Thứ 7, 21/12/2024, 23:22[GMT+7]

Tiền Hải phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Thứ 5, 09/03/2017 | 08:39:47
2,387 lượt xem
Thời gian qua, huyện Tiền Hải đã triển khai, thực hiện tốt các chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra.

Dây chuyền sản xuất gạch men của nhà máy Viglacera Thái Bình (khu công nghiệp Tiền Hải).

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển nghề thủ công của huyện Tiền Hải, Doanh nghiệp mây tre đan xuất khẩu Tây An đã có những bước đi vững chắc, sản phẩm của Doanh nghiệp được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Để có sự thành công đó, Doanh nghiệp luôn xác định nếu không tự đổi mới và làm ra những sản phẩm tốt hơn để cạnh tranh, sẽ mất chỗ đứng trên thị trường. Do đó, Doanh nghiệp đã lựa chọn nguồn nguyên liệu có chất lượng; mạnh dạn nghiên cứu, đổi mới các mẫu mã phù hợp với từng thị trường; từng bước nâng cao tay nghề cho người lao động. Hàng năm Doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Thời gian qua, Công ty TNHH Sứ Đông Lâm đã có bước phát triển vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh. Việc đầu tư 2 dây chuyền công nghệ tráng men được coi là hiện đại nhất hiện nay vào sản xuất đã góp phần tạo nên hệ thống sản xuất đồng bộ, tăng năng suất, sản phẩm có chất lượng cao. Nhờ vậy, các sản phẩm sứ dân dụng, sứ vệ sinh của Công ty có chỗ đứng ổn định tại Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Pháp, đồng thời tạo việc làm cho 450 lao động, thu nhập bình quân đạt 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển nghề may tại các địa phương ở Tiền Hải.

Ông Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Công Thương huyện Tiền Hải cho biết: Các ngành chuyên môn của huyện Tiền Hải đã thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, có hướng đầu tư phù hợp. Ngoài ra, thường xuyên nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ. Có thể nói phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tiền Hải năm qua có nhiều khởi sắc. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; hạ tầng giao thông tại các khu, cụm công nghiệp được nâng cấp. 

Năm 2016, huyện Tiền Hải là một trong những địa phương thu hút được nhiều dự án của các doanh nghiệp vào đầu tư thông qua các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu đãi, cải cách hành chính của tỉnh. Trong đó, có 17 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào khu công nghiệp với tổng số vốn đạt 1.755 tỷ đồng. 

Hiện nay, Tiền Hải đang đề nghị tỉnh cho phép điều chỉnh cụm công nghiệp Tây An từ 15ha lên 70ha, cụm công nghiệp Nam Hà từ 20ha lên 70ha, bổ sung mới cụm công nghiệp An Ninh 70ha. Nhờ sản xuất, kinh doanh ổn định, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có những đóng góp quan trọng vào tỷ trọng kinh tế của địa phương. 

Một số doanh nghiệp có doanh thu năm 2016 cao như nhà máy gạch MiKaDo 195 tỷ đồng, Viglacera 125 tỷ đồng, nhà máy sợi Fortex 180 tỷ đồng… 

Nghề và làng nghề trên địa bàn huyện cũng được duy trì phát triển, các sản phẩm làng nghề từng bước đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Một số làng nghề truyền thống đã mạnh dạn mở rộng quy mô, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường. 

Đến nay, Tiền Hải có 23 làng nghề tại 20 xã, 1 xã nghề, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài triển khai đề án phát triển nghề và làng nghề tại các xã khu Nam, huyện còn khuyến khích du nhập nhiều nghề mới để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Mạnh Thắng