị tướng quân quả cảm, nổi danh trong trang sử hào hùng thuở đầu Công nguyên - Bát Nàn Đại tướng quân.

Sinh thời, Bát Nàn Đại tướng quân tên Vũ Thị Thục Nương, là người có nhan sắc, đoan trang, văn võ song toàn, được dân làng tôn là “Nữ tiên hạ thế”. Năm 18 tuổi, bà bị Tô Định (viên quan cai quản nước ta thời phong kiến phương Bắc đô hộ) ép làm vợ. Vì bà cự tuyệt, Tô Định nổi giận tàn sát gia đình bà và phá bỏ trại Thượng Lầu. Thục Nương được người làng che chở, xuống thuyền xuôi dòng sông Hồng đến Tiên La (nay là xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Tại đây, bà lập căn cứ, dựng cờ chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng kháng chiến. Khi Hai Bà Trưng cho người về khuyến dụ Thục Nương hợp sức chống lại kẻ thù, bà kéo quân về Mê Linh phối hợp với Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Sau cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Hán, Thục Nương được Hai Bà Trưng phong làm Bát Nàn Đại tướng quân. Đất nước thái bình không lâu, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm, Hai Bà Trưng cùng các tướng sĩ đã chiến đấu quyết liệt và hy sinh. Bát Nàn Đại tướng quân cùng một số nghĩa binh mở đường máu về trú ngụ tại chùa Tiên La. Quân địch lùng tìm tới tận nơi, sau khi chiến đấu anh dũng, bà rút gươm tuẫn tiết tại gò Kim Quy. Ghi nhớ công lao của bà, dân làng Tiên La, Thượng Lầu đã lập đền thờ, mở hội hằng năm để các thế hệ cháu con tri ân công đức, tưởng nhớ vị nữ tướng anh hùng tiên liệt.

Lễ hội Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà) - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo lời kể của các bậc cao niên làng Phượng Lâu, thần tích về Bát Nàn Đại tướng quân vốn là truyền thuyết truyền khẩu trong dân gian, nhiều địa phương trong cả nước lập đền thờ bà khiến nội dung thần tích về vị danh tướng này cũng xuất hiện nhiều “dị bản” không trùng khớp. Trải qua dâu bể thời gian, từ sự kiểm chứng, đối chiếu ngọc phả qua các triều đại Việt Nam còn lưu giữ, xã Phượng Lâu và xã Đoan Hùng (hai địa phương có khoảng cách địa lý cả trăm cây số), vậy nhưng từ thuở đầu Công nguyên, giao thông còn nhiều trắc trở, phương tiện di chuyển thô sơ... lại có sự trùng khớp gần như tuyệt đối về thần tích Bát Nàn Đại tướng quân. 

Ông Vũ Xuân Thắng - Ban Quản lý Đền Tiên La (xã Đoan Hùng) một trong những ngôi đền lâu đời nhất Thái Bình, thờ Đại tướng quan Bát Nàn cho biết: “Đền Tiên La hiện còn lưu giữ bản ngọc phả chữ Hán do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào thời vua Lê Anh Tông, ghi chép rõ tên họ, tuổi tác, ngày giờ sinh - giỗ, vai trò và công đức về Bát Nàn Đại tướng quân. Năm 1996, Đền Tiên La trùng tu, với mong muốn tìm về quê hương Bát Nàn Đại tướng quân sinh ra và lớn lên, tri ân công đức của ngài tại quê nhà. Dựa theo ngọc phả Đền Tiên La và những thông tin trùng khớp trong các tài liệu còn lưu giữ được tại Đền Bát Nàn (thôn Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì), chúng tôi xác định được Phượng Lâu là quê hương của ngài. Kể từ đó, mỗi năm vào dịp ngày sinh của Bát Nàn Đại tướng quân (17 tháng 3 âm lịch) theo thông lệ, chúng tôi sắm sửa lễ vật, ngược về xã Phượng Lâu tri ân công đức của bà tại quê nhà...”.

