Thứ 6, 22/11/2024, 05:26[GMT+7]

Công nghiệp về làng (Kỳ 2)

Thứ 4, 24/05/2017 | 09:33:37
3,781 lượt xem
Không khó để nhận ra một số làng nghề trên địa bàn tỉnh có tuổi đời hàng trăm năm đến nay vẫn tồn tại và phát triển, tiêu biểu như dệt khăn ở Thái Phương, dệt chiếu ở Tân Lễ, mây tre đan ở Thái Xuyên, chạm bạc ở Kiến Xương… Những làng nghề trên đã không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp mà còn tạo dựng được thương hiệu của làng nghề.

Máy dệt lưới nilon công nghiệp ở cơ sở sản xuất chiếu Chung Anh.

Kỳ 2: Sức sống ở nhiều làng nghề

Ở Thái Thụy, có lẽ danh hiệu làng nghề được nhắc đến nhiều nhất là nghề móc sợi của Doanh nghiệp mây tre Thanh Bình (xã Thái Xuyên). Bà Tạ Thị Hương, Phó Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Làng nghề mây tre đan có từ lâu đời, từ mô hình hợp tác xã đến khi hoạt động theo mô hình tổ hợp sau đó mai một chỉ còn lại duy nhất doanh nghiệp duy trì làm nghề. Thanh Bình đã phối hợp với hội phụ nữ các xã vừa đào tạo nghề vừa đưa nguyên liệu về cho hàng chục nghìn người dân trong và ngoài huyện. Đến năm 2013, khách hàng nước ngoài yêu cầu làm tập trung nên số lao động mặc dù giảm nhưng Doanh nghiệp vẫn tạo việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động tại xưởng và hàng nghìn lao động vệ tinh với thu nhập ổn định. 

Bà Phạm Thị Đông, xã Thái Thượng chia sẻ: Nhà có 4 khẩu nhưng chỉ cấy có 2 sào lúa để còn dành thời gian đi làm nghề. Nghề chính của gia đình là nghề cá có thu nhập tương đối ổn định song tôi vẫn tranh thủ đến xưởng của Thanh Bình móc sợi để mỗi tháng có thêm từ 2,5 - 3 triệu đồng. Doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm nên không bị gò bó về thời gian và đặc biệt là khi gia đình có việc đều có thể nghỉ nên đây là nghề rất phù hợp với người nông dân.

Huyện Hưng Hà có rất nhiều làng nghề phát triển mạnh, điển hình như nghề dệt khăn ở Thái Phương ngay từ thập niên 80 các hộ dân đã thi nhau thành lập doanh nghiệp với gần 100 doanh nghiệp để ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, làng Mẹo ở Thái Phương được mệnh danh là làng tỷ phú từ hàng chục năm qua. Điều đặc biệt, nghề dệt khăn không chỉ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương, chiếm 11,8% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện mà nhiều người dân trong làng nghề còn phát triển thành đạt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã có làng Mẹo thứ hai hình thành với khoảng 200 hộ làm nghề. Đây cũng là nơi được đánh giá là con em làng Mẹo đi làm ăn xa thành đạt nhất. Ngoài ra, còn nhiều tập đoàn kinh tế lớn khác đi lên từ làng Mẹo như Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Huy ở Hà Nội phát triển đa ngành nghề về nhiệt điện, xây dựng, giao thông, nước giải khát, dệt; Tập đoàn kinh tế Hương Sen, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long ở thành phố Thái Bình... Nhờ đó, Thái Phương đã được các con em làm ăn thành đạt đầu tư, vận động tài trợ về cho địa phương hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường mầm non, hội trường thôn, đài tưởng niệm liệt sĩ, biểu tượng làng nghề, hồ sinh thái, xe cứu thương, trạm y tế, trường cấp II... 

Không chỉ nghề dệt khăn, nghề dệt chiếu ở Hưng Hà cũng hình thành và phát triển khá mạnh, trong đó chủ yếu tập trung ở thị trấn Hưng Nhân và xã Tân Lễ, giá trị sản xuất chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 336 máy dệt chiếu, lưới công nghiệp, trong đó 93 máy dệt chiếu cói, 227 máy dệt chiếu nilon, 16 máy dệt lưới công nghiệp. Hiện nay Tân Lễ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và tiêu thụ chiếu nilon lớn nhất cả nước, sản phẩm được tiêu thụ trên toàn quốc và là nơi trung chuyển, tiêu thụ chiếu cho các địa phương khác ở Quỳnh Phụ, Thanh Hóa…

Nghề chạm bạc ở Kiến Xương.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương) không chỉ có bề dày lịch sử gần 700 tuổi mà vừa qua còn được cấp lô gô thương hiệu bảo hộ đối với các sản phẩm làng nghề. Đây là minh chứng cho sự trường tồn và phát triển bền vững của làng nghề truyền thống. 

Xã Lê Lợi (Kiến Xương) hiện có gần 8.000 nhân khẩu nhưng có tới 2.500 lao động tham gia trực tiếp làm nghề. Ông Dư Ngọc Năm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề chạm bạc có từ hàng trăm năm nay, cứ đời này nối tiếp đời kia không bao giờ ngừng hoạt động. Trước đây, mọi nhà phần lớn làm thủ công, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng gõ lách cách đục chạm trổ sản phẩm. Đến nay nhiều cơ sở đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc thiết bị hiện đại về sản xuất, sản phẩm vì thế cũng đa dạng, phong phú hơn. Nghề chạm bạc đã đóng góp trên 70% vào giá trị sản xuất công nghiệp của xã, thu nhập bình quân từ nghề đạt 3 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 3%. Xã Lê Lợi cũng rất tự hào bởi hiện nay địa phương còn tồn tại HTX Chạm bạc Phú Lợi được hình thành từ năm 1958 hiện còn lưu giữ nhiều sản phẩm độc đáo của làng nghề.  

Ông Đặng Văn Nghĩa, thôn Phú Ân đã có hơn 30 năm làm việc tại HTX Chạm bạc Phú Lợi khẳng định: Mặc dù tuổi đã cao song tôi vẫn muốn cống hiến một phần công sức cho sự phát triển của HTX. Đến HTX làm đều đặn mỗi tháng tôi có thu nhập trên 3 triệu đồng mà vẫn tranh thủ cấy được hơn mẫu lúa. Tiện nhất là được làm ở gần nhà, trưa đạp xe về nhà ăn cơm đến giờ lại đi làm. Hơn nữa HTX còn đóng bảo hiểm xã hội cho thành viên nên chúng tôi rất yên tâm gắn bó với HTX.

Như vậy, sự phát triển của các làng nghề không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.


Ông Nguyễn Văn Bắc, chủ cơ sở sản xuất chiếu Chung Anh, xã Tân Lễ (Hưng Hà)

Xuất phát từ nghề dệt chiếu cói của địa phương, năm 2012 tôi đã mạnh dạn thuê 12.000mđất mở sang nghề dệt chiếu nilon và lưới nilon. Đến nay cơ sở có trên 130 máy dệt công nghiệp với công suất trên 4.000 chiếc chiếu/ngày, xuất đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với đà sản xuất trên, bình quân mỗi năm cơ sở đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng. Điều tôi vui nhất là đã tạo việc làm cho trên 200 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng, đồng thời sản phẩm chiếu nilon của cơ sở đã thay thế hoàn toàn chiếu cùng loại của Trung Quốc hiện nay.


Bà Lê Thị Phương, thôn Phú Ân, xã Lê Lợi (Kiến Xương)

Học hết lớp 9, tôi học nghề và làm tại HTX Chạm bạc Phú Lợi từ năm 1980 đến nay. Công việc không phải đi xa, nghề có sẵn ở địa phương nên từ đó đến giờ chỉ nghĩ đến làm nghề. Thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng cộng với việc cấy thêm 5 sào lúa đã cho tôi cuộc sống ở nông thôn khá đầy đủ, bảo đảm nuôi con cái học hành. Đó là cái lợi lớn nhất của làng nghề trong tỉnh nói chung, nghề chạm bạc nói riêng đối với người lao động chúng tôi.


Bà Vũ Thị Khuyên, xã Thái An (Thái Thụy)

Trong hoàn cảnh cuộc sống thiếu thốn, khó khăn đủ thứ, tôi xin vào làm ở Doanh nghiệp mây tre Thanh Bình. Đây là một doanh nghiệp phát triển rất bài bản, chiến lược kinh doanh rất tốt nên công nhân không bao giờ hết việc làm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm của Doanh nghiệp đều xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài vì thế chúng tôi cũng rất tự hào vì đã góp phần vào thành công cho Doanh nghiệp. Thật may mắn cho những người nông dân như tôi khi có thêm thu nhập từ nghề phụ và được làm tại địa phương.


(còn nữa)

Thu Thủy