Thứ 2, 25/11/2024, 16:45[GMT+7]

Cách diệt chuột ở Ðông Tân

Thứ 2, 21/08/2017 | 09:36:27
3,146 lượt xem
Thời điểm lúa mùa đẻ nhánh và chuẩn bị làm đòng cũng là lúc chuột hoành hành, phá hoại. Xã Đông Tân (Đông Hưng) đã có nhiều sáng tạo trong diệt chuột bảo vệ sản xuất, giảm công lao động và tiết kiệm chi phí cho nông dân.

Đến nay, người dân Đông Tân không còn phải lo chuột phá hoại lúa. Bả diệt chuột sinh học có hình dạng giống như viên cám công nghiệp, được làm từ đậu, đỗ tương trộn với thuốc sinh học.

Ông Phạm Hoàng Sỹ, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Tân cho biết: Toàn xã có 472ha lúa mùa. Những năm trước đây, vụ nào chuột cũng cắn lúa rất nhiều, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa và giảm năng suất. Để hạn chế chuột phá hoại, xã thực hiện nhiều phương pháp đánh bắt chuột thủ công, giận bờ cỏ hạn chế nơi trú ngụ của chuột, đặt bẫy, lập tổ, đội đi bắt chuột… Có ngày, toàn xã bắt được 40 - 50kg chuột, tuy nhiên giải pháp này vẫn chỉ mang tính tình thế, hiệu quả chưa cao, chuột vẫn sinh sôi và gây hại đối với cây trồng. Vụ xuân năm 2017, mức độ chuột phá hoại cũng rất lớn. Vì vậy, HTX đã hợp đồng với Công ty Môi trường xanh, dùng bả sinh học để diệt chuột và đã thành công, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra. Kết quả, vụ xuân vừa qua, toàn xã được mùa, năng suất lúa bình quân đạt 70 tạ/ha.

Theo ông Sỹ, diệt chuột bằng bả sinh học không chỉ mang lại hiệu quả cao mà người nông dân cũng nhàn hơn rất nhiều. Toàn bộ quá trình diệt chuột sẽ do Công ty trực tiếp đảm nhiệm với một tổ chuyên nghiệp chuyên đi bỏ thuốc. Mỗi vụ được chia làm 3 đợt đánh. Ngoài việc đánh bả ở những vùng ổ tập trung nhiều chuột, tổ diệt chuột cũng đánh tại những bãi rác, vùng chuyển đổi, vùng giáp ranh với các xã khác… Bả diệt chuột sinh học không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho con người, gia súc, gia cầm và có chất dẫn dụ chuột tìm đến ăn thuốc. Khi chuột ngấm thuốc sẽ tự động chui vào lỗ và chết trong đó nên không mất công thu gom, chôn lấp xác chuột và không ảnh hưởng tới môi trường.

Để bảo đảm hiệu quả, khi tổ diệt chuột đi đánh bả, cán bộ HTX đi cùng. Ban quản trị HTX sẽ kiểm tra việc đặt mồi của các tổ diệt chuột để điều chỉnh lượng mồi, kỹ thuật đánh và số lượng mồi chuột ăn để lên kế hoạch chỉ đạo các tổ đặt mồi bả. Ngoài những đợt đánh tập trung thì người dân cũng được phát thêm thuốc để về tự bỏ tại ruộng. Hiện nay, các hộ dân trong xã đã thống nhất đóng góp 35.000 đồng/sào/vụ cho HTX để trả tiền công diệt chuột. 

Ông Phạm Văn Vương, xóm 6, thôn Lại Xá, xã Đông Tân cho biết: Tôi cấy hơn 2 mẫu ruộng. Trước đây, khi chưa có bả sinh học, ban ngày tôi phải đi quây nilon, tối đi kiểm tra, bỏ công ra rất nhiều, chưa kể đến chi phí mua cọc tre, nilon, dây buộc mất 60.000 - 70.000 đồng/sào mà hiệu quả không cao. Từ khi có bả diệt chuột sinh học tôi rất yên tâm, không phải thường xuyên ra đồng kiểm tra nữa mà lại tiết kiệm được chi phí sản xuất. 

Bà Vũ Thị Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Tân cho biết: Trước kia, nếu chị em đi làm công ty về, tối đến vẫn phải ra đồng để cắm cọc, quây nilon hạn chế chuột phá hoại thì giờ đã yên tâm giao cho HTX đảm nhiệm. Phương pháp diệt chuột hiệu quả không những góp phần giải phóng sức lao động cho phụ nữ mà còn giúp chị em có thêm thời gian để nghỉ ngơi và tham gia sinh hoạt hội.

Diệt chuột bằng bả sinh học hiệu quả đã giúp hạn chế thấp nhất tình trạng chuột phá hoại lúa trên địa bàn xã Đông Tân. Trong khi ở nhiều địa phương, nilon quây trắng kín đồng chuột vẫn cắn phá mất từ 10 - 15% diện tích lúa mùa thì hiện ở Đông Tân diện tích quây nilon chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng chi phí sản xuất cho người dân.

Thùy Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày