Thứ 2, 25/11/2024, 04:47[GMT+7]

Siết chặt quản lý rượu thủ công (Bài 1)

Thứ 3, 18/04/2017 | 08:15:37
2,213 lượt xem
Rượu thủ công hay còn gọi là rượu tự nấu, rượu quê từ lâu đã được rất nhiều người ưa chuộng, đem lại tâm lý an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên đó không phải là quan niệm đúng, nhất là từ sau hàng loạt vụ ngộ độc thậm chí tử vong vì rượu ở một số tỉnh, thành trong thời gian gần đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người uống rượu. Đặc biệt hơn, việc nấu rượu thủ công ở các vùng nông thôn từ trước tới nay lại gần như không có sự kiểm tra, kiểm soát của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.

Các loại rượu ngâm bày bán tràn lan ở các nhà hàng.

Kỳ 1: Rượu tự nấu có thật sự an toàn

Công tác quản lý còn buông lỏng

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: Từ trước tới nay mặt hàng rượu mới chỉ được kiểm tra và ký cam kết ở các nhà hàng ăn uống, cửa hàng kinh doanh nơi tiêu thụ sản phẩm, rất ít kiểm tra các hộ sản xuất rượu thủ công. Duy nhất cuối năm 2016, Đội QLTT chống hàng giả đi kiểm tra một số hộ sản xuất rượu thủ công ở huyện Hưng Hà đã xử phạt 5 triệu đồng đối với một hộ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường và UBND tỉnh về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng rượu, Chi cục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành và tổ chức ra quân kiểm tra từ ngày 5/4. Theo kế hoạch, Chi cục sẽ chỉ đạo các đội kiểm tra ở 45 cơ sở nấu rượu và nhà hàng lớn trên địa bàn tỉnh.

Tràn lan rượu tự nấu

Đi cùng Đội QLTT chống hàng giả, chúng tôi đến một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Thái Bình. Hầu hết các nhà hàng ăn uống đều có nhiều loại rượu để bán kèm với bữa ăn cho khách hàng như rượu trắng, rượu nếp cái hoa vàng, rượu ba kích, rượu táo mèo... Mặc dù đã được ký cam kết từ khi mở nhà hàng kinh doanh nhưng rất nhiều cửa hàng vẫn vi phạm về sản xuất, kinh doanh, nhập mặt hàng này. Điển hình như nhà hàng thế giới hải sản, đường Lê Quý Đôn (phường Trần Lãm), ngay khi mở cửa hàng đã ký cam kết không kinh doanh những mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác nhưng khi lực lượng chức năng tới kiểm tra thì tất cả các mặt hàng rượu trong cửa hàng đều không thực hiện đúng như cam kết. 

Ông Vi Văn Tiện, chủ cửa hàng cho biết: Tôi thường lấy rượu ở xã Nam Bình (Kiến Xương) mỗi lần lấy khoảng vài chục lít để về làm các loại rượu ngâm như táo mèo, ba kích, chuối hột... Nhà hàng mới chỉ đánh giá bằng cảm quan khi uống không thấy đau đầu cho đó là rượu an toàn, còn thực chất cũng không biết họ nấu thế nào và có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Hơn nữa cũng do mới mở cửa hàng nên cũng chưa chú ý nhiều đến vấn đề rượu. 

Tại nhà hàng Vi Khanh chúng tôi còn được chứng kiến nhân viên đang đóng các loại rượu trắng, rượu ba kích, táo mèo, nếp cái hoa vàng từ 4 can nhựa màu xanh sang hàng trăm chai nhựa. Sau khi kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện thấy tất cả các loại rượu đều không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, các loại can nhựa đựng rượu đều không được phép dùng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo chủ cửa hàng khai báo các loại rượu đó đều lấy ở xã Vũ Tiến (Vũ Thư) nên rất bảo đảm cho người sử dụng. 

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm nhà hàng ăn uống kinh doanh trên địa bàn tỉnh vi phạm về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu.

Khó khăn trong công tác quản lý

Theo cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 80% rượu được tiêu thụ là các loại rượu do người dân tự nấu bằng phương pháp thủ công. Trung bình mỗi thôn ít nhất có từ 1 - 2 hộ nấu rượu, mỗi hộ nấu một ngày một nồi với khoảng 4.000 lít/năm. Tuy nhiên, hầu hết các hộ sản xuất rượu thủ công đều không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng, không có giấy phép kinh doanh. Đáng ngại hơn, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ xuất hiện tràn lan tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đa số rượu được bán là rượu trắng, các loại rượu ngâm đựng trong can, chai nhựa, thùng phuy không có tem nhãn hàng hóa hay công bố tiêu chuẩn chất lượng với giá dao động từ 10.000 - 45.000 đồng/lít. 

Ông Nghiên cho rằng nấu rượu là nghề gia truyền trong hầu hết các xóm làng của người Việt nói chung, Thái Bình nói riêng, họ đều sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên rất khó cho công tác quản lý. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, các lực lượng chức năng phải lấy mẫu giám định với chi phí cao, thời gian dài. Trong khi đó chi phí cho việc lấy mẫu không có, người thực hiện lấy mẫu đòi hỏi phải được cấp chứng chỉ nghiệp vụ. Mặt khác, một số loại men nấu rượu tràn lan trên thị trường, không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không bảo đảm cũng rất khó kiểm soát. Lực lượng quản lý thị trường mỏng nhưng tỷ lệ hộ nấu rượu thủ công lại quá nhiều nên gần như chưa kiểm soát được.


Ông Bùi VănTuấn, Đội phó Đội QLTT chống hàng giả

Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, muốn bảo đảm các thông số đúng tiêu chuẩn hàm lượng methanol, ethanol... thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử nhưng để đầu tư được hệ thống này phải tốn tới vài chục triệu đồng, do đó rất ít hộ đầu tư được. Ngoài ra, muốn biết trong rượu có các chất độc tố hay không phải mua mẫu giám định, trong khi kinh phí không có nên việc quản lý rượu truyền thống cũng không dễ. Để kiểm soát được mặt hàng này thì phải quản lý triệt để từ gốc đến ngọn, từ người sản xuất đến người tiêu thụ, do đó rất cần sự vào cuộc của chính quyền sở tại.


Ông Bùi Xuân Thăng, chủ nhà hàng Vi Khanh, đường Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình


Do lo ngại về tình trạng rượu không bảo đảm chất lượng nên hiện nay nhiều khách hàng đã có thói quen mang rượu ở nhà đi để uống. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn sẵn sàng chuẩn bị các loại rượu ngâm để phục vụ khách hàng. Bình quân mỗi tháng nhà hàng lấy khoảng 30 triệu đồng tiền rượu, mỗi ngày tiêu thụ từ 10 - 15 lít rượu. Thuận tiện nhất của các nhà hàng là chỉ cần nhấc điện thoại gọi, ngay lập tức các cơ sở sản xuất rượu mang tới tận nơi, đáp ứng đầy đủ các loại rượu cho nhà hàng.


(còn nữa)

Thu Thủy