Thứ 6, 22/11/2024, 17:32[GMT+7]

Hỗ trợ sinh kế - bước đệm để người dân An Bình thoát nghèo

Thứ 2, 06/03/2017 | 15:32:17
1,160 lượt xem
Năm 2016, toàn xã An Bình có 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người khuyết tật được hỗ trợ lợn giống với tổng số tiền 30 triệu đồng. Ðến nay, hầu hết lợn giống của các gia đình đã sinh sản và mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Niềm vui của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ lợn giống.

Là một trong những địa bàn khó khăn của huyện Kiến Xương, những năm qua, người dân nghèo xã An Bình luôn nhận được sự quan tâm của các tổ chức chính trị - xã hội để phát triển kinh tế. Một trong những hoạt động mang lại ý nghĩa là hình thức hỗ trợ sinh kế, nhờ đó nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Huân, thôn Bình Trật Bắc thuộc diện hộ nghèo của xã, bản thân anh bị khuyết tật từ nhỏ, sức khỏe của hai vợ chồng anh đều yếu, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Mọi sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, muốn chăn nuôi lại không có vốn. Năm 2016, thông qua Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, gia đình anh được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thái Bình hỗ trợ lợn giống để phát triển kinh tế. Sau một thời gian, lợn giống đã sinh sản, gia đình anh thu về hơn 4 triệu đồng.

Anh Huân tâm sự: Ðược các tổ chức hỗ trợ lợn giống tuy trị giá không lớn nhưng là bước đệm quan trọng đối với gia đình để phát triển kinh tế. Trong một năm, gia đình tôi sẽ bán được 2 lứa lợn, trừ chi phí thu về vài triệu đồng giúp chúng tôi bớt khó khăn để từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cùng chung niềm vui với gia đình anh Huân, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Quý, thôn Bằng Trạch cũng có hoàn cảnh rất khó khăn, chị bị bệnh tim, anh bị tai nạn lao động không làm được việc nặng, qua rà soát gia đình chị được hỗ trợ lợn giống. Ðến nay, lợn giống đã sinh sản và chuẩn bị xuất chuồng. Vui mừng, phấn khởi, chị cho biết: Với giá hơn 500.000 đồng/đầu lợn như hiện nay, trừ chi phí gia đình tôi cũng lãi được vài triệu đồng. Số tiền này giúp vợ chồng tôi có khoản vốn nho nhỏ để tiếp tục mở rộng chăn nuôi. Nếu không có sự giúp đỡ này, vợ chồng tôi không biết xoay xở đâu ra tiền vốn để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Huân, chị Quý chỉ là hai trong nhiều gia đình ở An Bình được hỗ trợ lợn giống từ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh. Năm 2016, toàn xã có 20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người khuyết tật được hỗ trợ lợn giống với tổng số tiền 30 triệu đồng. Ðến nay, hầu hết lợn giống của các gia đình đã sinh sản và mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài hỗ trợ lợn giống, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh còn hỗ trợ bò giống để các hộ khó khăn phát triển sản xuất.

Ông Ðỗ Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: So với các địa phương khác trong huyện, An Bình là xã nội đồng, không có nghề phụ, lại xa trung tâm huyện nên hoạt động giao thương không thuận lợi, nguồn thu của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Thông qua hình thức hỗ trợ sinh kế sẽ giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cùng với hỗ trợ sinh kế, thông qua các đoàn thể của xã như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh…, hàng năm, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Nhài, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục cho 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. Nếu tính cả số hộ vay vốn ngân hàng thông qua các kênh để phát triển kinh tế, vay vốn sinh viên, dư nợ lên đến trên 10 tỷ đồng. Các nguồn vốn cho vay đều sử dụng đúng mục đích đã mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho các gia đình. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã từng bước giảm qua các năm. Năm 2010, số hộ nghèo của xã 134 hộ, hộ cận nghèo 150 hộ, đến năm 2015 giảm xuống còn 87 hộ nghèo, 117 hộ cận nghèo.

Những kết quả bước đầu từ chương trình hỗ trợ sinh kế là bước đệm quan trọng giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Cường