Thứ 3, 30/07/2024, 15:15[GMT+7]

Khát vọng lên đường

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:44:16
963 lượt xem
Khi nhìn hình ảnh những tân binh khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, tay ôm chặt bó hoa với nụ cười tỏa sáng, chúng tôi cảm nhận ở các anh lý tưởng sống và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ khát khao lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Mỗi người một suy nghĩ, một tâm trạng nhưng tất cả đều có chung một ước mơ được cống hiến hết mình cho quê hương, cho đất nước.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng quà tân binh huyện Thái Thụy có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn nửa thế kỷ trước, những chàng trai quê lúa, tuổi cũng vừa mười chín, đôi mươi gác lại những giấc mơ riêng của mình sẵn sàng ra trận "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Hơn 75 vạn người con quê lúa lên đường nhập ngũ và gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã cầm súng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cùng quân dân cả nước lập nên những chiến công vẻ vang. Viết tiếp huyền thoại anh hùng ấy, hôm nay, những thanh niên ưu tú của quê hương lại hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội ta ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh trong thời kỳ mới.

Chúng tôi gặp Phạm Phương Thảo tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kiến Xương trong buổi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Cái tên rất con gái của chàng thanh niên sinh năm 1997 quê tại xã Vũ Thắng (Kiến Xương) khiến nhiều người ở đó ngạc nhiên, tò mò. Trò chuyện với Thảo tôi được biết, ngay khi nhận được giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự, Thảo đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội. Trong đơn tình nguyện nhập ngũ, Thảo viết: "Là thanh niên, nhận thức rõ tinh thần trách nhiệm của người đoàn viên, của người công dân Việt Nam với Tổ quốc, tôi tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, nguyện cố gắng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ của người lính Cụ Hồ, nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào khi Tổ quốc cần".

Hoàn cảnh gia đình của Phạm Mạnh Thùy, sinh năm 1997, xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) còn nhiều khó khăn nhưng em cũng quyết tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc. Vì gia đình khó khăn, mẹ hay bệnh tật, Thùy học hết lớp 9 phải nghỉ học và sớm bươn trải với cuộc sống mưu sinh. Năm nay, Thùy xin đi bộ đội, qua các vòng khám tuyển em được sức khỏe loại 1, Thùy vui lắm, vui vì ý nguyện của mẹ đã trở thành hiện thực. Thùy tâm sự: Nguyện vọng của mẹ em mong muốn năm nay em đi bộ đội. Đây cũng là ước muốn của em, em muốn trải nghiệm thử thách mới trong môi trường quân đội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, em sẽ xin vào học ngành điện dân dụng để sau này có nghề để cuộc sống ổn định hơn. Em mong rằng thời gian trong quân ngũ sẽ giúp em trưởng thành hơn và đó sẽ là môi trường thuận lợi để em học tập và rèn luyện bản thân.

Những năm gần đây, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Với yêu cầu cấp thiết đó, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ cũng từng bước được nâng cao, chú trọng đến đội ngũ trí thức có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) cũng được ban hành, nhiều nội dung đổi mới, phù hợp với tình hình hiện nay. Đã có nhiều thanh niên đã qua đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cũng hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Là giáo viên đang công tác tại Trường THCS Thụy Dũng, Trần Đình Quyết, sinh năm 1992, quê xã Thụy Hồng (Thái Thụy) nhận được giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Dù đã có công việc ổn định, mức lương cũng đủ để trang trải cuộc sống nhưng khi có lệnh gọi nhập ngũ, Quyết không hề hoang mang, bối rối. Quyết xác định: Em đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, theo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), hiện nay độ tuổi nhập ngũ được nâng lên đối với những thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, trong khi đó, quân đội đang cần những người có trình độ, năng lực đã qua đào tạo chuyên môn nên việc nhập ngũ là niềm tự hào của chúng em. Hai năm không phải là thời gian dài nhưng cũng đủ để em trưởng thành hơn. Nếu được sức khỏe, đủ điều kiện nhập ngũ, em luôn sẵn sàng lên đường nhập ngũ, gia đình và nhà trường cũng tạo điều kiện, động viên em lên đường nhập ngũ đợt này.

Cũng như thầy giáo trẻ Trần Đình Quyết, Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1990, xã Quang Trung (Kiến Xương) tốt nghiệp Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội đã tìm cho mình một chỗ làm ổn định sau khi ra trường. Bố mất hơn 2 năm, với đồng lương của mình, đều đặn hàng tháng Sơn gửi về phụ mẹ nuôi em còn đang tuổi ăn học. Nhận được giấy gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, ban đầu Sơn cũng phân vân, suy nghĩ nhưng rồi quyết định cuối cùng của em là về quê đi bộ đội. Sơn chia sẻ: Người động viên em nhiều nhất chính là mẹ, dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, mình lại là lao động chính nuôi em nhưng việc thực hiện nghĩa vụ công dân không thể trốn tránh. Trốn tránh là hèn nhát, là không xứng đáng với bản thân, gia đình, với Tổ quốc. Các chú, các bác trong cấp ủy, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tới động viên em. Chính vì thế, dù 18 tháng hay 24 tháng thì em cũng quyết tâm lên đường nhập ngũ.

Tin rằng, không chỉ với những bạn trẻ mà chúng tôi được gặp gỡ, nghe các em chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình mà còn rất nhiều những thanh niên ưu tú trên miền quê lúa Thái Bình cũng chung một suy nghĩ quyết tâm và khát khao lên đường bảo vệ Tổ quốc. Điệp khúc "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…" trong bài hát "Khát vọng tuổi trẻ" vẫn vang vọng trên mỗi làng quê, con phố như thúc giục tuổi trẻ lên đường. Mùa tuyển quân nữa lại bắt đầu, xin chúc các anh lên đường chân cứng, đá mềm, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của tuổi trẻ. Cả hậu phương lớn vẫn từng ngày chờ mong những thành tích xuất sắc của các anh, xứng đáng là thanh niên của quê lúa Thái Bình.

Tất Đạt

  • Từ khóa