Thứ 3, 13/08/2024, 06:35[GMT+7]

Mang vạ vào thân vì mua xe qua mạng

Thứ 3, 12/10/2010 | 07:19:12
4,538 lượt xem
Một SV năm thứ 3 kể: "Em không hề biết đây là xe trộm cắp". Cậu bé ngồi lủi thủi, tiếc đứt ruột món tiền 6 triệu đồng mua phải xe gian mà hai người bạn đã chắt chiu trong những ngày đi làm gia sư và vay nợ. Cậu còn lo lắng, không biết mình sẽ bị cơ quan Công an xử lí như thế nào.

Ba đối tượng bị bắt giữ

 Trong tuần qua, một thủ đoạn phạm tội rất mới của bọn tội phạm, đó là trộm cắp xe máy, công khai rao bán trên mạng Internet và mời chào qua các kênh quen biết. Chuyện tưởng như đùa ấy hóa ra vẫn diễn ra hằng ngày. Và các giao dịch của bọn chúng đều thành công khi phần lớn người mua cũng chấp nhận mua bán theo kiểu "năm ăn, năm thua".

Theo các trinh sát của Đội Phòng ngừa đấu tranh, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14) Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hà Nội, hiện đã bắt giữ được 4 đối tượng có hành vi trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đó là Nguyễn Ngọc Thủy, 27 tuổi, trú tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội); Nguyễn Quốc Huy, 22 tuổi, trú tại xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và Hà Thị Thắm,29 tuổi, trú tại xã Xuân Bái (Thọ Xuân, Thanh Hóa); Nguyễn Văn Khanh, 25 tuổi, trú tại phường Tương Mai (Hoàng Mai).

Các đối tượng khai nhận cùng với một đối tượng khác đã gây ra gần 40 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn Hà Nội và đem tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau: Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Quảng Ninh… Nghĩa là đã có gần 40 giao dịch bán xe trộm cắp đã được thực hiện, tương ứng có gần 40 người đã mua loại xe là tang vật trộm cắp này. Họ có nhiều lý do đưa ra để biện minh cho hành vi của mình. Nhưng họ phải hiểu rằng, việc mua xe tang vật trộm cắp của họ chính là hành vi vi phạm pháp luật.

Ai mua xe gian?

Chúng tôi gặp Phạm Sơn T., sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội rụt rè khi bước vào phòng làm việc của Đội 14. Hôm nay, Sơn T. được "triệu tập" lên làm việc với các trinh sát vì mua một chiếc xe máy là tang vật của một vụ trộm. Nét mặt của cậu sinh viên này hết sức lo lắng, thậm chí có lúc cậu còn mếu máo khóc.

Theo lời kể của Phạm Sơn T. thì quê em ở Hải Dương, đang trọ học ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ngoài giờ học, T. còn đi dạy thêm cho các em học sinh THPT để có thêm tiền trang trải học phí, sinh hoạt. Chơi thân với T. còn có một cậu bạn nữa, cũng là sinh viên và có hoàn cảnh khó khăn như nhau. Hai đứa đi làm gia sư một thời gian, chung nhau được khoảng 4 triệu đồng, bàn đi mua một chiếc xe máy cũ để thay nhau sử dụng đi dạy học.

Sơn T. đã lên mạng Internet tìm người có nhu cầu bán xe và bị hút vào nick của một người tên là Vỹ, có số điện thoại là 097273… đang rao bán xe máy không có giấy tờ, giá rẻ.

Qua trao đổi, người tên là Vỹ cho biết, anh ta có chiếc xe máy Jupiter V màu bạc, mới bị mất giấy tờ, do đang cần tiền nên bán với giá rẻ: 6 triệu đồng. Khi thấy Sơn T. đồng ý mua, người tên Vỹ hẹn địa điểm giao nhận xe là ở ngã tư cầu Thăng Long.

Khi Sơn T. đi xe buýt đến đó thì gặp Vỹ đi chiếc xe máy Air Blade đến. Sau khi xác định T. chỉ đi một mình, Vỹ đưa T. đến một chỗ vắng vẻ, rồi gọi một đối tượng khác đưa xe máy Jupiter cần bán đến giao cho T

Vài ngày sau, khi Sơn T. gọi vào số điện thoại của Vỹ thì không liên lạc được. Sơn T. bảo tôi: "Em không hề biết đây là xe trộm cắp, em không lường được các thủ đoạn của bọn tội phạm nên bị lừa". Cậu bé ngồi lủi thủi, tiếc đứt ruột món tiền 6 triệu đồng mua phải xe gian mà hai người bạn đã chắt chiu trong những ngày đi làm gia sư và vay nợ. Cậu còn lo lắng, không biết mình sẽ bị cơ quan Công an xử lí như thế nào.

Tại trụ sở số 7 Thiền Quang, chúng tôi còn được gặp một nhóm 3 đối tượng trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội), cùng nơi cư trú với Nguyễn Quốc Huy và được đối tượng này dùng nhiều mánh khóe để bán cho những chiếc xe máy gian. Anh Phạm Minh Q. cho biết, do có nhu cầu mua một chiếc xe giá rẻ để đi làm nên được bạn giới thiệu cho Nguyễn Quốc Huy.

