Thứ 7, 23/11/2024, 05:49[GMT+7]

Triển vọng sáng cho nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình

Thứ 2, 06/03/2017 | 17:13:38
4,084 lượt xem
Là dự án công nghệ cao đầu tiên trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh, khi đi vào hoạt động, dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao sẽ giúp xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ hữu cơ trong sản xuất rau, củ, quả và lúa chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, cung ứng ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và từng bước xuất khẩu đồng thời góp phần

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất nông nghiệp theo lối cũ bằng tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp hoàn toàn mới, hiệu quả cao, phát triển bền vững trên mảnh đất Thái Bình.

Ngày 19/1/2017, UBND tỉnh và Tập đoàn TH đã có buổi làm việc bàn về hợp tác thu hút đầu tư và triển khai một số dự án đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, sau khi nghe bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đề xuất phương hướng hợp tác của TH với tỉnh trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao và một số nội dung khác, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi để TH đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trước mắt tỉnh sẽ bàn giao ngay gần 30ha cho Tập đoàn thuê. Và chỉ hơn một tháng sau buổi làm việc đó, dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 3.000ha - dự án công nghệ cao đầu tiên trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh đã được UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn TH khởi công. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao và định hướng đầu tư của doanh nghiệp đã “gặp nhau”, cùng với các dự án khác (đã và sẽ được triển khai) hứa hẹn triển vọng sáng với nhiều đột phá cho nông nghiệp Thái Bình thời gian tới, qua đó góp phần tái cơ cấu nông nghiệp thành công, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Đồng thời, đây còn là sự cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2017 đã được UBND tỉnh xác định, đó là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư.

Chuẩn bị tốt điều kiện, sẵn sàng đón doanh nghiệp vào đầu tư

Việc dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao được khởi công chỉ sau hơn một tháng sau buổi làm việc giữa UBND tỉnh và Tập đoàn TH còn là minh chứng khẳng định cam kết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh: Luôn chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo đúng quy định của Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất để Tập đoàn TH nói riêng, các doanh nghiệp nói chung vào đầu tư lâu dài, hiệu quả tại địa phương.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh xác định quan điểm: thu hút và phát triển doanh nghiệp là đột phá cho tái cơ cấu ngành và giải quyết lao động nông thôn, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển chuỗi giá trị. Vì vậy, việc thiết lập môi trường đầu tư thuận lợi, chuẩn bị tốt điều kiện, chủ động nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đón doanh nghiệp vào đầu tư là việc làm cần thiết. Để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, những năm qua, quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa ở toàn bộ các xã, thị trấn, khắc phục một phần tình trạng nhỏ lẻ, phân tán trên các thửa ruộng của mỗi gia đình. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp. Cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào xây dựng cánh đồng lớn được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay đã có trên 70% kênh mương cấp I và giao thông trục chính nội đồng được kiên cố; 100% khâu làm đất, 70% khâu thu hoạch được thực hiện bằng cơ giới; xây dựng, phát triển được gần 270 cánh đồng lớn với diện tích hơn 12.000ha cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại; năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh trong khu vực, góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá, phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhìn chung vẫn mang đậm tính truyền thống: quy mô sản xuất nhỏ lẻ; diện tích canh tác manh mún; đầu ra cho nông sản hết sức khó khăn; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất còn khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giá trị của nông sản…

Trong chuyến về thăm và làm việc tại Thái Bình tháng 8/2016, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh: “Đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 héc-ta đất nông nghiệp của Thái Bình phải đạt từ 400 - 500 triệu đồng. Mục tiêu này phải chú ý phấn đấu quyết liệt mới thành công, phải phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã tại nông thôn. 5 năm tới, phải nâng gấp 3 lần số doanh nghiệp của tỉnh”. Muốn vậy, công tác xúc tiến thương mại, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ.

Để khắc phục hạn chế và hiện thực hóa mục tiêu đạt giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha đất nông nghiệp như chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là hướng đi tất yếu trên lộ trình hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược cùng 3 giải pháp trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp đồng thời đẩy mạnh tích tụ đất đai theo hình thức vận động người dân ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên, giá thuê tương ứng với địa tô chênh lệch ở mỗi vùng sinh thái; sau 5 năm điều chỉnh giá thuê một lần, mỗi lần chênh lệch không quá 5% đơn giá hiện hành (trước mắt, năm 2017 mỗi huyện chủ động quy hoạch quỹ đất với diện tích từ 500 - 1.000ha để thu hút doanh nghiệp đầu tư). Bằng cơ chế này, đến nay toàn tỉnh đã vận động tích tụ được hơn 5.000ha đất nông nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Khi đi vào hoạt động, dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao sẽ giúp xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ hữu cơ trong sản xuất rau, củ, quả và lúa chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, cung ứng ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn...