Chung niềm tự hào lớn lao về vị danh tướng thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai địa phương vốn cách trở về địa lý, khác biệt trong văn hóa lại được gắn kết bởi mối lương duyên đặc biệt - miền quê hương Bát Nàn Đại tướng quân.

Tiếp nối “lương duyên” tiền nhân

Trải qua thăng trầm thời gian, Phượng Lâu - Đoan Hùng bước vào thời kỳ dựng xây, phát triển, dấu ấn hai miền quê vị danh tướng anh hùng thời Hai Bà Trưng vẫn luôn được nhân dân hai địa phương gìn giữ, phát huy và lan tỏa đậm nét trong đời sống.

Theo đó, tại xã Phượng Lâu, Đền Bát Nàn thờ nữ tướng Vũ Thị Thục Nương là ngôi đền có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Phượng Lâu; đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh năm 2009; vào các ngày 18/3 và 15/8 (âm lịch) hằng năm, nhân dân xã Phượng Lâu tổ chức tế lễ tri ân công đức Bát Nàn Đại tướng quân với các nghi lễ truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cộng đồng cư dân vùng ven sông Lô. 

Tại xã Đoan Hùng, Đền Tiên La thờ Bát Nàn Đại tướng quân được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1986; Lễ hội Tiên La - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được công nhận năm 2016, tổ chức từ ngày 10 – 18/3 (âm lịch) với nhiều hoạt động tín ngưỡng độc đáo đã trở thành một trong những lễ hội đặc sắc của tỉnh Thái Bình. Hằng năm hoạt động hành hương về hai miền quê của Bát Nàn Đại tướng quân cũng được nhân nhân hai địa phương duy trì tổ chức vào các dịp ý nghĩa như ngày sinh và ngày mất của bà...

Lãnh đạo huyện Hưng Hà cùng người dân xã Đoan Hùng về tri ân công đức Bát Nàn Đạt tướng quân tại Đền Bát Nàn, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì.

Phát huy mối lương duyên thuở mở cõi, giai đoạn 2010 - 2015, Phượng Lâu và Đoan Hùng đã tổ chức kết nghĩa địa phương, tạo tiền đề xây dựng mối quan hệ gắn kết con dân hai miền quê danh tướng thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, cùng nhau gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, đoàn kết chung sức phát triển quê hương trong thời kỳ đổi mới. 

Đồng chí Bùi Văn Hương – Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu cho biết: “Hằng năm, ngoài các hoạt động dâng hương, tri ân công đức Bát Nàn Đại tướng quân tại Phượng Lâu và Đoan Hùng, các chương trình gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, thể thao vào các dịp lễ hội lớn cũng được tổ chức thường xuyên tạo điều kiện cho nhân dân hai địa phương giao thoa văn hóa, bản sắc. Hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế cũng được lãnh đạo hai địa phương thực hiện hiệu quả; từ mối lương duyên ngàn năm lịch sử, truyền thống cách mạng gắn với thi đua yêu nước của hai địa phương cũng được phát huy cao độ, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển; tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt, dài lâu hướng tới tương lai...”.

Đoàn đại biểu huyện Hưng Hà tham quan văn bia độc đáo tại tại Đền Bát Nàn, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì.

Dấu ấn lịch sử là niềm tự hào và cũng là “sợi dây” bền chặt góp phần trao truyền tinh thần, cách sống đẹp, để thế hệ mai sau tiếp nối những dặn dò của tiền nhân trong hành trình dựng xây quê hương, đất nước. Phượng Lâu - Đoan Hùng, hai miền quê chung một mạch nguồn lịch sử đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo sức mạnh đoàn kết đưa những quê hương lịch sử phát triển từng ngày, xứng đáng với những công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân.

Đồng Niên

(Tỉnh Phú Thọ)