Thứ 6, 17/05/2024, 14:13[GMT+7]

Vẹn nghĩa nước non, trọn tình hữu nghị

Thứ 2, 07/01/2019 | 08:43:37
987 lượt xem
40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã trôi qua nhưng ký ức của những người tham gia cuộc chiến vẫn còn vẹn nguyên. Họ luôn tự hào về những ngày tháng tham gia bảo vệ Tổ quốc, tham gia lật đổ chế độ Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Cơ quan quân sự tổ chức chi trả chế độ cho đối tượng chính sách.

Như mới hôm qua 

Ngày đầu năm, men theo con đường đê sông Hồng, chúng tôi về thăm và trò chuyện với thương binh hạng 1/4 Phạm Văn Doan, thôn Trung Hòa, xã Bách Thuận (Vũ Thư). Nhìn dáng người nhỏ nhắn, lanh lẹ của ông không ai nghĩ cách đây hơn 40 năm, ông đã từng cận kề cửa tử. 

Ông Doan nhớ lại: Năm 1976, tôi tham gia quân đội thuộc đơn vị pháo binh của Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Sau thời gian ngắn huấn luyện, đơn vị của tôi cơ động lên vùng biên giới tỉnh Tây Ninh. Ở đoạn biên giới của Tây Ninh, sau một thời gian tăng cường các hoạt động trinh sát, khiêu khích, từng lúc xâm phạm vào đất ta, cuối tháng 9/1977, Pôn Pốt dùng một lực lượng tương đối lớn đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên. Được sự tăng viện của Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 và Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 5 có pháo binh và xe tăng yểm trợ, ta đồng loạt phản công, đánh bật quân địch ra khỏi những nơi bị chúng chiếm đóng, đẩy lùi chúng về bên kia biên giới. 

Trong cuộc chiến phi nghĩa, Pôn Pốt đã tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta trên tuyến biên giới Tây Nam. Rất nhiều đồng chí, đồng đội của ông Doan đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Riêng ông Doan bị đạn M79 găm vào ổ bụng và bị cưa một phần chân phải. Dù vết thương vẫn hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông thấy mình là người may mắn được sống, được trở về quê hương trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương và gia đình. 

Là người tham gia vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau đó đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, ông Bùi Quốc Phòng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Sau 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng với biết bao gian khổ, hy sinh, đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải. Nhưng khi đất nước còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh thì nhân dân ta lại một lần nữa đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên các dải biên cương trước sự xâm lăng, gây hấn của thế lực bên ngoài. Đối với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, với truyền thống đoàn kết, thủy chung, tương thân tương ái và tinh thần quốc tế cao cả, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ và từng bước phối hợp với nhân dân Campuchia lật đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. 

Ấm lòng chính sách hậu phương 

Bước ra từ các cuộc chiến tranh, có thời gian 3 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia (1982 - 1985) và tham gia công tác hội cựu chiến binh từ cơ sở, ông Bùi Quốc Phòng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh luôn đau đáu nỗi niềm và rất sẻ chia với các cựu chiến binh. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, đại biểu Quốc hội, ông thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cựu chiến binh, cựu quân nhân, từ đó tham mưu, đề xuất với tổ chức hội, ngành chức năng thực hiện chế độ, chính sách với người có công; giải quyết kịp thời, hiệu quả chế độ, chính sách cho các đối tượng. 

Ông Bùi Quốc Phòng chia sẻ: Bên cạnh việc phối hợp giải quyết các chế độ, chính sách, Hội Cựu chiến binh tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình, tổ chức thăm hỏi, phối hợp vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, các cấp hội cựu chiến binh trong tỉnh đã xây dựng trên 40 nhà tình nghĩa và tặng hàng nghìn suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, khi Đảng, Nhà nước có các quyết định chi trả chế độ, các cấp hội đã hướng dẫn kê khai, hoàn tất các thủ tục hồ sơ để bảo đảm quyền lợi cho hội viên... 

Từ khi Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực, Thái Bình được đánh giá là địa phương thực hiện tốt quyết định này. 

Trung tá Thái Đức Thắng, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Ngay khi triển khai thực hiện Quyết định số 62, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định ở tất cả các cấp. Quá trình thực hiện, ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện theo các nhóm đối tượng có giấy tờ gốc, có giấy tờ liên quan và không có giấy tờ.  Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện Quyết định chặt chẽ, đồng bộ, đúng quy định. Hội đồng chính sách 286 xã, phường, thị trấn xác lập, xét duyệt hồ sơ từ cơ sở, báo cáo theo phân cấp, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình. 

Đến nay, toàn tỉnh đã khảo sát 77.391 hồ sơ thuộc nhóm trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND tỉnh thực hiện chi trả. Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận, xét duyệt, báo cáo cấp trên 63.549 hồ sơ. Qua các lần chi trả, toàn tỉnh có 52.977 đối tượng được chi trả trợ cấp một lần với số tiền gần 218 tỷ đồng, 65 đối tượng được chi trả trợ cấp hàng tháng. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 việc giải quyết chính sách cho các đối tượng theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản thực hiện xong.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam dù đã đi qua nhưng những thành quả lao động với biết bao hy sinh to lớn còn mãi, nhắc nhở thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Đối với những người đã được nhận chế độ, chính sách theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ, họ cảm thấy ấm lòng, tự hào về đóng góp của mình cho Tổ quốc được ghi nhận và đền đáp. Với những người chưa được hưởng chế độ, họ mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp rà soát để phát hiện các trường hợp còn tồn, sót, hoàn chỉnh hồ sơ, xét duyệt theo quy trình và tổ chức chi trả trợ cấp đúng đối tượng, đúng quy định.

Thiên Ân