Thứ 6, 22/11/2024, 21:43[GMT+7]

Lạm thu - Chuyện nói cũng không sửa (Kỳ 1)

Thứ 4, 27/09/2017 | 08:24:59
2,004 lượt xem
Lạm thu tài chính tại các cơ sở giáo dục là đề tài chưa bao giờ hết nóng mỗi khi vào năm học mới. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản và các phòng giáo dục và đào tạo cũng có chỉ đạo không được lạm thu nhưng vào đầu năm học các khoản thu vẫn cứ lạm. Rõ ràng trong các trường đang diễn ra tình trạng việc các cấp nói cứ nói còn trường vẫn lặp lại điệp khúc “nói cũng không sửa”.

Một số trường học trong tỉnh tận dụng phế liệu tự sản xuất đồ dùng học tập, đồ chơi phục vụ dạy và học.

Kỳ 1: Muôn màu lạm thu

Mỗi trường một cách thu

Cuộc họp phụ huynh đầu năm tại Trường Tiểu học Trần Lãm (thành phố Thái Bình) được tổ chức trước khai giảng, sau cuộc họp, nhiều phụ huynh băn khoăn, thậm chí bức xúc trước các khoản thu của trường, lớp. Một phụ huynh có con học lớp 1 chia sẻ, dịp đầu năm học này, chị phải đóng cho con gần 2,3 triệu đồng. Ngoài tiền ăn bán trú, tiền đồng phục, học sinh khối 1 phải đóng 18 khoản khác, trong đó có nhiều khoản gọi là thu theo thỏa thuận như tiền mua ghế ngồi, làm thẻ học sinh, rạp, vệ sinh, vở sạch, trang trí không gian lớp học, đồ dùng, quỹ hội phụ huynh trường, lớp… với tổng số tiền 1.830.000 đồng. 

Trao đổi về mức thu và các khoản thu của nhà trường, ông Nguyễn Minh Trang, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Trần Lãm cho biết: Trước khi tổ chức thu đầu năm, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh để phổ biến và lấy ý kiến, tuy nhiên nhà trường không nhận được ý kiến phản hồi nào từ phụ huynh. 

Cũng theo ông Trang, nhà trường thực hiện thu của học sinh khối 1 nhiều tiền nhất bởi đây là học sinh đầu cấp, cần phải trang bị rất nhiều đồ dùng mới. Tuy nhiên, khi phản ánh về các khoản thu như quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, tiền trang trí lớp học, đồ dùng, ông Trang thừa nhận các khoản này ông thực sự không biết mà do hội phụ huynh mỗi lớp tự thỏa thuận thu.

Tại Trường Mầm non Vũ Thắng (Kiến Xương), nhiều phụ huynh cũng bức xúc vì tổng số tiền các cháu mầm non phải đóng dịp đầu năm từ 2.550.000 - 2.650.000 đồng/cháu. Theo phản ánh của phụ huynh, ngoại trừ tiền ăn đóng theo tháng, còn lại tất cả các khoản như học phí, tiền học ngày thứ bảy, tiền nước uống của học sinh đều thu theo năm học, vì vậy đã nâng số tiền học sinh phải đóng đầu năm lên cao. Thêm vào đó, nhà trường thực hiện thu các khoản theo thỏa thuận như tiền công cô nuôi, tiền chất đốt; tiền vệ sinh, bảo vệ, nước sinh hoạt; bảo hiểm thân thể, đồ dùng dạy học nên tổng số tiền phải đóng lên tới hơn 2.500.000 đồng/học sinh.

Theo ghi nhận tại nhiều trường trong tỉnh, mức thu đầu năm học của phần đông các trường mầm non trên địa bàn tỉnh ở mức từ 1.700.000 - 2.000.000 đồng, một số trường lên đến hơn 2.500.000 đồng; tiểu học, THCS, THPT ở mức 1.100.000 - 1.300.000 đồng. Mặc dù Quyết định số 2814 của UBND tỉnh ban hành ngày 16/12/2013 về việc quy định các khoản thu, mức thu và quản lý, sử dụng trong các cơ sở giáo dục công lập đã quy định rất cụ thể, chi tiết về các khoản thu, mức thu cho các cơ sở giáo dục công lập, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có công văn chỉ đạo, mỗi phòng giáo dục cũng có công văn, hướng dẫn cụ thể về công tác thu, chi đầu năm học song nếu theo Quyết định số 2814, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và đào tạo thì việc thu sai đang diễn ra tại rất nhiều trường học. Ngoài các khoản thu theo quy định, mỗi trường đều có các khoản thu theo cách riêng của đơn vị mình, thậm chí trong một trường, mỗi lớp cũng có các khoản thu khác nhau như tiền quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, quỹ lớp, tiền hỗ trợ nhà trường trong tổ chức các hoạt động ngày lễ hội, tiền lắp đặt wifi, điều hòa, trang trí lớp học, mua mới rèm cửa, sửa chữa, mua mới quạt điện, bóng điện thắp sáng, cải tạo sân trường, sửa chữa phòng học, làm mái tôn… 

Để tránh tâm lý bức xúc cho phụ huynh vì vừa vào năm học đã phải đóng một lúc quá nhiều tiền, đến năm học này, nhiều trường học đã thực hiện phương án thu giãn, thu trong nhiều đợt và không thực hiện thu trước hay ngay sau khai giảng mà thu sau khi học sinh đã vào học 1 - 2 tuần.

Thu theo thỏa thuận, phụ huynh chịu trách nhiệm

Qua tìm hiểu thực tế, tại không ít trường hiện nay, ban đại diện cha mẹ học sinh (hay gọi là hội phụ huynh) tham gia khá sâu vào hoạt động thu. Với lý giải các khoản thu đã có sự thỏa thuận với phụ huynh hoặc do hội phụ huynh thu nên tại các trường, các phụ huynh học sinh phải đóng cho con nhiều khoản thu theo thỏa thuận như đã kể trên… 

Tuy nhiên, theo Khoản 4, Điều 10 trong Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, xây dựng mới các công trình của nhà trường…      

Không phải bây giờ mà từ lâu nay, trong hoạt động ở trường học, mặc nhiên các học sinh, phụ huynh đều đã quen với việc đóng quỹ lớp hay quỹ phụ huynh. Khoản 2, Điều 3, Quyết định số 2814 của UBND tỉnh đã quy định rõ “chấm dứt một số khoản thu mà trước đây một số cơ sở giáo dục đã thu của phụ huynh học sinh” trong đó có khoản quỹ hội phụ huynh, quỹ trường. Theo Khoản 3, Điều 10 trong Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Song ở phần đông trường học hiện nay vẫn tồn tại quỹ hội phụ huynh, thậm chí quỹ hội phụ huynh hai cấp đó là quỹ hội phụ huynh trường và quỹ hội phụ huynh lớp và thu bình quân quỹ hội phụ huynh trường, lớp/1 học sinh. Nếu như ở các trường nông thôn, quỹ hội phụ huynh được thu ở mức từ 50.000 - 100.000 đồng/học sinh/năm học thì ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố đều thu ở mức 40.000 đồng/học sinh đối với quỹ hội phụ huynh trường và từ 200.000 - 300.000/học sinh/kỳ học đối với quỹ phụ huynh lớp. Một bài toán đơn giản, nếu một lớp học có từ 50 - 55 học sinh, với mức thu 600.000 đồng/năm thì trong một năm học hội phụ huynh 1 lớp đã thu và chi hết 25 - 33 triệu đồng. 

Một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) chia sẻ, mỗi năm chị phải đóng cho con trung bình từ 500.000 - 600.000 đồng quỹ hội phụ huynh. Có năm, gần đến kỳ thi cuối năm, hội phụ huynh vẫn phát động thu tiếp 150.000 đồng/cháu. Quá bức xúc, một phụ huynh đã gọi điện phản ánh với hiệu trưởng nhà trường, vì thế việc thu thêm mới yêu cầu phải dừng lại.

Bà Lê Thị Lạc, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Trần Lãm cho biết, sở dĩ phải thu quỹ hội phụ huynh trường vì mỗi năm trường có nhiều hoạt động như khen thưởng học sinh, giáo viên, việc hiếu, hỷ nên ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất thu quỹ hội phụ huynh trường để có kinh phí chi cho các hoạt động này. Không chỉ có tại Trường Tiểu học Trần Lãm mà tại không ít trường, quỹ hội phụ huynh trường, lớp cũng chủ yếu để phục vụ cho các hoạt động lễ, tết, hiếu, hỷ. Như vậy, nếu theo Quyết định số 2814 của UBND tỉnh và Thông tư số 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các khoản thu, chi do hội phụ huynh đang thực hiện tại nhiều trường học hiện nay đều trái với quy định.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên