Thứ 4, 31/07/2024, 01:24[GMT+7]

Những chiêu "chặt chém" mùa cưới hỏi

Thứ 5, 14/10/2010 | 07:45:35
7,376 lượt xem
"Lúc cửa hàng đưa lễ đến tôi đã bị choáng bởi giá một tráp trầu cau họ lấy hơn 1 triệu đồng, trong khi 6 tráp khác hết có hơn 3 triệu. Chẳng lẽ lại cãi nhau vì sát giờ ăn hỏi rồi, họ hét giá trên trời thì mình cũng phải chịu..." - chị Vân Anh ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) kể.

Nhiều dịch vụ ăn hỏi giá cao được khách hàng lựa chọn.

Trăm năm mới có một lần" nên cặp uyên ương nào cũng chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình được chu đáo, sang trọng. Dịch vụ trọn gói đồ ăn hỏi năm nay ngoài các công ty, cửa hàng truyền thống lâu đời còn nở rộ nhiều cơ sở tư nhân. So với đầu năm, dịch vụ đồ ăn hỏi trọn gói dịp này đều tăng giá từ 20-25%. Các cặp uyên ương nên thận trọng khi thoả thuận giá cả cũng như mẫu mã của đồ sính lễ.

Dịch vụ chuyên nghiệp

Phố Hàng Than, Bạch Mai… từ lâu được biết đến là những phố "ăn hỏi" với sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng các loại lễ sử dụng trong ngày đại hỉ của cô dâu và chú rể. Những ngày đầu tháng 10/2010, hoà chung với mùa cưới, cả phố Hàng Than bừng lên với sắc đỏ.

Theo chị Hoa, chủ cửa hàng Anh Minh, đồ lễ ăn hỏi bây giờ không còn đơn giản chỉ là "buồng cau, cơi trầu" như trước đây mà đồ lễ càng "hoành tráng" bao nhiêu thì càng thể hiện được bộ mặt của nhà trai bấy nhiêu. Dịch vụ ăn hỏi bình dân nhất với 7 tráp bao gồm tráp hoa quả, rượu, trà thuốc, bánh phu thê… có giá khoảng từ 3 triệu đến 4 triệu đồng. Tùy vào mức giá mà có những loại hàng hóa tương ứng. Như bánh cốm có ba loại: 3.000 đồng, 4.000 đồng, 5.000 đồng…

Với tâm lý "cả đời có một lần", nhiều gia đình nhà trai lại muốn thể hiện với họ nhà gái bằng cách tìm đến với các đồ tráp lễ tết loan, phượng khá tốn kém thể hiện đẳng cấp của VIP. Gấp đôi, ba so với giá thông thường, một tráp hoa quả hình rồng phượng có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Rượu mừng ăn hỏi thông thường chỉ là rượu vang, Vodka, tuy nhiên, để phục vụ khách VIP, rượu ăn hỏi cũng được thay bằng John, Hennessy… Cả 7 tráp loại VIP có giá hơn 10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến sự cầu kỳ của nhà trai khi yêu cầu thêm những loại tráp "mặn" như xôi, gà, lợn sữa quay.

Hiện nay, đội ngũ bê tráp ăn hỏi cũng dần được nâng cấp lên một cách "pro" (chuyên nghiệp) với yêu cầu có phần "khắt khe" về ngoại hình như ưa nhìn, cao từ 1m60 trở lên, phải là học sinh, sinh viên… Ngoài việc bê tráp thông thường, các nam, nữ thanh niên còn phải biết giao thiệp với khách, tiếp nước, trầu cau cho gia đình nhà gái trong ngày ăn hỏi…

Đức Tuấn, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mở Hà Nội có thâm niên 2 năm trong "nghề" bê tráp đám hỏi cho biết: "Trước đây em làm cho một công ty để kiếm thêm tiền học phí. Mỗi đám hỏi ở Hà Nội em được 100 nghìn tiền công nhưng không được hưởng hết vì phải đưa lại cho công ty. Mùa cưới năm nay em đến làm cho một cơ sở chuyên đồ ăn hỏi ở trên phố cổ. Chỗ này họ không lấy của bọn em đồng nào, lại đông khách, những ngày "đẹp" em bê tới 2 đám/ngày".

