Thứ 7, 23/11/2024, 04:45[GMT+7]

Gần 300 tỷ đồng xây dựng Tháp Thái Bình từ nguồn vốn xã hội hóa

Thứ 3, 04/04/2017 | 17:02:03
3,167 lượt xem
Với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa, Tháp Thái Bình khi hoàn thành sẽ là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của tỉnh. Ngoài ra, đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch khi đến Thái Bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phối cảnh tổng thể công trình Tháp Thái Bình được xây dựng trong khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình).

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương, Thái Bình đã và đang nỗ lực thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực và đa dạng hình thức đầu tư để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phát triển du lịch, văn hóa và thương mại, dịch vụ.

Tháp Thái Bình được xây dựng trong khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) kết nối với Quảng trường Thái Bình xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân” sẽ tạo thành quần thể các công trình kiến trúc trong khu vực; tạo điểm nhấn mang tính biểu tượng của tỉnh, là điểm du lịch, thương mại, dịch vụ, văn hóa của nhân dân trong và ngoài tỉnh. 

Toàn bộ kinh phí xây dựng Tháp Thái Bình gần 300 tỷ đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa, qua đó khơi dậy tình yêu quê hương, hướng về quê hương của nhân dân. Việc huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng Tháp Thái Bình theo tinh thần tự nguyện, không ép buộc… 

Đối tượng huy động là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đoàn thể xã hội trong và ngoài tỉnh; các doanh nhân và bà con quê hương Thái Bình đang học tập, lao động, công tác ở tỉnh ngoài hoặc nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh… 

Mặc dù mới được phát động trong thời gian ngắn nhưng đến nay Ban Vận động xây dựng công trình Tháp Thái Bình đã tiếp nhận tiền và hiện vật từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Phối cảnh công trình Tháp Thái Bình.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, công trình Tháp Thái Bình là sự kết hợp giữa kiến trúc đương đại và truyền thống, mang đặc trưng riêng của tỉnh. Tháp được xây dựng với quy mô 25 tầng, gồm 5 tầng đế, 19 tầng thân và tầng đỉnh. Tổng diện tích sàn xây dựng 16.870m2, chiều cao công trình từ cốt sân lên đỉnh mái 126,39m. Về công năng sử dụng, từ tầng 1 đến tầng 7 bố trí dịch vụ, thương mại; từ tầng 8 đến tầng 12 là không gian triển lãm; từ tầng 13 đến tầng 19 phục vụ dịch vụ văn hóa, du lịch; tầng 20 là tầng kỹ thuật; tầng 21 và tầng 22 là tháp chuông thông tầng và không gian tham quan; từ tầng 23 đến tầng 25 trưng bày phục vụ du lịch, văn hóa. 

Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng công trình Tháp Thái Bình là sự kiện quan trọng, không chỉ là niềm vui của nhân dân trong tỉnh mà còn là niềm vui của những người con xa quê đang học tập, lao động, công tác trên mọi miền Tổ quốc.

Với đặc thù về mặt kiến trúc và công năng sử dụng, công trình được xây dựng đòi hỏi về mặt thời gian tồn tại vĩnh cửu, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện rất công phu và tỷ mỷ mới đáp ứng được yêu cầu. Trước đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện các bước trình tự về đầu tư xây dựng công trình Tháp Thái Bình. Phương án thiết kế công trình được lấy ý kiến rộng rãi của các nhà chuyên môn, của nhân dân trong và ngoài tỉnh; tổ chức tuyển chọn theo quy định làm cơ sở để lựa chọn đơn vị triển khai lập, thẩm định và phê duyệt dự án. 

Đến nay, các công việc lập dự án, lựa chọn đơn vị xây dựng đã hoàn tất, đủ điều kiện để động thổ dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh sẽ thường xuyên đôn đốc, giám sát quá trình thi công, quản lý chặt chẽ tiến độ và chất lượng công trình theo quyết định đã được phê duyệt…


Ông Đỗ Quang Thường, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh

Chủ trương xây dựng Tháp Thái Bình được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đưa ra từ rất lâu, tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện. Thông tin công trình Tháp Thái Bình sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa trong khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) nên tôi và đông đảo người dân rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Tôi mong muốn sau lễ động thổ công trình sẽ sớm được triển khai xây dựng để đáp ứng nhu cầu về du lịch, thương mại, văn hóa của nhân dân…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Quý Đôn

Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương xây dựng Tháp Thái Bình trong khu công viên sinh thái tại phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) kết nối với Quảng trường Thái Bình xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với nông dân”. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị các ngành chức năng nghiên cứu thêm về tỷ lệ giữa đài tháp và chiều cao của toàn tháp vì nếu kích thước xây dựng mỗi cạnh của tháp là 40m nhưng chiều cao là 126,39m lại chưa có công trình phụ trợ ở chân đế cho nên tạo cảm giác chênh vênh, thiếu vững chắc.

Ông Hoàng Minh Chính, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn

Những năm qua, chủ trương xã hội hóa nguồn vốn và đa dạng hóa các hình thức đầu tư đã phát huy được hiệu quả. Trong xây dựng, tháp là công trình ấn tượng, tạo điểm nhấn về chiều cao, kiến trúc, cảnh quan đối với khu vực lân cận. Tháp Thái Bình là công trình phức hợp, chứa đựng văn hóa tâm linh và hoạt động thương mại, du lịch ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Thái Bình. Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương xây dựng Tháp Thái Bình bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây sẽ là cơ hội để cán bộ, nhân dân, doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay đóng góp xây dựng.

Ông Phan Viết Thắng, tổ 12, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình)

Tôi hoàn toàn nhất trí về chủ trương đầu tư, địa điểm xây dựng và tên gọi của công trình Tháp Thái Bình. Trong 3 phương án kiến trúc, mỗi phương án đều có những đặc điểm riêng, lồng ghép được ý tưởng mang biểu tượng của mảnh đất, con người Thái Bình và hồn cốt dân tộc với các họa tiết như hoa sen, trống đồng… Theo tôi, nếu kết hợp giữa phương án kiến trúc 1 và phương án kiến trúc 2 thì sẽ thể hiện được nét đẹp văn hóa dân gian. Tôi hy vọng sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Ông Mai Ngọc Lựu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm nông sản Thái Bình - nhà hàng 30/6

Chủ trương xây dựng Tháp Thái Bình bằng nguồn vốn xã hội hóa đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Đây là một trong những công trình sẽ tạo điểm nhấn góp phần để thành phố Thái Bình sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Vừa qua, tôi đã trực tiếp trao 50 triệu đồng của cán bộ, công nhân, người lao động Công ty Cổ phần Thực phẩm nông sản Thái Bình - nhà hàng 30/6 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh để ủng hộ xây dựng Tháp Thái Bình. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vận động người thân, bạn bè đóng góp để xây dựng công trình này.


Phạm Hưng