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nhiệm vụ này cần được tiếp tục tập trung thực hiện tốt như chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung triển khai thực hiện thật tốt cơ chế tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân để mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất Đảng, Nhà nước sửa đổi một số điều của Luật Đất đai và các luật liên quan theo hướng mở rộng hạn điền; ban hành các quy định, cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi để tăng cường tích tụ đất đai, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.

Phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước

Cả trong hiện tại và tương lai, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, nhất là đối với một tỉnh nông nghiệp như Thái Bình.

Tại lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao do UBND tỉnh phối hợp với Tập đoàn TH tổ chức sáng ngày 24/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, để thực hiện những yêu cầu này, mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình mới, quy mô lớn mà trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là động lực cho sự phát triển. Khi đó, hộ gia đình là những thành viên tham gia vào quá trình sản xuất của nhà đầu tư. Đồng thời, phải đẩy mạnh các hình thức kinh tế hợp tác xã để giữ vai trò kết nối các hộ nông dân, từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá cao việc Tập đoàn TH đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình, Phó Thủ tướng cho rằng đây là tiền đề quan trọng để tỉnh phát huy kinh nghiệm, truyền thống sẵn có, vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Hồng mà còn của cả nước.

Phó Thủ tướng đề nghị, trước hết, tỉnh phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm. Xác định rõ những ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực để huy động nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, phải gắn quy hoạch với tái cấu trúc các sản phẩm, các ngành, lĩnh vực, trong đó đặc biệt là tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, một lợi thế rất lớn của địa phương. Tỉnh phải tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng; chủ động được quỹ đất cho đầu tư phát triển, trong đó cần chủ động tuyên truyền, thuyết phục bà con nông dân tập trung ruộng đất, hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư, tham gia vào các hợp tác xã nhằm phát triển sản xuất.

Nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chủ động mời gọi các nhà đầu tư cũng được Phó Thủ tướng lưu ý. “Phải coi người đến đầu tư tại Thái Bình là công dân của Thái Bình, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân được đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời đề nghị song song với phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân để họ tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó là bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm ổn định xã hội. Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành tích cực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn để phát triển nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao.

*

* *

Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và lúa chất lượng cao được triển khai thực hiện đã khẳng định chủ trương nhất quán và quyết tâm chính trị rất cao của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh về đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và phát triển bền vững, tạo chuyển biến rõ nét về tốc độ và chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thái Bình. Doanh nghiệp nhận rõ tiềm năng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Điều kiện để sẵn sàng đón doanh nghiệp vào đầu tư cũng đã được chuẩn bị. Về phía người nông dân Thái Bình, ngay từ lúc này, mỗi người cần chủ động thay đổi tư duy sản xuất, điều chỉnh tác phong làm việc, nâng cao kiến thức chuyên môn, chuẩn bị cho mình tư thế sẵn sàng tham gia vào quá trình sản xuất của nhà đầu tư với tư cách một thành viên. Vấn đề này cũng đã được tỉnh xác định, đó là sẽ tập trung đào tạo nhân lực quản trị, nhân lực có kỹ thuật cao phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

 

 
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH


 Toàn bộ diện tích đất của dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho một lao động tham gia sản xuất tại các dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn. Điểm nhấn mới của dự án là kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái, văn hóa, làng nghề trên nền tảng bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, bản sắc truyền thống của dân tộc đồng thời góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội  nói chung phát triển.
 
 Ông Phạm Văn Dụng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao là nhu cầu tất yếu, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại. Việc này đối với nông nghiệp Thái Bình càng cần thiết hơn bởi tỉnh Thái Bình giàu tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp song cũng còn những hạn chế như diện tích đất manh mún, canh tác nhỏ lẻ, đầu ra nông sản khó khăn. Tỉnh Thái Bình chủ trương chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 giải pháp trọng tâm. Việc thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực như Tập đoàn TH đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ là hạt nhân quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
 
Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Trà Đạo, xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư)
 
Ban đầu nghe chủ trương tích tụ ruộng đất, người dân vẫn chưa tin tưởng nhưng sau này khi kế hoạch được doanh nghiệp triển khai thì nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Dự án được triển khai tại địa phương không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân mà còn cho cả cộng đồng. Có đất trong tay nhưng bản thân nông dân chúng tôi không có khoa học kỹ thuật nên không làm ra được sản phẩm có giá trị cao. Khi doanh nghiệp về đầu tư công nghệ, một sào ruộng nông dân có thể làm ra nhiều sản phẩm, nhờ đó tăng thêm thu nhập. Rất mong muốn Nhà nước cùng doanh nghiệp giúp nông dân chúng tôi nắm bắt được cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản xuất.


Hương Giang