Chủ nhật, 24/11/2024, 01:15[GMT+7]

Tôn vinh sách để cứu văn hóa đọc

Thứ 6, 21/04/2017 | 08:07:28
1,134 lượt xem
Đó là mục đích lớn nhất trong tổ chức ngày sách Việt Nam (21/4). Năm 2017 là năm thứ 4 ngày sách Việt Nam được tổ chức trên phạm vi cả nước. Năm nay, những hoạt động hưởng ứng ngày sách Việt Nam tại Thái Bình cũng được tổ chức rộng rãi với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Siêu thị sách và thiết bị trường học cung cấp hàng chục thể loại sách phục vụ bạn đọc.

Sách trong đời sống xã hội

“Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Ruồi trâu”... là những cuốn sách gối đầu của nhiều thế hệ thanh niên khắp nơi trên thế giới. Vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, rào cản ngôn ngữ, văn hóa, những tác phẩm văn học bất hủ ca ngợi tình yêu Tổ quốc, khát vọng giải phóng con người, lý tưởng sống cao đẹp đã truyền cảm hứng, tiếp lửa nhiệt huyết cách mạng cho hàng triệu người. 

Năm 1954, lần đầu tiên ở Việt Nam, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Xô Viết Nicôlai Ôxtrovxki “Thép đã tôi thế đấy” được dịch sang tiếng Việt. Trong ký ức của những người lính Điện Biên là hình ảnh trong các chiến hào mù mịt đạn bom, khói lửa, các chiến sĩ vẫn chuyền tay nhau bản dịch tóm lược tác phẩm này với cái tên “Luyện thành gang thép”. “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”. 

Nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm là đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam thập niên 60, 70 của thế kỷ 20 cũng đã lấy lý tưởng sống của Pavel Korchagin (Thép đã tôi thế đấy) làm lý tưởng sống của mình. Chị và hàng vạn thanh niên Việt Nam đã gửi lại mãi mãi tuổi 20 nơi chiến trường khói lửa để tận hiến cho lý tưởng cao đẹp đó. Những tác phẩm bất hủ, những nhân vật từ cuộc đời đi vào những trang sách và từ những trang sách bước ra cuộc đời đã tiếp lửa cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam và thanh niên thế giới nguyện cống hiến tuổi trẻ cho những ước mơ và lý tưởng cao đẹp.

Trong xã hội ngày nay, mỗi người ai cũng từng gắn bó với sách. Ngày còn thơ bé là những câu chuyện cổ tích qua “sách truyền khẩu” của bà, của mẹ. Đến tuổi đi học tiếp cận với sách giáo khoa. Lớn lên, chúng ta đón nhận bao thể loại sách từ kỹ năng sống, y học thường thức, văn học cổ điển đến thiên văn học... Sách là người bạn, người thầy mở ra cho chúng ta chân trời tri thức, cho ta hiểu biết về cuộc sống, về sự bao la của vũ trụ, sách cũng dạy cho ta những điều nhỏ bé, giản dị nhất trong cuộc sống. “Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ loài người”.

Tôn vinh sách, đề cao văn hóa đọc

Dạo một vòng quanh thành phố Thái Bình, không khỏi trăn trở khi số lượng quán nhậu, quán “nét” cứ tăng lên từng năm còn các cửa hiệu sách thì hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu so sánh với sự phát triển chung của xã hội thì sự phát triển của sách tại Việt Nam có phần khiêm tốn. Truyền hình, internet, các thiết bị công nghệ thông minh đã ngốn hết thời gian dành cho sách của mỗi người. Những người đam mê sách không phải đã vắng bóng nhưng theo nhận xét tỷ lệ họ còn không nhiều. 

Khảo sát tại các hiệu sách để tìm hiểu về thị hiếu đọc trong xã hội hiện nay, xu hướng đọc cũng đã có nhiều thay đổi. “Khách hàng đa dạng lứa tuổi, họ chọn nhiều thể loại sách nhưng giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến văn học cổ điển, họ phần lớn hay đọc tiểu thuyết ngôn tình hiện đại”, đó cũng là thực tế buồn về thị hiếu đọc trong giới trẻ hiện nay. 

Nhận xét về phong trào đọc, bà Vũ Thị Chiên, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh cho biết khoảng 4 - 5 năm trở về trước, phong trào đọc giảm sút nghiêm trọng. Trước thực trạng này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung, hệ thống thư viện nói riêng đã nỗ lực cải thiện tình hình, chuyển hướng phục vụ từ “bạn đọc tìm sách” sang “sách tìm bạn đọc”. Từ đó đến nay, phong trào đọc đang có những chuyển biến tích cực. Để tăng cường đưa sách đến người đọc, những năm gần đây Thư viện tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như giao lưu, triển lãm, giới thiệu sách, tặng sách cho một số tủ sách tiêu biểu, thực hiện luân chuyển sách trong và ngoài hệ thống đồng thời tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho các tủ sách địa phương, tủ sách tư nhân, dòng họ... Song nhìn chung, sự huy động này mới nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm đối tượng chuyên về sách như các nhà xuất bản, nhà sách, tác giả, sự hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân cũng còn rất hạn chế.

Theo công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trung bình mỗi người Việt Nam đọc chưa đến một cuốn sách mỗi năm. Trên thế giới, người Do Thái được đánh giá có trí thông minh vượt trội bởi họ đọc sách ngay từ khi còn nhỏ và không ngừng đọc trong suốt cuộc đời. Người Pháp nổi tiếng ham đọc sách, trung bình mỗi người đọc 20 - 50 cuốn sách mỗi năm. 

Câu chuyện người Việt Nam ngại đọc sách đến nay đã không còn là vấn đề mới. Để cứu nền văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Năm 2017 là năm thứ 4 ngày sách Việt Nam được tổ chức trên phạm vi cả nước. Sau 4 năm, ngày sách Việt Nam đang dần nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhiều địa phương, đơn vị cũng có những hoạt động phong phú hưởng ứng. Năm nay, việc tổ chức ngày sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh cũng sớm được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai. 

Theo đó, lấy trọng tâm từ ngày 18 - 28/4, các sở, ngành như Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo... sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động như tuyên truyền về ngày sách Việt Nam, tổ chức ngày hội sách, triển lãm, trưng bày sách, tặng sách cho các thư viện, tủ sách tiêu biểu... 

Những ngày này, dễ dàng bắt gặp các băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng ngày sách Việt Nam. Tại nhiều trường học trong tỉnh cũng sôi nổi tổ chức ngày hội sách. Hy vọng, từ mỗi ngày hội sách, phong trào đọc sẽ càng được nhân rộng và tiếp tục sôi nổi cả năm chứ không im lặng như tờ sau ngày hội.



Bà Trần Thị Phương Thúy, cán bộ phụ trách thư viện, Trường Đại học Thái Bình

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các thiết bị di động thông minh đã ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc và thói quen đọc sách của giới trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng. Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc những năm qua, Trường Đại học Thái Bình đã quan tâm đầu tư hệ thống thư viện đồng bộ, hiện đại với trên 76.000 cuốn sách thuộc 14.000 đầu sách giáo trình và các thể loại sách khác. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tăng cường các buổi ngoại khóa, giới thiệu sách, trao đổi sách… Ngày hội sách được Trường Đại học Thái Bình tổ chức những năm gần đây cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách và lan tỏa văn hóa đọc, hướng tới một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.




Bà Trần Thị Kim Thoa, cửa hàng trưởng Siêu thị sách và thiết bị trường học, Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học Thái Bình


Văn hóa đọc được nhận xét là ngày càng phai nhạt trong cộng đồng nhưng tôi nghĩ không hẳn đúng bởi số lượng khách hàng đến với chúng tôi vẫn ổn định trong nhiều năm qua. Đối tượng khách hàng có ở mọi lứa tuổi, họ cũng mua đa dạng các thể loại sách. Sản phẩm sách hiện nay ngày càng phong phú về nội dung, hình thức đẹp. Hàng năm, Công ty chúng tôi vẫn phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức một số hoạt động như triển lãm sách, tặng sách... để có nhiều bạn đọc được tiếp cận với sách và được đọc sách.


Em Nguyễn Mạnh Cường, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh


Ngoài việc học tập, em rất thích và hay đọc hai thể loại là truyện tranh và ký sự chiến tranh, cũng hay đến các hiệu sách. Ở lớp em, có khoảng 25% bạn thích sách. Em mong có nhiều bạn quan tâm đến sách hơn, bởi vì có nhiều bạn đọc sách thì có thể trao đổi để giảm tiền mua sách mà vẫn được đọc nhiều sách.



Bảo Anh - Trịnh Cường