Huy đã bán cho anh Q. một chiếc xe máy Wave còn khá mới, nhưng không có giấy tờ với giá 5 triệu đồng. Khi anh Q hỏi giấy tờ xe thì Huy nói rằng hiện tại không có, nhưng nếu muốn thì đưa thêm 5-6 triệu đồng, mấy hôm nữa Huy sẽ mang giấy tờ đến. Đang cần xe đi làm, lại không có nhiều tiền nên anh Q chỉ trả tiền mua xe và đinh ninh chiếc xe có giấy tờ, khi nào có tiền sẽ mua nốt phần giấy tờ còn lại. Nào ngờ…

Còn anh Nguyễn Sỹ L. cho biết, vào ngày 19/9, khi đang sửa xe máy thì được một người bạn giới thiệu Nguyễn Quốc Huy muốn bán 1 chiếc xe máy Air Blade có giấy tờ đăng ký xe mang tên Hoàng Văn Hùng với giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh L. trả giá 20 triệu đồng, Huy cũng bán luôn.

Đến khi cơ quan Công an thông báo chiếc xe trên là xe tang vật vụ trộm thì anh  L. mới biết rằng, giấy đăng ký chiếc xe Air Blade mang tên Hoàng Văn Hùng mà Huy đưa cho anh chính là giấy tờ giả. Tuy nhiên, cũng có những người biết thừa đây là xe không hợp pháp nhưng vì ham rẻ vẫn nhắm mắt mua bừa.

Như trường hợp của anh Nguyễn Văn V., trú tại huyện Đông Anh, trong nhóm 3 người nói trên. Anh V. mua của Nguyễn Quốc Huy chiếc xe máy Future Neo với giá 6 triệu đồng. Vì giá xe quá "bèo" nên ngay trong bản tường trình tại cơ quan điều tra, anh V. cũng nói rằng nhận thức được đây là xe trộm cắp hoặc xe lậu, không có giấy tờ…

Người mua có thể bị xử lý hình sự

Theo các trinh sát của Đội 14, thủ đoạn tiêu thụ xe trộm cắp của các đối tượng rất tinh vi: Chúng vào các trang rao vặt trên mạng Internet để rao bán xe máy không có giấy tờ với nhiều nick và số điện thoại khác nhau. Sau khi đã bán được chiếc xe trộm cắp, chúng thay đổi luôn nick và số điện thoại giao dịch.

Khi giao dịch bán xe, chúng sẽ nhằm vào lòng tham của người mua, muốn mua xe máy còn đẹp, nhưng với giá rẻ nên giá chúng đưa ra bán chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 giá trên thị trường. Nếu ai tham rẻ, bập vào hỏi mua, chúng sẽ nói là xe nhập lậu, hoặc mất giấy tờ, nếu cần làm giấy tờ thì đưa tiếp cho chúng từ 5-10 triệu chúng sẽ làm cho. Tuy nhiên, đấy chỉ là thủ đoạn để chúng trấn an tâm lý người mua là xe có giấy tờ hoặc "moi" thêm tiền của gia chủ mà thôi…

Chưa hết, do nắm được tâm lý những người mua xe không có giấy tờ sẽ không dám trình báo Công an khi bị mất cắp nên sau khi bán xe cho những người này, các đối tượng tiêu thụ lại báo cho bọn trộm cắp tiếp tục theo dõi người mua để trộm cắp xe lần 2. Có chiếc xe bị bọn chúng trộm cắp, bán đi bán lại đến lần thứ 3, hai người chủ vừa mua của bọn chúng đi về đến cửa nhà, ngoảnh đi ngoảnh lại đã bị bọn chúng dùng chìa khóa khác, trộm cắp tiếp.

Phần lớn những người mua xe máy tang vật này đều là người không có nhiều tiền, nhưng thích đi xe đẹp và tham rẻ. Ngoài một số người (không nhiều) bị các đối tượng lừa đảo bán xe máy bằng giấy tờ giả, lừa nói sẽ chuyển giấy tờ và lấy thêm tiền sau, còn lại những người mua loại xe này đều có tâm lý "năm ăn, năm thua", đó là chấp nhận chuyện bị cơ quan điều tra thu lại khi đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy bị khám phá.

Nhưng họ không hiểu được rằng, việc làm của họ còn vi phạm pháp luật. Theo Thiếu úy Dư Đình Hiếu, cán bộ thụ lý vụ án của Đội 14 cho biết, hiện đơn vị cũng đang phân loại các đối tượng mua xe tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào lỗi vô ý hay cố ý mua những chiếc xe tang vật kiểu trên, cơ quan Công an có thể xử lý hành chính hay hình sự đối với các đối tượng.

Theo Thiếu úy Hiếu, hoàn toàn có thể xử lý hình sự đối với loại vi phạm này theo khoản 1 Điều 250 BLHS về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Lúc đó, những người mua xe gian sẽ gánh chịu hậu quả rất nặng nề, vừa mất tiền, vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà mức phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù giam.

Hoài Thu (Sưu tầm từ Báo CAND)

 

 

  • Từ khóa