Nghĩa tình đồng đội
Nhớ lại ngày nhập ngũ, bà Tạ Thị Hạnh, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 948 cho biết: Năm 1973, cuộc chiến giữa ta và địch đến giai đoạn cam go, ác liệt. Yêu cầu chiến trường cần bổ sung lực lượng (đặc biệt là cho Đoàn 559) để chiến đấu và chiến thắng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 500 nữ thanh niên Thái Bình tuổi đời còn rất trẻ đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ. Ban đầu, chúng tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 948, Trung đoàn 51, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Sau hơn 1 tháng huấn luyện tại huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi nhận lệnh vào chiến trường miền Nam để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hơn 500 chị em được biên chế ra nhiều đơn vị từ Quảng Bình vào các tỉnh phía Nam, sang cả Lào. Một số chị em mở đường thông tuyến, một số bám trụ trên các trọng điểm và nhiều bộ phận khác như: thông tin, giao liên, y tá, nuôi quân, tuyên truyền văn hóa văn nghệ, đường ống xăng dầu. Cái tên của Tiểu đoàn 948 đã hòa vào Trung đoàn 515, Trung đoàn 542, Trung đoàn đường ống xăng dầu 592, Sư đoàn 471, Sư đoàn 472, Sư đoàn 473 của Binh đoàn Trường Sơn.
Hơn 70 tuổi, di chứng chiến tranh khiến sức khỏe của bà Nguyễn Thị Liên, thôn Kim Châu 2, xã An Châu (Đông Hưng) giảm sút nhiều so với độ tuổi. Tuy vậy, khi lần từng bức ảnh chụp ở chiến trường, bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm cùng đồng đội. Bà hồi tưởng: Sau khi rời Tiểu đoàn 948, tôi biên chế vào Trung đoàn 99, Đoàn 559, làm nhiệm vụ ở chiến trường Trị - Thiên. Những ngày ở Trường Sơn thực sự là “ngủ rừng, cơm vắt”. Sáu tháng mùa mưa không thấy ánh sáng mặt trời; ngày đêm phải mặc quần áo ướt, ghẻ lở, hắc lào toàn thân. Đối với chị em còn gặp khó khăn, thiếu thốn gấp bội phần nam giới. Sau những trận sốt rét, tóc rụng tả tơi. Mùa khô thì nắng lửa miền Trung và gió Lào thổi tới cũng đủ làm cháy da. Dáng người mảnh khảnh dần rắn rỏi sau bao tháng ròng hành quân, song cũng có nhiều chị em tiều tụy vì đói, khát, sốt rét hành hạ. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi luôn có đồng chí, đồng đội bên cạnh cùng chia sẻ, động viên, quyết tâm hoàn thành mọi công việc được giao.
Ban liên lạc Tiểu đoàn 948, Trung đoàn 51, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình gặp gỡ, trao đổi công việc.
50 năm đã trôi qua, dẫu bộn bề giữa cuộc sống riêng, những người lính Tiểu đoàn 948 năm xưa vẫn tiếp tục cống hiến, góp sức xây dựng quê hương. Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn được thành lập chính là nơi họ gặp gỡ, động viên, giúp nhau phát huy truyền thống và gìn giữ tình đồng đội. Trong ban liên lạc có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi và dịch vụ cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động là con em đồng đội, giúp đỡ những đồng đội nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Tạ Thị Hạnh cho biết: Sau những khó khăn, gian khổ của chiến tranh, đời thường, giờ đây đa số chị em trong Tiểu đoàn sức khỏe giảm sút rất nhiều, nhiều chị đơn thân, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng vẫn giữ được nguyên vẹn đó là nụ cười rạng rỡ, vô tư của người lính Trường Sơn năm nào. Nhiều người không ỷ lại hay trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực lao động vươn lên ổn định đời sống. Bên cạnh đó, Ban liên lạc Tiểu đoàn cũng có nhiều hoạt động để chia sẻ với đồng đội. Trong 10 năm qua đã giúp đỡ xây dựng 10 ngôi nhà tình nghĩa, trao tặng 30 sổ tiết kiệm, giúp một số chị em cô đơn không nơi nương tựa lên Trung tâm Từ thiện và hướng nghiệp Phật Tích (Bắc Ninh), 26 chị được hỗ trợ 700.000 đồng/tháng...
Bà Bùi Thị Hòa, thôn Gia Lễ, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) cho biết: Các chị trong Ban liên lạc Tiểu đoàn thường tới thăm, động viên, tôi như thêm sinh lực để cùng gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Ở tuổi xế chiều, khi có điều kiện những nữ chiến sĩ Tiểu đoàn 948 vẫn đèo nhau trên những chiếc xe máy cũ để tìm đồng đội, ôn lại kỷ niệm xưa, giúp đỡ đồng đội khó khăn. Gặp lại nhau, ai cũng mừng mừng tủi tủi. Trong những câu chuyện của mình, các cựu chiến binh: Tạ Thị Hạnh, Phạm Thị Mỵ, Trần Thị Vượng, Nguyễn Thị Phương (Ban liên lạc Tiểu đoàn 948) đều cho rằng: Ở bất cứ nơi đâu, khi nhắc đến Trường Sơn, những đồng đội cùng nhập ngũ, những người từng sống, chiến đấu, gửi lại thanh xuân trên đường Trường Sơn đều thấy trở nên thân thuộc, bùi ngùi nhớ về một thời vào sinh ra tử, nhớ về những năm tháng ý nghĩa nhất của đời mình.
Xuân Phương
Tin cùng chuyên mục
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ 30.10.2024 | 15:06 PM
- Thành phố: Triển khai kế hoạch tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ năm 2025 26.09.2024 | 15:27 PM
- Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiền Hải: Thăm tặng quà đối tượng chính sách 26.07.2024 | 22:33 PM
- Thái Thụy xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh 11.06.2024 | 15:34 PM
- Đông Hưng thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tuổi 17 10.04.2024 | 19:27 PM
- Tổng kết các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ chính sách và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ 14.03.2024 | 17:11 PM
- Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” 11.01.2024 | 14:58 PM
- Thành phố: Nâng cao chất lượng công tác tuyển quân năm 2024 28.11.2023 | 09:23 AM
- Tiền Hải: Triển khai kế hoạch tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 10.11.2023 | 15:59 PM
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức hội thi dân vận khéo năm 2023 20.09.2023 | 20:47 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh