Thứ 3, 23/07/2024, 07:32[GMT+7]

Nhà hát Chèo trên đất chèo

Thứ 2, 25/09/2017 | 08:55:12
2,391 lượt xem
Xưa và nay, miền quê Thái Bình vẫn được cả nước tôn vinh là quê lúa, đất chèo.

Vở “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” của Nhà hát Chèo Thái Bình.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Thái Bình, ngoài những làng có tổ chức hát chèo, diễn chèo theo lối “cây nhà lá vườn” thì có nhiều phường, hội, gánh chèo do các ông trùm đứng ra thành lập, duy trì hoạt động trong và ngoài tỉnh để sinh sống bằng nghề chèo. Có những gánh chèo lớn, tồn tại lâu dài với những ông trùm, những đào kép, nhạc công danh tiếng trong làng chèo, từng được các xứ Đông, Đoài, Nam, Bắc nể phục.

Trong khí thế xây đời sống mới của những ngày đầu độc lập, nhiều xã đã thành lập được đội văn nghệ, nhiều nghệ nhân chèo đã tham gia công tác tuyên truyền cổ vũ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Sau năm 1954, phong trào hát chèo, diễn chèo đã phổ cập ở nhiều làng xã trong tỉnh. Năm 1959, Đội văn công nhân dân tỉnh Thái Bình được thành lập, đó là tiền thân của Nhà hát Chèo Thái Bình ngày nay. Do phong trào hát, diễn chèo phổ biến nên đội ngũ diễn viên, nhạc công được tuyển dụng vào thời ấy hầu hết là những người có tài năng, giàu tâm huyết. Nếu không kể đến danh tiếng của lớp nghệ nhân tham gia trong những năm đầu thì những nghệ sĩ tài danh sau này như Đăng Tỉnh, Mạnh Tường, Văn Mởn, Thúy Hiền, Thu Hiền, Minh Nhương… cũng đáng được xếp vào hàng có danh vọng trong sân khấu chèo Việt Nam thế kỷ XX.

Quá trình gần 60 năm hoạt động và trưởng thành, từ đội văn công thành đoàn chèo rồi từ đoàn chèo thành nhà hát chèo không chỉ là quá trình khẳng định vị thế một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của đất chèo với giới chèo cả nước, với công chúng yêu chèo trong và ngoài nước mà còn là quá trình cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh gìn giữ một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc mà ông cha đã sáng tạo và trao truyền lại.

Tiếp bước các thế hệ cha anh, trên chặng đường 10 năm qua, Nhà hát Chèo Thái Bình vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao vừa nối dài thêm chương trình kịch mục bằng 10 vở chèo dài, trong đó có những vở đã giành giải cao trong các kỳ hội diễn chèo toàn quốc như Bát Nàn tướng quân, Nguyễn Công Trứ, Bùi Viện… Một số vở đã được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng nhiều lần, được khán giả hâm mộ chèo đặc biệt quan tâm theo dõi. Ngoài các vở chèo dài, Nhà hát còn dàn dựng và nâng cao 16 trích đoạn chèo, 6 tiểu phẩm hài, 3 giá đồng, 5 giá đồng rồi 7 giá đồng… và đã công bố một đĩa CD với 13 làn điệu chèo truyền thống.

Để có những con số thống kê ấy, tập thể lãnh đạo, diễn viên, nhạc công, công nhân viên Nhà hát đã liên tục bền bỉ phấn đấu, tận dụng được những cơ hội, vượt qua được những khó khăn để sáng tạo nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm được Nhà hát dàn dựng trong 10 năm qua đều bám sát chủ đề, đề tài về truyền thống Thái Bình như vở diễn về các danh nhân, những trích đoạn mang sắc thái chèo Thái Bình, ngợi ca đồng đất và con người Thái Bình… Trong bối cảnh chung của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước thì Nhà hát Chèo Thái Bình đã tìm lối đi riêng cho mình để tự khẳng định. Làm được như thế là bởi mỗi thành viên Nhà hát đều đã thống nhất tìm được đúng lời đáp cho câu hỏi: “Mình ăn cơm ai, mặc áo ai để tồn tại và phát triển?”.

Ngoài 3 kỳ hội diễn giành giải cao cho vở diễn và nhiều huy chương vàng, huy chương bạc cho các cá nhân, Nhà hát Chèo Thái Bình tiếp tục khẳng định vị thế của mình với giới chèo chuyên nghiệp cả nước bằng 3 lần tham dự hòa tấu nhạc cụ truyền thống, 3 lần tham dự liên hoan tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo toàn quốc với những giải xuất sắc và nhiều huy chương vàng, bạc.

Theo nhiệm vụ được giao, mỗi năm Nhà hát Chèo Thái Bình thực hiện 10 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị nhưng dường như năm nào đơn vị cũng thực hiện vượt mức chỉ tiêu được giao. Thực hiện kế hoạch có thu, hàng năm Nhà hát thường đạt hơn 100 buổi diễn, trong đó có tới hai phần ba số buổi lưu diễn ở tỉnh ngoài. 10 năm với cung đường lưu diễn dặm dài từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Hà Nội, Hải Phòng và hầu khắp các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, Nhà hát Chèo Thái Bình đã góp phần sinh động vào việc quảng bá chèo Thái Bình và hơn cả thế là góp phần làm cho công chúng ở tỉnh ngoài thêm yêu, thêm hiểu Thái Bình hơn.

Một trong những hoạt động nghệ thuật mang tính thường nhật là theo những quy mô khác nhau, Nhà hát Chèo Thái Bình thường xuyên đáp ứng được yêu cầu phục vụ các sự kiện của các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Nếu như những màn sử thi do Nhà hát Chèo Thái Bình thực hiện trong những đêm hội đền Trần (Hưng Hà), đền A Sào (Quỳnh Phụ) đã góp phần hiệu quả vào việc tôn vinh lịch sử, quảng bá du lịch Thái Bình thì những màn sử thi Nhà hát trình diễn tại Lào Cai, Lai Châu và một số tỉnh, thành phố đã thực sự thuyết phục được công chúng ngoài tỉnh vốn chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với nghệ thuật chèo.

Lại nữa, một trong những hoạt động đáng được ghi nhận về Nhà hát Chèo Thái Bình là việc khơi nguồn, hướng dẫn nghệ thuật chèo với công chúng yêu chèo trong tỉnh bằng nhiều hình thức hoạt động khác nhau như tham gia chương trình dạy hát chèo trên truyền hình, dạy bộ môn chèo tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, dàn dựng các chương trình cho các địa phương, đơn vị, giao lưu chèo với các câu lạc bộ chèo quần chúng…

Trong những thành tựu nổi bật của Nhà hát Chèo Thái Bình 10 năm qua không thể không kể đến thành công về công tác xã hội hóa. Từ thành công đó, 10 năm qua, Nhà hát đã tạo được những chuyển biến tích cực về phương diện xã hội hóa việc bổ sung phương tiện, trang thiết bị để hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh vì nặng lòng với chèo, nặng lòng với Nhà hát Chèo Thái Bình mà đem tâm giúp đỡ bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có những mạnh thường quân đã giúp Nhà hát nhiều tỷ đồng để mua sắm phương tiện, trang thiết bị và kinh phí dàn dựng chương trình. Vốn được coi là con cưng của tỉnh, thường được chú trọng đầu tư, lại nhờ thành công về công tác xã hội hóa nên đến nay cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của Nhà hát Chèo Thái Bình đã cơ bản đáp ứng được điều kiện hoạt động để có thể từng bước “ăn nên làm ra”.

Sự tồn tại và phát triển đối với mỗi đơn vị nghệ thuật thì tài năng nghệ thuật mang ý nghĩa quyết định. Hiện tại, Nhà hát Chèo Thái Bình có 9 NSƯT, trong đó 8 người được phong tặng trong vòng 10 năm qua, tài năng đang độ chín. Với 61 biên chế và 15 học sinh đào tạo hợp đồng, Nhà hát Chèo Thái Bình đã và đang sở hữu đội ngũ nghệ sĩ khá mạnh, không dễ mấy đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước có được.

Bằng các hoạt động chuyên môn phong phú, đa dạng với chất lượng cao, Nhà hát Chèo Thái Bình tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, tiếp tục để cả nước thừa nhận: Nói đến chèo là phải nói đến Thái Bình. Nói đến chèo chuyên nghiệp, chèo xịn thì không thể không nhắc đến Nhà hát Chèo Thái Bình.

Hiện tại, ngoài tập trung cao độ hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ được giao, Nhà hát Chèo Thái Bình đang nỗ lực thi đua sáng tạo, lập nên những thành tích mới tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát. Ngày ấy không còn xa. Chắc chắn là những đóa hoa nghệ thuật sẽ tiếp tục nở rộ để chào đón mốc son mới của Nhà hát Chèo Thái Bình trên đất chèo.

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương