Thứ 7, 23/11/2024, 09:24[GMT+7]

Trông non xanh ngẫm về biển cả

Thứ 2, 08/05/2017 | 09:31:09
1,271 lượt xem
Thành công của tỉnh Sơn La trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng đã chứng minh rằng điểm quan trọng nhất làm nên sức hấp dẫn của loại hình du lịch này chính là bản sắc văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc miền Tây Bắc.

Đập thủy điện Sơn La

Du khách đến với Sơn La đều muốn được trải nghiệm, được khám phá những gì thuộc về văn hóa truyền thống trong sinh hoạt đời thường, trong lao động sản xuất của người dân. Đất và tình người Sơn La níu giữ du khách tạo cho du khách hứng thú khi trải nghiệm du lịch cộng đồng chính là sự độc đáo của văn hóa vùng miền, là nét riêng có của mỗi địa phương chứ không phải là những công trình xây dựng hiện đại, sang trọng hay những dịch vụ đắt đỏ đi kèm.

Đường về Bản Áng 

Đêm Tây Bắc về khuya yên ả, sương xuống ướt lạnh đôi vai, câu chuyện về phát triển du lịch nhất là du lịch cộng đồng là một thành công đã được khẳng định ở Sơn La giữa tôi và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh càng thêm rôm rả trong dập dìu điệu xòe Tây Bắc. 

Anh Khánh cho biết: Để có được thành quả như hôm nay, HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thông qua đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020. Việc ban hành đề án thể hiện tầm nhìn chiến lược phát triển du lịch dài hơi nhằm phát huy tiềm năng các vùng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh nhất là vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La và thủy điện Nậm Chiến I. Đề án góp phần đánh giá và làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực, dự báo những thuận lợi, khó khăn để đề ra những định hướng cho phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trong giai đoạn tới, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La cụ thể hóa thành kế hoạch, cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng hồ phát triển trong đó khai thác tiềm năng du lịch là một trong những nội dung quan trọng.

Khách du lịch trải nghiệm tại Mộc Châu. 

Để khám phá du lịch cộng đồng và trải nghiệm, chúng tôi đến Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tìm về Home Stay Hoa cảnh cao nguyên. Đây là khu nghỉ dưỡng dành cho mọi du khách thích cảm giác thư giãn, thưởng ngoạn vẻ đẹp các loài hoa, thưởng thức dâu tây Mộc Châu và ẩm thực dân tộc vùng Tây Bắc. Phải đi một đoạn đường quanh co trải bê tông rộng chừng 2m dài khoảng 6 - 7km mà cũng chỉ đủ cho một đầu xe ra hoặc vào nhưng lúc nào cũng đông đúc. Được đồng nghiệp Báo Sơn La đi cùng giúp đỡ nên chúng tôi có ngay một phòng ngủ cộng đồng. Một đêm trải nghiệm du lịch cộng đồng giữa thiên nhiên hoang sơ cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên. 

Nhà báo Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính Báo Sơn La cùng trải nghiệm với chúng tôi cho biết dòng sông Đà chảy trên địa bàn tỉnh Sơn La qua 329 bản, 46 xã của 8 huyện, với gần 110.000 người dân sinh sống lâu đời gắn bó. Hai công trình thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La có vùng hồ nhân tạo với diện tích rộng gần 21.000ha đem lại tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải, du lịch và thương mại. 

Điểm mạnh để phát triển du lịch, đó là cảnh quan lòng hồ với mặt nước mênh mông trong xanh, thiên nhiên hùng vĩ với những cánh rừng, dãy núi đá vôi hai bên bờ, đặc biệt có các đảo, bán đảo nhỏ liên tiếp nối liền nhau trên mặt nước và các bản làng dân tộc với nét truyền thống tạo nên vùng cảnh quan đặc sắc, nguyên sơ, yên bình của vùng núi. Trên vùng hồ thủy điện còn có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, như khu vực huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mường La và Quỳnh Nhai có diện tích rừng khá lớn, với quần thể sinh học đa dạng, các loài thực vật quý hiếm như nghiến, lát, tre, cây dược liệu; hệ động vật có các loài linh trưởng, bò sát có giá trị phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. 

