Thứ 3, 21/05/2024, 00:54[GMT+7]

“Mở đường” cho người khuyết tật

Thứ 2, 13/11/2017 | 08:54:22
861 lượt xem
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập là những giải pháp huyện Kiến Xương giúp người khuyết tật bảo đảm cuộc sống. Đây cũng là con đường để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Cơ sở sản xuất của anh Lại Văn Điệp (thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 12 người khuyết tật.

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiến Xương: Toàn huyện hiện có 7.275 người khuyết tật gồm các đối tượng: khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động, trong đó số đối tượng còn khả năng lao động chiếm 30%. Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật, những năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động các đối tượng đi học nghề phù hợp như may, mộc, cơ khí và các nghề tiểu thủ công nghiệp tại các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh. Sau khi học nghề, Hội tiếp tục đứng ra liên hệ với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. 

Là người khuyết tật được đào tạo nghề, anh Lại Văn Điệp, thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh không chỉ tự tạo được việc làm cho mình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật của địa phương. Anh Điệp cho biết: Được sự hỗ trợ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện và chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, tôi đã mở được cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cho riêng mình. Đến nay, tôi mở rộng quy mô và thành lập công ty, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25 lao động khác, trong đó có 12 người khuyết tật, mỗi năm đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Anh Đỗ Văn Giáp, người khuyết tật thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh chia sẻ: Được anh Điệp nhận vào công ty làm việc, mỗi tháng thu nhập 6 triệu đồng, em thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Bản thân em không còn mặc cảm vì khiếm khuyết của cơ thể, không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội và chăm lo tốt cuộc sống của gia đình. 

Còn chị Bùi Thị Lý, người khuyết tật ở thôn Trung Quý, xã Thượng Hiền có cuộc sống ổn định nhờ được học nghề may công nghiệp. Chị được một doanh nghiệp may tin tưởng giao hàng làm gia công tại nhà. Hiện chị cũng mở được cơ sở may, tạo việc làm cho 10 người khuyết tật khác của địa phương với thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Lý, anh Điệp chỉ là hai trong số những tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên trong mô hình người khuyết tật giúp đỡ người khuyết tật ở huyện Kiến Xương. 

Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Kiến Xương cho biết: Để giúp những người khuyết tật không còn khả năng lao động ổn định cuộc sống, hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đều tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giải quyết các chế độ, chính sách. Mỗi tháng, huyện tổ chức chi trả kịp thời, an toàn tới tận tay các đối tượng với số tiền hơn 3,586 tỷ đồng theo đúng Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe. 

Bên cạnh huy động các đoàn thể chung tay giúp đỡ người khuyết tật, các địa phương cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động anh em trong gia đình, dòng họ, làng xóm giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần; làm tốt công tác xã hội hóa chăm sóc người khuyết tật. Đối với những hộ người khuyết tật nghèo có nhà ở dột nát, Kiến Xương huy động mọi nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà tình thương giúp họ có nơi ăn chốn ở vững chắc, yên tâm ổn định cuộc sống. 

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày