Chủ nhật, 18/05/2025, 10:47[GMT+7]

Tết ở hậu phương

Thứ 2, 23/01/2017 | 15:25:52
778 lượt xem
Tết đến, xuân về là dịp mọi gia đình sum họp, quây quần bên nhau cùng cầu chúc cho năm mới may mắn, an lành nhưng ở trên khắp mọi miền đất nước vẫn có những chiến sĩ chắc tay súng nơi biên giới, hải đảo xa xôi… Ở hậu phương, những người mẹ, người vợ phải thay chồng, con gánh vác việc nhà để các anh yên tâm bám đảo, bám biển, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Gác lại hạnh phúc riêng

Nghe thấy tiếng bố từ trên đê, đứa con gái út của Thiếu tá Hà Quang Trào, cán bộ hóa học Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) chạy ùa ra níu cổ bố. Có lẽ đó là niềm vui sướng nhất của con vì hơn một năm rồi không được gặp bố. Dù hàng ngày anh vẫn thường gọi điện về cho các con sau giờ làm việc nhưng hôm nay, hơi ấm của con trong vòng tay mình khiến anh hạnh phúc biết bao. Anh Trào tâm sự: Tranh thủ được 5 ngày nghỉ phép, tôi về thăm gia đình trước khi ra công tác tại đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa). Cái tết thứ hai tôi không được cùng gia đình đón giao thừa nhưng nghe con gái kể chuyện được mẹ đưa đi xem pháo hoa, nhận được nhiều lời chúc, lì xì của người thân… tôi cũng cảm thấy vui.

Cùng trò chuyện trong căn nhà nhỏ ven sông Trà Lý thuộc xóm 8, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình), anh Trào khoe với chúng tôi, ngoài mấy luống rau xanh, năm nào gia đình anh cũng nuôi vài chục con gà để ăn tết. Từ hôm về phép đến nay, ngày nào vợ cũng thịt một con gà. Vợ bảo ra đảo, sợ anh em ăn uống thiếu thốn nên tranh thủ tẩm bổ. Ấy là vợ nghĩ thế, chứ giờ đảo nào cũng dư nước ngọt, tăng gia đủ các loại rau xanh, thịt, cá. Tết đảo cũng thú vị, ấm tình đồng đội lắm. Chị Nguyễn Thị Phương Dung, vợ Thiếu tá Hà Quang Trào tâm sự: 15 năm lấy nhau, số lần anh ăn tết ở nhà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng không vì thế mà tôi thấy tủi thân. Chỉ cần anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vững vàng nơi đầu sóng còn tôi luôn là hậu phương vững chắc cho anh và các con. Tôi đang làm việc tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh nên việc đón, đưa các cháu đi học đều do ông bà ngoại đảm nhiệm. Bây giờ các con đã lớn, biết bố công tác ngoài đảo Trường Sa nên các con đều tự hào, ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, bố mẹ.

Cô giáo Vũ Thị Dinh hàng ngày kể cho học trò nghe những câu chuyện về Trường Sa.

Cũng giống như hoàn cảnh của chị Dung, cô giáo Vũ Thị Dinh, giáo viên Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy), vợ Đại úy Vũ Đình Khiêm đang công tác trên đảo Song Tử đã quen với những cái tết xa chồng. Lấy nhau được 12 năm thì có 3 năm anh ăn tết ở nhà còn 9 năm anh ăn tết ở đơn vị. Bận mải với công việc trường, lớp nhưng không vì thế chị thoái trách nhiệm của người con dâu trong gia đình để chồng yên tâm công tác. Chị Dinh tâm sự: Gia đình tôi đang ở cùng bố mẹ nhưng do tôi có thời gian điều trị bệnh nên tôi và các cháu chuyển ra khu tập thể của trường ở. Cháu lớn tên Vũ Phương Nam hiện đang là học sinh lớp 6. Hiểu nỗi vất vả của mẹ và công việc của bố nên ngoài giờ học, cháu còn giúp mẹ trông em. Cái tên Phương Nam là do ông nội đặt cho, gắn với kỷ niệm tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm bố cháu. Ngày sinh cháu, bố đang ở đảo Đá Tây. Nhiều cái tết vắng anh, nhìn gia đình họ có đôi, có cặp cũng thấy chạnh lòng, nhưng nghĩ đến chồng đang cùng đồng đội ngày đêm canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng nơi tuyến đầu của Tổ quốc, tôi lại động viên các con, động viên bố mẹ yên tâm để anh công tác.

Khi nói đến những vất vả, thiệt thòi của những người vợ, người mẹ có chồng, con công tác tại nơi biên giới, hải đảo xa xôi thì chị Dinh ngân nga hát cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài hát "Một rừng cây một đời người" của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: … Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ biết dành phần ai... Chỉ cần nghe câu hát đó, cũng đủ hiểu đức hy sinh của những người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình nó cao cả biết nhường nào. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng vì nhiệm vụ chung của Tổ quốc.

