Thứ 4, 21/05/2025, 21:40[GMT+7]

Nhiệm vụ “kép” của người lính thời bình

Thứ 2, 11/01/2016 | 08:53:29
1,524 lượt xem
Những năm qua, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang tỉnh còn để lại dấu ấn trong lòng nhân dân ở mỗi công trình, phần việc đã làm trên quê hương, xứng đáng là đội quân tiến công trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội.

Học viên Trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng trong giờ thực hành.

Từ chung sức xây dựng nông thôn mới

Cách đây hơn một tháng, con đường vào trung tâm xã Tự Tân (Vũ Thư) còn um tùm cây cối, nhiều đoạn đường đã xuống cấp, bụi mịt mù, ai đi qua đây cũng ngán ngẩm. Nhưng nay, nhờ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xã và sự giúp đỡ về ngày công của hơn 50 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Vũ Thư, con đường đã được xây dựng khang trang, rộng rãi. Đồng chí Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tự Tân chỉ tay về phía con đường nhựa thẳng tắp dài hơn 1,5km phấn khởi cho biết: Trước đây, đường còn nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn. Được sự giúp đỡ về ngày công của cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện tham gia giải phóng mặt bằng, giờ đây con đường huyết mạch của xã đã được kiên cố, góp phần làm cho diện mạo nông thôn của xã thêm đổi mới.

Bên cạnh đoạn đường trục chính của xã được làm mới, hơn 1km đường nội đồng chạy qua 3 thôn của xã cũng được làm vệ sinh, phát quang sạch sẽ... Để hoàn thành những con đường này, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Vũ Thư đã đóng góp hàng trăm ngày công cùng lực lượng dân quân và bà con trong xã thi công bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Cùng chung niềm vui với người dân Tự Tân, bà con hai thôn Tây Sơn và Hòa Hải, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) cũng vừa khánh thành nhà văn hóa thôn. Công trình được khởi công xây dựng từ đầu tháng 8/2015 từ nguồn hỗ trợ của các đơn vị LLVT tỉnh và người dân trong thôn, trong đó Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà văn hóa. Sau hơn 3 tháng thi công, công trình nhà văn hóa của hai thôn được hoàn thành trong niềm vui của cán bộ, đảng viên và nhân dân. "Từ ngày có nhà văn hóa mới, trang bị đầy đủ tiện nghi, các buổi sinh hoạt của thôn không phải họp nhờ ở nhà dân như trước. Có được điều đó phải kể đến sự đóng góp, ủng hộ của các đơn vị công an, quân sự, biên phòng tỉnh nhà" - ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng thôn Tây Sơn chia sẻ.

Trên đây chỉ là ba trong số hàng trăm những công trình, phần việc LLVT tỉnh đã làm từ khi Bộ Quốc phòng phát động phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". 3 năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo LLVT tỉnh tập trung xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" góp phần xây dựng nông thôn mới thực sự tiêu biểu, có sức lan tỏa rộng và thiết thực, phục vụ đời sống nhân dân các địa phương. Các mô hình này được thực hiện hiệu quả thông qua nhiều hình thức phong phú, hướng mạnh về cơ sở.

Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong tỉnh đã ủng hộ hơn 1,2 tỷ đồng, huy động 10.150 ngày công, huy động 325 phương tiện tham gia tu sửa, nạo vét kênh mương, hỗ trợ kinh phí tu sửa, làm mới gần 30km đường bê tông; xây dựng 3 nhà văn hóa thôn; xây dựng, sửa chữa gần 40 công trình phục vụ dân sinh; tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích gần 62.000m2 (trong đó 64 gia đình quân nhân, dân quân tự vệ, dự bị động viên hiến gần 11.000m2 đất ở, đất canh tác), góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.

Đến đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Đại tá Hoàng Chí Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và của toàn dân. Xây dựng nông thôn mới không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn phải chú trọng đến yếu tố con người. Khi người dân có trình độ, có khả năng làm chủ máy móc hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào sản xuất thì khi đó đời sống của bà con mới đi lên bền vững, dân có giàu, nước mới mạnh, quân đội sẽ chính quy hơn, hiện đại hơn. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn trăn trở với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đến đối tượng quân nhân xuất ngũ trở về địa phương.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, hướng tới mục tiêu đào tạo từ 3.000 - 3.500 quân nhân xuất ngũ/năm, bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ đã qua đào tạo cho xã hội. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 cơ sở dạy nghề với nhiều ngành nghề được đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Trên thực tế, mỗi năm, Thái Bình có khoảng 5.500 thanh niên nhập ngũ và đón khoảng 5.500 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Từ năm 2010 đến nay, các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, tuyên truyền, hướng nghiệp cho hơn 15.000 lượt thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, đăng ký tham gia học tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chiếm gần 50%. Hơn 90% sau khi tốt nghiệp đã được các nhà trường tư vấn, giới thiệu và ký kết hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đại tá Trần Đình Lưu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng cho biết: Trung bình mỗi năm, nhà trường tiếp nhận và đào tạo hơn 3.000 học viên, trong đó bộ đội xuất ngũ chiếm khoảng 60%. Để thu hút bộ đội xuất ngũ theo học, trước mỗi mùa tuyển quân cũng như trước khi các huyện, thành phố tổ chức đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nhà trường đều cử cán bộ đến tư vấn, tuyển sinh ở từng địa phương. Ngoài chế độ, chính sách ưu tiên cho học viên là bộ đội xuất ngũ, chúng tôi còn chủ động liên kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. Hàng năm, khoảng 80% học viên là bộ đội xuất ngũ tìm được việc làm theo sự giới thiệu của nhà trường.

Từng là học viên chuyên ngành điện của Trường Cao đẳng nghề số 19 - Bộ Quốc phòng, Trần Văn Hạnh, sinh năm 1991, quê xã Vũ Bình (Kiến Xương) chọn cho mình con đường khởi nghiệp riêng. Năm 2012 ra trường, Hạnh mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt điện dân dụng, điện lạnh, điện công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Bình. Hiện tại, cửa hàng của Hạnh tạo việc làm cho 2 lao động với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của em đạt hơn 10 triệu đồng/tháng. Dự định trong thời gian tới, em tiếp tục đầu tư, nâng cấp cửa hàng để đáp ứng với nhu cầu hiện nay.

Gắn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, LLVT Thái Bình thực sự phát huy vai trò trong thời bình, xứng đáng là quân đội "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Tất Đạt

  • Từ khóa