Chị Thuỳ Trang, chủ cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ ăn hỏi trọn gói ở đường Lạc Long Quân, Hà Nội cho biết: "Hầu hết đội ngũ bê tráp thuê đều là sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ ba. Họ có ngoại hình ưa nhìn, lịch sự và đặc biệt đều rất chuyên nghiệp. Họ tập hợp thành một nhóm và tự tìm đến với chúng tôi. Đội nào nhiệt tình, có uy tín thì chúng tôi ký hợp đồng, có khách đặt là chúng tôi gọi". Chị Trang thường có trong tay từ 4 đến 5 đội bê tráp, có ngày đông khách, chị phải huy động hết các đội, thậm chí còn chạy "sô" từ sáng đến chiều.

"Trọn gói" nhưng chưa trọn vẹn

Không chỉ các cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ ăn hỏi nổi tiếng ở Hà Nội mà nhiều công ty, cơ sở tư nhân hiện nay cũng bung ra các dịch vụ này. Có công ty còn cho cả một đội ngũ nhân viên đi phát tờ rơi quảng cáo về "đội ngũ bê tráp trẻ trung, xinh đẹp và chuyên nghiệp sẽ mang đến niềm hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình"; hoặc "đội lễ tân bê tráp xinh đẹp, trẻ trung, nhiệt tình, chuyên nghiệp. Nam cao từ 1,70m trở lên, nữ cao từ 1,60m trở lên sẽ làm quý vị hài lòng".

Dịch vụ ăn hỏi trọn gói đã giải quyết cho nhiều gia đình "bí" người bê tráp cũng như đón lễ. Tuy nhiên, không phải "đội" bê tráp hay dịch vụ đồ ăn hỏi nào cũng làm khách hài lòng, mà xen vào đó không ít chuyện bi hài, thậm chí còn khiến cho các cặp uyên ương dở khóc, dở cười.

Anh Đức Thắng, ở xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm kể lại chuyện xảy ra ở lễ ăn hỏi của mình: "Tôi thuê đội bê tráp tại ngay cơ sở tôi đặt lễ ăn hỏi. Nhà tôi ở Tây Mỗ nên chủ hàng yêu cầu tôi phải mang ôtô đến đón đội bê tráp vì các sinh viên không biết đường và cũng không có xe máy. Nếu không đón được thì phải trả thêm cho mỗi người 30.000 đồng để họ tự đến nhà.

Nhà trai phải xuất phát từ 8h để kịp đến nhà cô dâu, nhưng đợi đến 8h5' vẫn chưa thấy đội bưng tráp đến. Ai cũng sốt ruột ra ngóng vào đợi, gọi điện thì họ bảo đang đến. Mãi tới 8h30 họ mới hớt hải tới nơi, nhưng vẫn thiếu một người vì… lạc đường. Đội bê tráp quảng cáo đẹp là thế, nhưng do phải tìm đường lòng vòng nên quần áo họ xộc xệch".

Không chỉ buồn về đội bê tráp, nhiều gia đình đến giờ G mới chưng hửng vì giá lễ bị đội lên cao. Thông thường, các gia đình đều đặt lễ ăn hỏi trước cả tháng. Hầu hết các cửa hàng chuyên về dịch vụ ăn hỏi đều để lại mâm trầu cau chưa tính tiền vì "đến ngày mới mua nên giá tính sau".

Chị Vân Anh ở phường Thanh Xuân Bắc cho biết: "Lúc cửa hàng đưa lễ đến tôi đã bị choáng bởi giá một tráp trầu cau họ lấy hơn 1 triệu đồng, trong khi 6 tráp khác hết có hơn 3 triệu. Chẳng lẽ lại cãi nhau vì sát giờ ăn hỏi rồi, họ hét giá trên trời thì mình cũng phải chịu. Ai cũng có một lần, nên không còn lần sau để rút kinh nghiệm. Tốt nhất khách hàng nên thận trọng, tự mình mua trầu cau mang đến để họ sắp cho, nếu không là bị "chặt chém" đẹp".

Văn Thế (Sưu tầm từ Báo CAND)

 

  • Từ khóa