Gia đình Thiếu tá Hà Quang Trào cùng xem lại những kỷ niệm anh chụp ở Trường Sa.

Để mùa xuân bình yên

Thường xuyên lênh đênh trên biển, Thiếu úy Đinh Công Thương, quê ở thôn Thượng Ngạn I, xã Văn Lang (Hưng Hà) đã quen với những hải trình sóng gió ngoài khơi xa. Ngay từ nhỏ, Thương đã có ước mơ trở thành một người lính biển. Ước mơ của anh đã trở thành hiện thực sau 2 năm kiên trì thi đại học. Năm 2015, Thương tốt nghiệp Học viện Hải quân, Thương biên chế về Tàu Cảnh sát biển 8005 thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tìm kiếm cứu nạn trên biển... Thiếu úy Đinh Công Thương tâm sự: Cuộc sống xa gia đình của mình bắt đầu từ ngày nhập ngũ. Ngày còn học tại trường, nghỉ hè, tết còn được về tranh thủ chứ bây giờ thì phải đặt công việc lên trên nhất. Nhớ cái tết nơi quê nhà, đông đủ các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau, cùng gói bánh chưng, cùng ăn bữa cơm tất niên… Đó là khoảng thời gian mà bất cứ ai cũng đã từng trải qua nhưng với những người lính xa nhà, đó là một phần kỷ niệm được chúng tôi cất giữ, nâng niu.

Với Thương, dù ở nơi đâu, trên dọc dải đất hình chữ S đều là quê hương. Không biết từ khi nào, anh đã coi "tàu là nhà, đồng đội là anh em". Những cái tết ở đơn vị cũng ấm cúng, đủ đầy. Ngày mai, tàu của Thương sẽ lại vươn khơi để "đón" mùa xuân bình yên về với mọi nhà. Như đã thành thông lệ, những ngày tết, Thương vẫn tranh thủ gọi điện về nhà, nghe bố mẹ kể cho nghe chuyện tết ở quê. Cái tết quê vẫn cứ bình dị, giản đơn như thế. Vẫn bánh chưng xanh, vẫn dưa hành mà thấy ấm áp lòng người. "Năm ngoái, bố tôi mất vì bạo bệnh, nhà còn mình mẹ. Cũng may chị gái lấy chồng gần nhà nên đỡ đần được mẹ. Giờ chắc vườn hoa nhà mình cũng đã nở vàng để đón mùa xuân về. Mình mẹ lại tất bật cho những ngày tết", Thương tâm sự.

Chị Trần Thị Hiền cùng con trai bên vườn hoa nhỏ của gia đình.

Bên góc sân nhỏ, những bông hoa cúc đủ màu sắc đã bung nở, chị Trần Thị Hiền ở thôn 2, xã Vũ Thắng (Kiến Xương), vợ Thượng úy Hoàng Anh Tuấn, cán bộ quân y Lữ đoàn 146 đang cùng con trai tưới hoa. Tốt nghiệp Trung cấp Tài chính Kế toán Trung ương I nhưng hiện tại chị Hiền vẫn ở nhà chăm sóc mẹ chồng và hai con nhỏ. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều trông vào đồng lương của anh Tuấn. Chị Hiền chia sẻ: Năm nay là cái tết thứ ba anh không ăn tết cùng gia đình. Nhớ ngày chưa đi đảo, anh còn công tác ở Vùng 1 Hải quân nên có điều kiện về nhà. Ngày tết vợ chồng cùng đi sắm tết, mua quần áo mới cho các con. Từ ngày nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, việc sắm tết một mình tôi lo hết. Một năm mới có mấy ngày tết, anh vẫn động viên tôi phải sắm sửa đầy đủ, trước là an lòng mẹ già, sau là cho các con được vui. Dù công việc của anh bận rộn nhưng lúc nào anh ấy cũng lo cho gia đình. Chị Hiền nhớ lại: Mỗi lần được nghỉ phép, anh luôn dành hết thời gian để được gần vợ con. Thời gian đầu sinh cháu thứ hai, do cả năm mới gặp lại bố nên cháu lạ hơi khóc nức nở. Đợi lúc con ngủ, anh mới được ôm con vào lòng cưng nựng, tôi nhìn mà thấy nghẹn lòng. Giờ thì cháu được hơn 2 tuổi rồi. Mỗi lần bố gọi điện về là cháu lại bi bô…

Xuân đã về trên khắp nẻo quê hương, người người náo nức chơi xuân. Chúng tôi lại nghĩ về một cái tết vắng chồng, con của những người vợ, người mẹ lính đảo. Với chúng tôi, họ là những chiến sĩ nơi hậu phương đang cùng chồng, con làm nhiệm vụ thiêng liêng, giữ cho mùa xuân bình yên về với muôn nhà.

Tất Đạt

  • Từ khóa