Thứ 7, 23/11/2024, 07:33[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất - “Phương thuốc vàng” tạo sinh khí trên cánh đồng (Bài 1)

Chủ nhật, 02/04/2017 | 15:58:51
2,077 lượt xem
Với mục tiêu để người nông dân thu lãi hơn 30% trên những cánh đồng, thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX khẳng định: Cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Để thực hiện mục tiêu này, thực hiện tích tụ ruộng đất là giải pháp đột phá, cần thực hiện trước tiên trong các giải pháp để tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát

Tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất.

Bài 1: Đột phá từ những mô hình

Xã Hồng An (Hưng Hà) có lợi thế nằm ven sông Hồng, hàng năm được bồi đắp một lượng phù sa màu mỡ. Từ năm 2010 trở về trước, do canh tác nhỏ lẻ 140ha đất bãi chỉ đạt giá trị sản xuất bình quân 70 - 80 triệu đồng/ha. Khi Hồng An thực hiện tích tụ đất bãi chuyển đổi sang trồng chuối, hiệu quả tăng cao rõ rệt. 

Anh Trần Tiến Hồng, thôn Bắc Sơn chia sẻ: Ban đầu, gia đình chỉ trồng thử 2 mẫu, sau một năm chuối cho thu hoạch, với giá bán trung bình 100.000 - 150.000 đồng/buồng, trừ chi phí còn thu lãi 130 triệu đồng/năm. Từ chỗ chỉ có vài chục hộ trồng với diện tích 15 - 20ha, đến nay đã tăng lên 110ha. 

Ông Trần Hữu Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trồng chuối với diện tích lớn và xây dựng được thương hiệu chuối Hồng An nên người dân không phải lo đầu ra sản phẩm. Trung bình 1ha chuối đầu tư giống và công chăm sóc khoảng 45 triệu đồng/năm nhưng cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của miền Bắc, Công ty TNHH Hưng Cúc có bước phát triển mới trong thắt chặt mối liên kết “4 nhà” bằng việc thuê 11ha cấy lúa tại xã Thanh Tân (Kiến Xương). Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: Việc Công ty thuê ruộng của 80 hộ tại cánh đồng hai thôn An Thọ, An Cơ Bắc của xã Thanh Tân là bước đột phá mới trong sản xuất, kinh doanh. Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch vùng sản xuất, đề ra định mức thuê diện tích ruộng trong vùng quy hoạch nên người dân vẫn còn một phần diện tích để canh tác. Đây là cách làm mới của Công ty khi thuê đất cấy lúa, các hộ nông dân vẫn bám đồng ruộng bảo đảm thu nhập của bản thân. Trên diện tích đất đã tích tụ, Công ty tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch. Những thửa ruộng nhỏ được gom lại thành cánh đồng lớn nên việc áp dụng cơ giới hóa thuận tiện hơn, giảm chi phí đầu tư sản xuất, thu lãi cao hơn so với việc cấy lúa trước đây của các hộ nông dân.

Sau khi cho doanh nghiệp thuê đất, nông dân được tiếp nhận vào làm tại Công ty TNHH Thái Hưng.

Đến thăm mô hình trồng dược liệu của gia đình anh Lê Ngọc Huê, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng ở xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) chúng tôi càng thấy rõ hơn hiệu quả từ việc tập trung đất sản xuất. Khởi nghiệp từ năm 2013, anh Huê nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương về thủ tục hành chính thuê đất trồng cây dược liệu với thời gian 10 năm, giá khởi điểm 1 triệu đồng/sào/năm. Sau gần 4 năm tìm tòi, thử nghiệm, Công ty xây dựng thành công mô hình trồng cây dược liệu quý, cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Những mảnh ruộng manh mún cấy lúa kém hiệu quả giờ đây được phủ một màu xanh với các cây dược liệu như: đinh lăng, cà gai, chùm ngây, thìa canh… mang lại giá trị cao. Mô hình của Công ty TNHH Thái Hưng không chỉ đem lại lợi ích cho Công ty mà còn tạo việc làm cho 40 lao động là những hộ dân cho thuê đất với thu nhập ổn định.  

Thực tế sản xuất từ các mô hình tích tụ ruộng đất đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường. Điển hình như sản xuất lúa theo hướng tích tụ ruộng đất nông nghiệp của HTX DVNN xã Đông Phương (Đông Hưng) lãi 22,4 triệu/ha/vụ; mô hình sản xuất lúa ở xã Thanh Tân (Kiến Xương) lãi 20,2 triệu/ha… Hầu hết các mô hình tích tụ bước đầu được đánh giá có hiệu quả cao hơn so với sản xuất thông thường khi chưa tích tụ từ 1,5 - 2 lần. Ngoài ra, đây còn là tiền đề quan trọng, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị cho nông sản.

Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà


Tích tụ ruộng đất là vấn đề tất yếu trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được các địa phương thực hiện. Điều này chứng minh bằng kết quả sản xuất thực tế ở các mô hình sau chuyển đổi ruộng đất, đó là giảm chi phí đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ thuận lợi, điều đáng nói hơn cả là thu hút được các doanh nghiệp tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất đã góp phần tạo nền tảng quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, phát huy được lợi thế cạnh tranh, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời hỗ trợ tích cực trong xây dựng nông thôn mới.  

Bà Trần Thị Lanh, chủ trang trại xã Bình Minh (Kiến Xương)

Hình thức liên kết tích tụ ruộng đất không chỉ đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho người thực hiện tích tụ mà còn giúp người nông dân có việc làm, không phải lo đầu ra cho sản phẩm, có thu nhập cao hơn và ổn định hơn. Đây là tiền đề quan trọng để hướng đến xây dựng vùng sản xuất chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.


Ông Vũ Khắc Bằng, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa (Vũ Thư)


Tôi mong muốn trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần đổi mới mạnh mẽ hơn về cơ chế, chính sách về nông nghiệp. Đẩy mạnh khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực nông nghiệp để hình thành những trang trại lớn ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ nên việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả sẽ đem lại giá trị cao hơn. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật để các doanh nghiệp, hộ dân yên tâm khi thực hiện tích tụ ruộng đất.

Mai Thư - Mạnh Thắng - Phan Lợi