Huyện mới Vân Hồ đã quy hoạch xây dựng tuyến du lịch Mộc Châu - Vân Hồ - Chiềng Yên, lòng hồ sông Đà, thác Chiềng Khoa, đặc biệt du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha, khu rừng có diện tích hơn 43.000ha trong đó 16.000ha vùng lõi với nhiều loài thực vật ghi trong sách đỏ thế giới như Pơ mu, đinh tùng, bách xanh, thông 5 lá, động vật hoang dã như gấu, khỉ mặt đỏ, gà mặt vàng… 

Ngoài ra, lòng hồ thủy điện Sơn La có các loài thủy sinh phong phú với hàng trăm loài cá sinh sống có giá trị về kinh tế, ẩm thực địa phương. Văn hóa các dân tộc thiểu số trên vùng hồ cũng là điểm nhấn, với cộng đồng nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Mường, H’Mông, Khơ Mú, La Ha, Kháng. Nhiều nét đẹp về lễ hội, phong tục đặc trưng của các dân tộc còn lưu giữ. 

Mới đây, nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ và các sản phẩm dịch vụ du lịch được đầu tư mới; đổi mới phong cách phục vụ, mở các quầy bán hàng lưu niệm phục vụ du khách. Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đưa trang trại du lịch bò sữa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm, du khách có thể làm công nhân vắt sữa, chăn bò... Nhà hàng Suối Hẹn đang đầu tư hoàn thiện khu trung tâm tổ chức các sự kiện… tạo thành chuỗi liên kết cùng nhau phát triển du lịch, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan. 

Cao nguyên Mộc Châu có nhiều điểm đang thu hút đông khách du lịch như: khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang; khu thác Dải Yếm, xã Mường Sang; khu cửa khẩu Lóng Sập, xã Lóng Sập; khu du lịch Ngũ động bản Ôn ở thị trấn nông trường Mộc Châu, cùng một hệ thống các điểm du lịch vệ tinh khác…

Vườn lan 200 loài.

Ngước trông non xanh mà ngẫm về biển cả, rừng đã là vàng nên trong tiến trình phát triển du lịch những nhà hoạch định chiến lược của Sơn La đang biến cao nguyên Mộc Châu - Vân Hồ thành một thiên đường du lịch, thu hút du khách bởi những mùa hoa, những trải nghiệm du lịch nông nghiệp khai thác hiệu quả cả bốn mùa để du khách đến với cao nguyên Mộc Châu - Vân Hồ luôn cảm nhận được những cảm xúc mới lạ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Anh Đức, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật Sơn La


Ngoài cao nguyên Mộc Châu - Vân Hồ, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La, lòng hồ thủy điện…, Sơn La còn nhiều điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách khác, ví như xã vùng cao Tà Xùa (Bắc Yên) nằm ở độ cao trung bình hơn 2.500m so với mực nước biển, không chỉ nổi tiếng với chè shan tuyết, quả sơn tra mà còn độc đáo bởi những “biển mây” bồng bềnh, đẹp đến lạ kỳ, hút hồn du khách. Tuy không phải “dân phượt” chuyên nghiệp nhưng tôi cũng thường xuyên lên vùng cao Tà Xùa qua những chuyến đi thực tế sáng tác và lần nào cũng đi hết ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác trước “biển mây” quần tụ, ào ạt di chuyển suốt từ bình minh cho tới lúc hoàng hôn buông xuống.


 
Anh Lương Đình Dũng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội


Phong tục tập quán đa dạng với lễ hội của người Mông, nét văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái nơi đây luôn hấp dẫn tôi đến với Sơn La nhất là dịp ngày hội văn hóa các dân tộc ở cao nguyên Mộc Châu. Sự đa dạng, phong phú về văn hóa cùng sự hòa đồng giữa thiên nhiên với con người chính là thế mạnh của du lịch vùng cao nguyên nơi đây.


 Chị Nguyễn Hà Trang, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng


Tôi tìm đến vùng cao Sơn La để du lịch vì tôi muốn khám phá những nét văn hóa, những phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường… được sống và trải nghiệm cùng đồng bào dân tộc chứ loanh quanh mãi với những con đường trải nhựa phẳng lì, những khu phố sầm uất hàng hóa ngoại nhập rồi những dịch vụ hiện đại thì Hải Phòng có thiếu gì đâu.                                                                                                                              


Quang Viện