Thứ 6, 22/11/2024, 14:32[GMT+7]

Triển vọng từ các khu công nghiệp, khu kinh tế

Thứ 6, 01/09/2017 | 08:52:51
10,008 lượt xem
Phát huy tiềm năng, thế mạnh, Thái Bình đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nhằm đưa các khu công nghiệp, khu kinh tế trở thành đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Nhà máy sản xuất ba lô, túi xách ở khu công nghiệp Sông Trà.

Đến nay, tỉnh có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.211ha, gồm khu công nghiệp Phúc Khánh 200ha, khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh 68,4ha, khu công nghiệp Gia Lễ 85ha, khu công nghiệp Sông Trà 200ha, khu công nghiệp Cầu Nghìn 211,72ha, khu công nghiệp Tiền Hải 446ha. Trong 6 khu công nghiệp đang hoạt động có 3 khu công nghiệp được lấp đầy, 3 khu công nghiệp đang hoàn thiện xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Đến nay có 168 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với số vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, trong đó có 126 dự án đầu tư trong nước và 42 dự án đầu tư nước ngoài. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp tăng bình quân hàng năm 15%, chiếm trên 40% giá trị sản xuất ngành Công nghiệp của tỉnh. Giá trị xuất nhập khẩu cũng tăng bình quân từ 16 - 17%/năm, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho 55.000 lao động.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, hoạt động của các khu công nghiệp có nhiều chuyển biến. Khu công nghiệp Tiền Hải đã tổ chức cắm mốc quy hoạch mở rộng từ 60ha lên 446ha và giao cho nhà đầu tư hạ tầng Viglacera thực hiện, đến nay đã có mặt bằng cho thuê 26,9ha. Hiện tại đơn vị đang đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số nhà đầu tư của Nhật Bản để làm túi khí và tay lái ô tô. Ngoài ra một loạt nhà máy trong khu công nghiệp cũng đã hoàn thành mở rộng quy mô sản xuất như Công ty TNHH Sứ Hảo Cảnh, Nhà máy gạch men Mikado, Công ty Cổ phần Cerinco, Công ty Cổ phần Gạch men sứ Long Hầu... 

Ở khu công nghiệp Cầu Nghìn, nhà đầu tư đã triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 9/2017 và đã có 44ha mặt bằng sạch, san lấp được 10ha sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư xây dựng sản xuất, kinh doanh. Nổi bật nhất ở khu công nghiệp này là ngay khi thực hiện việc xóa bỏ lò vôi đã thu hút được một số nhà đầu tư tới tìm hiểu nghiên cứu đầu tư. Đây là tín hiệu đáng mừng của một khu công nghiệp đã bị rất nhiều nhà đầu tư từ chối do khói bụi và tình trạng ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua.

Thu hút các nhà đầu tư có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp nội đồng.

Đặc biệt, ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập khu kinh tế Thái Bình. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện lập đề án thành lập ban quản lý, quy hoạch chung xây dựng, tổ chức xúc tiến đầu tư và huy động nguồn lực thực hiện đầu tư. Trong đó, khu công nghiệp Xuân Hải, khu công nghiệp Thụy Trường đang thực hiện quy hoạch phân khu và đã có Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hàn Quốc đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng vào khu công nghiệp Thụy Trường. 

Đối với những khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đang xây dựng đề án, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đưa vào mạng lưới các khu công nghiệp tỉnh đến năm 2020. Trong tương lai, khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tại Quỳnh Phụ sẽ thực hiện vận hành theo chuỗi khép kín từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối. Hiện nay, khu công nghiệp này đã có nhà đầu tư là liên doanh Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. Khu công nghiệp Sông Trà II cũng sẽ được điều chỉnh bổ sung quy hoạch 300ha và chỉ thu hút những dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất.

Ông Khúc Văn Lượng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng: Để các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển theo hướng đột phá cần phải xây dựng khu vực cảng và khu dịch vụ cảng để tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa và tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Phát triển theo hướng này sẽ khai thác được nhiều vấn đề thông thương qua cảng, không chỉ phục vụ cho tàu cung cấp dầu của các công ty lớn mà còn phục vụ cho các tàu hàng hóa khác để phát triển các dịch vụ đi kèm. Từ đó các doanh nghiệp sẽ làm thủ tục thông quan và nộp ngân sách cho Hải quan Thái Bình. Cùng với đó phải đột phá bằng việc đầu tư khu công nghiệp Thụy Trường và khu công nghiệp Xuân Hải để tận dụng các lợi thế từ sự kết nối về hệ thống giao thông và trung tâm của các điểm kết nối với các vùng lân cận và sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Khi khu kinh tế Thái Bình được hình thành, sẽ có các khu chức năng như khu Trung tâm Điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ, khu hành chính... Sự hiện hữu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tương lai sẽ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế  - xã hội địa phương phát triển.

Thu Thủy