Thứ 2, 25/11/2024, 08:53[GMT+7]

Nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Thứ 2, 13/11/2017 | 08:39:19
640 lượt xem
Trường Chính trị tỉnh Thái Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trường Chính trị tỉnh đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mọi mặt của nhà trường.

Trường Chính trị tỉnh Thái Bình duy trì tốt nền nếp, kỷ cương trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu về số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, bám sát phương châm gắn lý luận với thực tiễn; tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, trong đó “thầy chủ đạo - trò chủ động”; kết hợp những yếu tố hợp lý trong các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại cho phù hợp với văn hóa truyền thống và điều kiện thực tiễn. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường không chỉ quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho học viên mà còn quan tâm bồi dưỡng ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thực thi công vụ và rèn luyện tác phong công tác cho cán bộ.

Ý thức được vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh đã rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng sư phạm cho giảng viên. Hiện nay, nhà trường có 36 giảng viên, trong đó 29 đồng chí có trình độ sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ). Cán bộ, giảng viên nhà trường luôn nỗ lực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý đồng thời chủ động trong học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ mọi mặt, do vậy, đội ngũ giảng viên đã đảm nhận giảng dạy được các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ của nhà trường.

Song song với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường cũng rất quan tâm đến đổi mới phương pháp học tập, xây dựng động cơ và ý thức học tập của học viên. Trên cơ sở quy chế quản lý đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã cụ thể hóa thành các quy định nhằm quản lý chặt chẽ quá trình dạy và học. Việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên được đổi mới, không giới hạn về nội dung ôn tập; đề thi coi trọng yêu cầu liên hệ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác. Yêu cầu về tiểu luận tốt nghiệp của học viên được nâng cao một bước, đề tài tiểu luận được định hướng vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, gắn với công việc, cơ quan, đơn vị của học viên. Công tác quản lý các khâu trong quá trình đào tạo cũng được nhà trường quan tâm, chú trọng.

Trong 2 năm qua (2016 - 2017), Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức đào tạo được 35 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính (2.221 học viên); 2 lớp trung cấp luật (124 học viên); 7 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên (650 học viên); 5 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (362 học viên); 1 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn (140 học viên), 1 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (140 học viên); phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 1 và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 2 lớp cao cấp lý luận chính trị (180 học viên).

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên nhà trường theo hướng chuẩn hóa trình độ thạc sĩ; có chiến lược, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên đi đào tạo ở trình độ tiến sĩ; coi trọng đào tạo trong công việc thông qua việc tổ chức nền nếp các hoạt động chuyên môn; có cơ chế, chính sách, biện pháp để khuyến khích đội ngũ giảng viên tích cực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Hai là, đổi mới tư duy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đổi mới đồng bộ phương pháp dạy, học, thi, đánh giá kết quả; công tác đào tạo, bồi dưỡng phải đi vào thực chất, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng; nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải chú trọng thực hành, coi trọng phát triển kỹ năng công tác; phương pháp dạy học phải chú trọng phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của người học; rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho học viên.

Ba là, tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình bồi dưỡng. Trọng tâm là triển khai các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu, có chất lượng cao, kết hợp với nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng theo ngạch, bậc, vị trí, chức danh công tác theo quy định; chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, bổ sung kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ trên cơ sở điều tra một cách khoa học về năng lực và nhu cầu thực sự của cán bộ.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị dạy học hiện đại, giảm quy mô lớp học cho phù hợp với yêu cầu của phương pháp dạy học coi trọng sự tương tác, coi trọng làm việc theo nhóm, coi trọng thực hành.

Năm là, tăng cường kỷ cương, nền nếp học tập, rèn luyện. Bên cạnh việc quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho học viên, nhà trường tăng cường rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công tác; bồi dưỡng tinh thần phục vụ, ý thức cống hiến cho tổ chức, cho xã hội, cho đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Luận

Phó Giám đốc Trường Chính trị tỉnh