Thứ 7, 23/11/2024, 09:17[GMT+7]

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ

Thứ 3, 02/05/2017 | 19:05:11
3,942 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 5/2017)

Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn khá nhiều về suy thoái đạo đức, lối sống. Người thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Người gọi đó là các căn bệnh: “Óc hẹp hòi - Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc”[1]; và “Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”[2]. “Còn có những đồng chí chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”[2].

Ngay từ đầu năm 1948, khi nhà nước cách mạng còn hết sức non trẻ, gặp muôn vàn khó khăn, Người đã chỉ ra cần phải đấu tranh với những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em” ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”[3].

Người kiên quyết chống “Bệnh hẹp hòi”, vì “Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa..., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”[4]. Người giải thích về “Địa phương chủ nghĩa”, đó là: “chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung”[2].

Sau Cách mạng Tháng Tám, mặc dù những biểu hiện “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” chưa phổ biến, nhưng nhiều biểu hiện của bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi, đã bị Người chỉ ra và phê phán, như các bệnh: “Ham chuộng hình thức: Việc gì không xét đến cái kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ chăm về hình thức bên ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”[5]. “Bệnh “hữu danh, vô thực” - Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”[2]. “Bệnh kiêu ngạo - Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”[6].

Người cũng đấu tranh với các biểu hiện che giấu khuyết điểm: “Báo cáo thì chậm trễ, làm lấy lệ. Báo cáo dối, giấu cái dở cái xấu, chỉ nêu cái tốt cái hay. Báo cáo bề bộn - chỉ góp báo cáo các ngành, các cấp dưới, rồi cứ nguyên văn chép lại gửi lên,...”[7].


Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm chỉ ra các bệnh có các biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình:

- “Óc quân phiệt quan liêu.Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân”[8].

- “Làm việc lối bàn giấy. Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo... Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn”[9].


- “Bệnh mệnh lệnh tỏ ra ở chỗ hay dựa vào chính quyền mà bắt dân làm, ít tuyên truyền giải thích cho dân tự giác, tự động”[10].

Người yêu cầu chống các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân: “Phải chống sự mong muốn làm cho được lòng cấp trên còn ở dưới nhân dân thế nào cũng mặc, không thể vì lợi ích của Đảng mà chống nhân dân mà quan liêu, hạ mệnh lệnh”[11].
Những biểu hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... cũng được Người chỉ ra từ rất sớm trong một số cán bộ, đảng viên có những biểu hiện, như: “Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân. Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”[12].


Người cũng kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với các đối tượng khác để trục lợi. Người chỉ rõ: “Bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[13].

Ngay từ đầu năm 1947, Hồ Chí Minh đã nêu và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện thao túng trong công tác cán bộ, mà Người gọi là: “Óc bè phái: Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”[14] và “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”[15].

“Do ít hiểu biết về tình hình trong nước và ngoài nước, ít nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho nên gặp thuận lợi thì dễ lạc quan tếu, gặp khó khăn thì dễ dao động, bi quan, lập trường cách mạng không vững vàng, thiếu tinh thần độc lập suy nghĩ và chủ động sáng tạo. Do đó mà gặp nhiều khó khăn trong công việc, tác dụng lãnh đạo bị hạn chế”[16].

Nguyên nhân của những biểu hiện suy thoái có nhiều, nhưng chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Theo Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí. Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”[17].

(còn nữa)

 Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.296.
[2],[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.295, 94.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.454.
[4],[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.276, 87-88.
[5],[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.94, 297.
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.295.
[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.417.
[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.88.
[9]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.89.
[10]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.33.
[11]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.370.
[12]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.508-509.
[13]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.546-547.
[14]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.94.
[15]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.297.
[16]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.30-31.
[17]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.611.